Mỹ-Philippines hục hặc vì chuyện mua vũ khí Nga
Quốc tế - Ngày đăng : 11:02, 18/08/2018
Chính quyền Manila có ý định sở hữu tàu ngầm nhằm tăng cường sức mạnh hải quân, trong bối cảnh tình hình Biển Đông còn căng thẳng. Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana vào tháng 6 cho biết: “Năng lực quốc phòng của một quốc gia có lãnh thổ trên biển không hoàn chỉnh nếu không có tàu ngầm. Chúng tôi đang xem xét mua từ Hàn Quốc, Nga và quốc gia khác”.
Phía Moscow được cho đã ngỏ ý sẵn sàng bán tàu ngầm lớp Kiko, thậm chí cung cấp khoản vay nếu Philippines không đủ khả năng chi trả.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh châu Á -Thái Bình Dương Randall Schriver ngày 16.8 phát biểu về chuyện này: “Tôi nghĩ họ nên suy nghĩ kỹ. Mua trang bị quân sự quan trọng từ Nga không có ích cho liên minh giữa chúng ta, và chúng tôi vẫn là đối tác tốt hơn”.
“Các bạn không chỉ đang đầu tư vào nền tảng vũ khí, mà là đang đưa ra tuyên bố về cả mối quan hệ”, theo Trợ lý Schriver. Ông khuyến khích đồng minh Đông Nam Á mua hệ thống vũ khí Mỹ để đảm bảo quân đội hai nước có khả năng phối hợp tác chiến.
Tổng thống Duterte xem lời cảnh báo là động thái can thiệp vào việc của Philippines. Ông đưa ra phát ngôn đáp trả: “Tại sao các người (Mỹ) không ngăn quốc gia châu Á khác mà lại cản trở chúng tôi? Các người là ai mà có quyền đưa ra cảnh báo?”.
Nhà lãnh đạo còn chỉ trích Washington chỉ viện trợ thiết bị “hoen gỉ” đã qua sử dụng, ví dụ như máy bay trực thăng, gây ra cái chết của không ít binh sĩ Philippines.
“Đây là cách Mỹ đối xử với đồng minh, và muốn chúng tôi lúc nào cũng đứng về phía các người? Các người muốn chúng tôi bị tụt hậu. Việt Nam có 7 tàu ngầm, Malaysia có 2, Indonesia có 8, còn chúng tôi không có chiếc nào”, theo Tổng thống Duterte.
Philippines là một trong số nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ có ý định sở hữu vũ khí Nga. Mới đây nhất, Washington đã đình chỉ thương vụ bán tiêm kích F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này quyết mua S-400. Mỹ cũng đề nghị Ấn Độ cùng Ả Rập Saudi tái cân nhắc kế hoạch mua hệ thống phòng không này.
Cẩm Bình (theo Rappler, UNIAN, Business Insider)