CIEM: Dự thảo Nghị định 86 có biểu hiện cài cắm lợi ích ngành

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 18:14, 20/08/2018

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa có văn bản góp ý về dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP) do Bộ GTVT xây dựng.

CIEM cho rằng, để giải quyết các vấn đề của kinh doanh vận tải bằng ô tô, cần một hệ thống tư duy và cách tiếp cận mới trong soạn thảo Nghị định. Dự thảo cuối cùng đã đơn giản hoá, bãi bỏ một số quy định về điều kiện kinh doanh, nhất là về kinh doanh vận tải bằng xe taxi, như đã cắt giảm quy định về niêm yết logo, màu sơn biểu trưng, điều kiện về trung tâm điều hành, tần số, thiết bị liên lạc, đồng phục, thẻ tên của lái xe...

Tuy nhiên, nhìn chung, nội dung dự thảo chưa có những đổi mới cần thiết, đủ mạnh theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Cụ thể, toàn bộ nội dung của dự thảo thể hiện cách tiếp cận chi phối là người dân, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những gì do pháp luật quy định và theo quy định của pháp luật. Cách tiếp cận này không phù hợp với tinh thần “người dân, doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những gì mà luật không cấm”.

Trong khi đó, mục tiêu việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 86 lần này không phải là để “siết chặt kinh doanh vận tải”, mà là giảm rào cản, giảm chi phí, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, canh tranh bình đẳng theo tinh thần “Chính phủ kiến tạo”.

CIEM cho rằng, với cách tiếp cận nói trên và yêu cầu “siết chặt kinh doanh vận tải”, cơ quan soạn thảo đã không chú ý nghiên cứu xác định rõ ràng mục tiêu quản lý, tiêu chí và nội dung cụ thể của từng điều kiện kinh doanh, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn cần thiết, không rõ ràng, không cụ thể…, mà trái lại, đưa thêm vào một số điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính mới bất hợp lý, không cần thiết.

Ví dụ như quy định đơn vị vận tải phải cung cấp thông tin về hợp đồng vận tải đến Sở GTVT trước khi thực hiện vận chuyển hành khách; quy định hợp đồng vận tải phải có thông tin “hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe” của lái xe, “năm sản xuất” của phương tiện; yêu cầu doanh nghiệp vận tải báo cáo Sở về các nội dung, hợp đồng mẫu… của ứng dụng phần mềm, trong khi các ứng dụng đã được đăng ký/thông báo cho Bộ Công Thương theo quy định về thương mại điện tử; yêu cầu hợp đồng phải được ký trước khi vận chuyển; chỉ được ký 01 hợp đồng…

Cũng theo CIEM, việc Uber, Grab sử dụng phần mềm để phục vụ chung cho các đơn vị kinh doanh vận tải, thực hiện điều hành các phương tiện kinh doanh vận tải để vận chuyển hành khách (quyết định phương tiện nào sẽ thực hiện đón khách), quyết định giá cước vận tải thì không thể gọi là đơn vị kinh doanh vận tải như ý kiến trong dự thảo của Bộ GTVT.

“Kinh doanh theo kiểu Uber hay Grab là phương thức kinh doanh hoàn toàn mới; áp dụng quy định hiện hành để quản lý là hoàn toàn không phù hợp. Vì vậy cần nghiên cứu, đề xuất các quy định mới phù hợp để quản lý, nếu xét thấy cần thiết như các loại hình kinh tế chia sẻ khác…”, CIEM kiến nghị.

Theo CIEM, cách soạn thảo đó đã vô tình hoặc cố ý tạo dư địa để tùy ý can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc đưa ra các công cụ quản lý theo hướng tạo thuận lợi cho cơ quan, công chức nhà nước; tạo rào cản hay đẩy khó khăn, rủi ro về cho doanh nghiệp. Đặc biệt, dự thảo chưa phân định rõ ràng hoạt động kinh doanh vận tải và bảo đảm an toàn giao thông nói chung.

Bảo đảm an toàn giao thông là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các phương tiện và người tham gia giao thông, đã được quy định tại nhiều văn bản pháp luật có liên quan như quy định về an toàn phương tiện (kiểm định, tiêu chuẩn, điều kiện sản xuất phương tiện…), tiêu chuẩn đối với người lái xe (đào tạo, cấp bằng lái xe...), tuân thủ quy tắc giao thông (dừng, đỗ, giao thông, xử phạt vi phạm…).

Các phương tiện và cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trước hết cũng phải tuân thủ đầy đủ tất cả các quy định về an toàn giao thông nói trên; còn quy định về kinh doanh vận tải phải đặt mục tiêu cao nhất là phải đảm bảo các đơn vị kinh doanh vận tải luôn cung cấp dịch vụ chất lượng tốt nhất với giá hợp lý nhất cho hành khách, khách hàng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại, vận chuyển của xã hội.

Do đó, nhiều quy định trong dự thảo Nghị định chồng chéo với các quy định khác, dẫn đến chồng chéo trong quản lý, gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp.

CIEM cũng nhận định, dự thảo Nghị định có biểu hiện cài cắm lợi ích ngành, đưa ngay điều kiện kinh doanh vào định nghĩa. Ví dụ tại Điều 3, Khoản 1 quy định: “Đơn vị kinh doanh vận tải là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải đã được Sở GTVT cấp Giấp phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”.

Trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, CIEM cho rằng tuyệt đối không được ngăn cản đổi mới, sáng tạo, nhất là đổi mới sáng tạo trong phương thức kinh doanh. Theo đó, đơn vị này nhận xét dự thảo hiện tại chưa đạt được mục tiêu cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, chắc chắn không giải quyết được những bất cập hiện tại mà thậm chí tạo thêm nhiều khó khăn, rào cản cho doanh nghiệp…

Vì vậy, CIEM đề nghị Chính phủ chưa nên thông qua dự thảo này và yêu cầu Bộ GTVT soạn thảo lại dự thảo Nghị định theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Lam Thanh

Trí Lâm