Argentina ‘biếu không' đất cho Trung Quốc xây căn cứ quân sự
Quốc tế - Ngày đăng : 06:40, 19/08/2018
Theo báo New York Times, chính phủ Argentina lâm khủng hoảng tài chính trầm trọng năm 2009, bị lạm phát cao, đến hạn phải trả nợ vay nước ngoài 100 tỉ USD. Người dân phẫn nộ với chính phủ, nhất là việc quyết định quốc hữu hóa 30 tỉ USD trong các quỹ trợ cấp của tư nhân. Bên cạnh đó là vụ hạn hán nghiêm trọng khiến tình hình kinh tế càng u ám.
Thỏa thuận cho không lô đất để PLA xây căn cứ quân sự
Trung Quốc nhảy vào can thiệp, cho chính phủ Tổng thống Kirchner (nắm quyền từ năm 2007 đến 2015) vay 10 tỉ USD, để bà ổn định giá trị đồng tiền peso của Argentina, và Bắc Kinh còn hứa đầu tư 10 tỉ USD nữa để sửa hệ thống đường sắt xuống cấp của Argentina.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cử một đoàn đến thủ đô Buenos bàn tham vọng không gian của Bắc Kinh: một cơ sở theo dõi vệ tinh, trước khi cử người lên mặt trăng.
Ông Felix Clementino Menicocci, Tổng thư ký Ủy ban Hoạt động không gian quốc gia (Argentina) nói người Trung Quốc hứa hẹn phát triển kinh tế vùng, viễn cảnh hai nước cùng tạo nên một sự kiện lịch sử, với các quan chức Argentina, vì “họ đã là một ông lớn về không gian chỉ trong vài năm”.
Sau nhiều tháng đàm phán bí mật, vào tháng 11.2012, chính quyền tỉnh Neuquen và chính phủTrung Quốc ký một thỏa thuận, qua đó Trung Quốc có quyền sử dụng một lô đất suốt 50 năm mà không phải tốn tiền thuê.
Lô đất xung quanh là núi và xa khỏi các khu dân cư ở vùng đồng bằng tỉnh Neuquen (phía nam Argentina) đã được xây dựng căn cứ theo dõi vệ tinh.
Ban Kiểm soát theo dõi và phóng vệ tinh (CLTC, một nhánh của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc-PLA) là đơn vị nhận nhiệm vụ xây và điều hành căn cứ.
Căn cứ trị giá 50 triệu USD này gồm một tháp ăng-ten nặng 450 tấn vàcao 16 tầng, phía trên cùng là một đĩa vệ tinh khổng lồ, cho phép Bắc Kinh suốt ngày đêm theo dõi các vệ tinh và những chuyến bay vào không gian.
Trung Quốc phóng vệ tinh giúp Nam Mỹ - Ảnh: Getty Images
“Cái ống nhòm ấy có thể cho PLA thấy dân thường mặc gì”
Theo Times, một số nghị sĩ Argentina ngỡ ngàng khi được biết dự án (sau khi đã xây xong căn cứ). Nữ cựu nghị sĩ Betty Kreitman nói bà phẫn nộ khi PLA được phép lập căn cứ trên lãnh thổ Argentina: “Đầu hàng chủ quyền lãnh thổ ngay trên nước mình là quyết định quá nhục”.
Bà Kreitman còn kể khi đến thăm công trình, bà đã buộc các sĩ quan PLA trả lời các thắc mắc, nhưng họ đáp: “Đó là cửa sổ nhìn vào thế giới”. Bà ra về với sự lo ngại đáng kể: “Câu trả lời khiến tôi rùng mình. Bạn làm gì với cửa sổ thế giới? Do thám thì có”.
Các quan chức Argentina nói các nhà thầu quân sự Trung Quốc chỉ được phép vào căn cứ này 2giờ/ngày, và Trung Quốc đồng ý sử dụng căn cứ vào mục đích dân sự, không dùng vào mục đích quân sự.
Nhưng các quan chức nói điều đó vẫn không thể trấn an người dân thị trấn Bajada del Agrio (ở gần sát căn cứ) lo sợ sự hiện diện của quân sự Trung Quốc.
Trưởng thị trấn Ricardo Fabin Esparza nói người dân khẳng định đó là một căn cứ quân sự, và ông thấy quân PLA thân thiện, thậm chí mời ông xem hình ảnh mà dàn ăng-ten thu được. Nhưng ông cũng e dè: “Cái ống viễn vọng kính đó thậm chí có thể cho họ thấy mình đang mặc gì”.
Ông trưởng làng còn nói: “Mỹ nên lo ngại. Căn cứ này để soi mắt vào nước Mỹ”.
Dân thị trấn từ xa ngắm căn cứ PLA vào ban đêm- Ảnh: New York Times
“Máy hút bụi khổng lồ” moi tin tình báo của Mỹ
Theo Times, căn cứ theo dõi vệ tinh của PLAlà một biểu tượng lớn của nỗ lực gieo ảnh hưởng ở Nam Mỹ của Trung Quốc, có thể trực tiếp phá hoại tầm ảnh hưởng chính trị-kinh tế và vị thế chiến lược của Mỹ tại khu vực Nam Mỹ.
Căn cứ bắt đầu hoạt động từ tháng 3.2018, và các chuyên gia nói dàn ăng-ten và các thiết bị hỗ trợ các hoạt động không gian, có thể giúp tăng khả năng thu thập tin tình báo cho Trung Quốc.
Các chuyên gia nói công nghệ của căn cứ có nhiều tính năng chiến lược. Cựu nghị sĩ Mỹ Dean Cheng từng nghiên cứu chính sách an ninh quốc phòng của Trung Quốc, nói: “Ăng-ten khổng lồ của nó giống như một máy hút bụi khổng lồ”.
Frank A. Rose, một trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí (thời Tổng thống Barack Obama) nói ông rất lo ngại chương trình không gian của Trung Quốc, và các quan chức tình báo-quốc phòng Mỹ rất cảnh giáctrước việc Bắc Kinh dùng công nghệ hiện đại để chặn-phá và hủy diệt các vệ tinh trong vài năm qua.
Ông Rose nhấn mạnh: “Họ đang dùng khả năng này để phá hoại các ưu thế quân sự Mỹ vốn có từ không gian”.
Mới đây, Phó tổng thống Mike Pence và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tuyên bố tham vọng từ năm 2050 sẽ lập “Quân chủng không gian”, như một binh chủng thứ sáu của quân đội Mỹ.
Một trong các lý lẽ ủng hộ kế hoạch này, là các đối thủ của Mỹ (gồm Trung Quốc) xem ra ngày càng sẵn sàng tấn công các cơ sở quân sự trong lãnh thổ Mỹ, nếu như xảy ra chiến tranh Mỹ-Trung.
Các chỉ huy quân sự Mỹ đã xác định mục tiêu trọng tâm là phải đối phó Trung Quốc. Một báo cáo hàng năm của Lầu Năm Góc vừa trình Quốc hội Mỹ (hôm 17.8) cũng cảnh báo chiến lược tổng thể của Bắc Kinhlà chống phá ưu thế kỹ thuật của Mỹ.
Trung tá Christopher Logan, người phát ngôn Lầu Năm Góc nói các quan chức quân đội Mỹ đã nghiên cứu kỹ các hệ lụy từ căn cứ của PLA.
“Sự xâm chiếm lặng thầm” đã không còn lặng thầm
Vài tuần sau khi căn cứ theo dõi vệ tinh PLA bắt đầu hoạt động ở vùng sa mạc Patagonia, Lầu Năm Góc ra một tuyên bố khiến Argentina bất ngờt: tài trợ cho một trung tâm phản ứng tình trạng khẩn cấp trị giá 1,3 tỉ USD ngay ở tỉnh Neuquen.
Đây là dự án đầu tiên của Mỹ ở Argentina. Các quan chức địa phương và người dân thắc mắc: có phải đó là cách Mỹ trả đũa Trung Quốc. Các quan chức Mỹ nói dự án này không liên quan căn cứ PLA, và trung tâm chỉ sử dụng nhân viên Argentina.
Mới đây, các quan chức Mỹ đạt một thỏa thuận với Tổng thốngAntonio Macri, một chính khách bảo thủ ở Argentina, để Mỹ lập căn cứ không xa căn cứ theo dõi vệ tinh của Trung Quốc ở tỉnh Neuquen. Báo giới địa phương đưa tin cơ sở Mỹ có thể trở thành một căn cứ không quân.
Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Argentina giấu tên đã nói chuyện với Times, Tổng thống Macri đã cố gắng thuyết phục Trung Quốc đóng căn cứ ở tỉnh Neuquen, theo yêu sách của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, người đã thăm Argentina năm 2017.
Nhưng Tổng thống Macri không thể làm gì cả, khi Bắc Kinh dọa sẽ đóng cửa thị trường Trung Quốc đối với đậu nành Argentina.
Đại sứ Argentina ở Bắc Kinh, ông Diego Guelar vào năm 2013 từng xuất bản cuốn sách mang tựa báo động “Cuộc xâm chiếm thầm lặng: Trung Quốc đổ bộ vào Nam Mỹ”.
Nay ông Guelar nói: “Chuyện đã rồi. Nó không còn lặng thầm nữa”. Và ông khẳng định chính phủ tiền nhiệm “nhượng bộ quá nhiều”, không thể xác quyết căn cứ này chỉ sử dụng cho mục đích hòa bình.
Ông nói: “Nghiêm trọng lắm, bất kỳ lúc nào nó cũng có thể trở thành một căn cứ quân sự”, và ông kể hồi cuối năm 2015, khi được chỉ định làm đại sứ ở Trung Quốc, ông tự lãnh nhiệm vụ thúc đẩy Bắc Kinh đàm phán lại về thỏa thuận “hiến đất” xây căn cứ PLA ở tỉnh Neuquen.
Nhưng ông cũng nói nếu ngưng quan hệ với Bắc Kinh thì sẽ là một quan điểm thiển cận, nhất là khi Mỹ đã từ bỏ vị thế quyền lực chính trị-kinh tế ở khu vực Nam Mỹ: “Lãnh đạo Mỹ đã thoái vị, từ bỏ vai trò không chỉ vì đã mất vị thế, mà còn vì không muốn nhận vị thế đó”.
Vĩnh Thụy (theo New York Times)