Giảm quá tải bệnh viện: Cái vòng luẩn quẩn không lối thoát
Sự kiện - Ngày đăng : 05:40, 20/08/2018
Chủ trương giảm quá tải bệnh viện
Những bệnh viện tại TP.HCM được liệt vào diện quá tải “thâm niên” gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2... Tuy nhiên, trong thời gian gần đây lại xuất hiện thêm một số bệnh viện quá tải khác như: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện quận Thủ Đức...
Trong thời gian qua, Bộ Y tế cũng ngành y tế TP.HCM đã đưa ra không ít những giải pháp nhằm giảm quá tải cho các bệnh viện trên.
Để giải quyết quá tải bệnh viện, ngành y tế chủ trương nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến dưới; mở khoa, phòng vệ tinh tại các bệnh viện tuyến dưới; chuyển giao kỹ thuật cao cho tuyến dưới; mở các phòng khám đa khoa tại trạm y tế... với mục tiêu hạn chế và tiến tới không để xảy ra quá tải tại các bệnh viện tuyến trên như hiện nay.
Mới đây, trong buổi làm việc với 2 bệnh viện quá tải ở TP.HCM là Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y dược, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục nhắc lại chuyện quá tải của 2 bệnh viện này; đặc biệt là Bệnh viện Đại học Y dược với lượng khám, chữa bệnh mỗi ngày ở đây lên đến trên 8 nghìn lượt bệnh nhân.
Bộ trưởng đã gợi ý cho Bệnh viện Đại học Y dược giảm quá tải bằng cách mở vệ tinh tại các bệnh viện quận - huyện ở TP.HCM hoặc các bệnh viện ở tỉnh, thành khác; đặc biệt phải chuyển bệnh nhân mắc các bệnh đơn giản về bệnh viện tuyến dưới; không nhận tái khám những bệnh nhân đã ổn định...
Kêu gọi bệnh viện cải tiến chất lượng để thu hút bệnh nhân
Khi đề cập đến vấn đề tự chủ tài chính của bệnh viện, Bộ Y tế không ít lần đề nghị các bệnh viện phải tập trung cải tiến chất lượng, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế cũng như tăng cường công tác truyền thông nhằm thu hút bệnh nhân đến với bệnh viện. Đây cũng là lúc các bệnh viện thểhiện năng lực của mình để tồn tại. Bệnh viện nào làm tốt thì thu hút nhiều bệnh nhân đến khám, chữa bệnh; bệnh viện nào làm không tốt thì bệnh nhân sẽ xa rời. Đó cũng là lý do, Bộ Y tế chủ trương tiến hành thông tuyến bảo hiểm y tế. Hiện nay bảo hiểm y tế đã thông đến tuyến quận - huyện và sắp tới đây sẽ thông đến tuyến cả tỉnh và Bộ.
Một khi đã thông tuyến cả tỉnh và Bộ thì chắc chắn bệnh nhân sẽ chọn nhữngbệnh viện có chất lượng để đến khám, chữa bệnh thay vì trước đây họ không dám đến vì đến sẽ không được bảo hiểm y tế, chỉ đến những bệnh viện mình đăng ký khám chữa bệnh ban đầu thôi.
Các bệnh viện “sống” được nhờ bệnh nhân quá tải
Trong thời gian gần đây, các bệnh viện, nhất là các bệnh viện đang tự chủ tài chính đã đẩy mạnh công tác truyền thông để thu hút bệnh nhân nhằm đảm bảo nguồn thu chi cũng như tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện.
Hiện nay, hầu hết các bệnh viện quá tải đang là những bệnh viện làm rất tốt công tác truyền thông như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Nhi đồng 1... Những bệnh viện này đều có một lực lượng truyền thông, có bệnh viện còn thành lập riêng một đơn vị truyền thông nhưBệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược... để khuếch trương hoạt động bệnh viện; quảng bá chất lượng khám chữa bệnh tại đây để thu hút bệnh nhân.
Theo lãnh đạo một bệnh viện chuyên khoa được liệt vào diện quá tải có “thâm niên” thì nếu bệnh viện này không quá tải sẽ không đảm bảo được đời sống cho cán bộ, nhân viên y tế ở đây. “Chúng tôi sống bằng nguồn từ bệnh nhân quá tải. Chúng tôi là bệnh viện tự chủ tài chính, nếu bệnh viện không quả tải, nhiều khả năng không đủ chỉ tiêu, chứ đừng nói gì có quỹ phúc lợi để tạo nguồn thu nhập tăng thêm cho cán bộ, nhân viên y tế”, vị lãnh đạo của bệnh viện này chia sẻ.
Một bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 1 thì thừa thận chẳng có bệnh viện nào quá tải muốn mất bệnh nhân, muốn chia sẻ bệnh nhân. Bởi chia sẻ bệnh nhân đồng nghĩa với giảm nguồn thu, giảm thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế. Chính vị bác sĩ này cũng tỏ ra lo lắng khi thời gian gần đây, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đang có chiều hướng giảm.
Theo vị bác sĩ này, từ ngày Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đi vào hoạt động, án ngữ cửa ngõ phía Nam của TP.HCM đã “hút” một lượng lớn bệnh nhân từ các tỉnh miền Tây khiến lượng bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi đồng 1 giảm đáng kể.
“Trong suốt thời gian qua, phần lớn bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 là đến từ các tỉnh miền Tây, chiếm hơn 60%. Do đó, từ khi Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đi vào hoạt động, lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại đây giảm đáng kể; đặc biệt trong những tháng đầu năm 2018, số lượng bệnh nhân giảm đến hơn 20% so với cùng kỳ”, vị bác sĩ này nói và tỏ ra lo lắng nếu tình trạng trên không được cải thiện, cộng với giá dịch vụ khám chữa bệnh đang điều chỉnh theo Thông tư 15 mới đây thì thu nhập của cán bộ nhân viên ở đây sẽ giảm thê thảm.
Như vậy có thể thấy, các bệnh viện quá tải đang tìm mọi cách để kéo bệnh đến khám, điều trị nhằm tăng thu nhập; còn những bệnh viện quá tải mà có dấu hiện bệnh nhân giảm thì đang lo lắng.
Riêng Bộ Y tế một mặt thì chủ trương thực hiện thông tuyến để cho bệnh nhân có điều kiện lựa chọn những bệnh viện có chất lượng đến khám, đều trị; đồng thời mong muốn các bệnh viện nâng cao chất lượng, làm tốt công tác truyền thông để thu hút bệnh nhân nhằm tự chủ tài chính, nhưng mặt khác lại kêu gọi bệnh viện giảm quá tải.
Sự mâu thuẫn trên không chỉ trong cách nói, cách làm của bệnh viện cũng như của lãnh đạo ngành y tế mà còn chính trong thực tiễn hoạt động của các bệnh viện. Hiện nay các bệnh viện đang phải tự chủ tài chính nên rất cần tiền, mà muốn có tiền thì phải thu hút nhiều bệnh nhân. Một khi cái vòng luẩn quẩn ấy không thoát ra được thì chúng ta làm sao có thể chống quá tải ở bệnh viện được.
Hồ Quang