Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đừng ‘bít đường’ báo chí!
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 07:10, 14/11/2014
Né tránh thông tin, bảo vệ nhà báo và sự tác động của mạng xã hội là những vấn đề nóng tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Luật Báo chí.
“Chúng ta cứ phân thứ bậc trong báo chí nhưng người truy cập thông tin thì không. Có những thứ 15 năm trước không thể tưởng tượng nay đã là bình thường. Đừng vì một vài hiện tượng (bất cập của báo chí) mà bịt hết cả lại” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức hôm qua (12.11).
Cản ngại từ cơ quan nhà nước
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết việc tổng kết 15 năm thi hành và xây dựng Luật Báo chí mới là yêu cầu cấp bách. Tư tưởng là phải bám sát các quy định mới của Hiến pháp 2013 về quyền về thông tin.
“Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”, trong đó báo chí cũng là một kênh thông tin để thực hiện công khai, minh bạch - Bộ trưởng nói.
Báo cáo do Thứ trưởng Trương Minh Tuấn trình bày nói rằng dù Luật Báo chí đã thực hiện 15 năm nhưng “một số địa phương, đơn vị, cá nhân vẫn né tránh, tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí”.
Giám sát của Quốc hội cho biết năm 2013 chỉ có khoảng 30% tổng số đơn thư do Đài Truyền hình TP.HCM chuyển đi được các cơ quan chức năng xử lý, của báo Thanh Niên là 27,8%, của báo Pháp Luật TP.HCM là 25%, báo Tuổi Trẻ là 22% mà nguyên nhân một phần do cán bộ, công chức, viên chức chưa nắm rõ trách nhiệm và nhất là luật chưa có chế tài xử lý.
Vụ hành hung phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại Văn Giang (Hưng Yên) cho thấy nhận thức của cả người dân và cơ quan nhà nước về Luật Báo chí còn hạn chế. Ảnh: TL |
Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Võ Văn Long nêu thực trạng: “Khi báo chí cần thông tin thì cơ quan nhà nước né tránh, báo đành lấy nguồn khác thì cơ quan nhà nước lại khiếu nại “tin không đúng”. Quy chế của Thủ tướng nói xử lý việc né cung cấp thông tin nhưng đến nay không có hướng dẫn chi tiết, không xử phạt được ai khiến báo chí phàn nàn rất nhiều”.
Phó Tổng Biên tập báo điện tử Đảng Cộng Sản Nguyễn Văn Thắng cho rằng việc “ém” các thông tin liên quan đến tiêu cực, tham nhũng đã khá phổ biến. Quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cần đưa vào luật mới đủ mạnh để triển khai cho cả hệ thống.
Theo nhà báo Xuân Thị Hồng Hà, Đài VOV, thì việc cung cấp thông tin, trả lời báo chí chính là việc tăng cường đối thoại Nhà nước - công dân và đây là việc thực thi tự do báo chí như chúng ta tuyên bố.
“Nóng” chuyện bảo vệ nhà báo
Ông Nguyễn Văn Thắng dẫn chiếu ba cơ sở: Cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tế để chứng minh chức năng giám sát, phản biện của báo chí là có thật và là sự kỳ vọng của người dân. “Khi mà phần lớn tham nhũng, tiêu cực là do báo chí và công dân phát hiện thì cơ quan soạn thảo luật nên đưa hẳn vào trong dự án Luật Báo chí mới chế định về chức năng giám sát, phản biện của báo chí để có cơ chế thực thi và bảo đảm” - ông Thắng nói. Dẫn ra hàng chục vụ việc nhà báo bị cản trở, hành hung, ông Thắng nói có nguyên nhân từ việc “không có quy định và ranh giới bảo vệ quyền nhà báo còn quá mỏng manh”.
Từ đơn vị từng có phóng viên bị đánh khi đang tác nghiệp, nhà báo Xuân Thị Hồng Hà, Đài VOV, nói rằng việc chưa có cơ chế bảo vệ nhà báo là “vấn đề ngày càng trầm trọng”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho biết trong báo cáo giám sát của ủy ban về thực hiện Luật Báo chí nổi lên vấn đề nhận thức về thực hiện luật không đầy đủ, cả ở công chức và dân chúng. “Thể hiện rõ ở hiện tượng nhiều cá nhân xúc phạm nhân phẩm, thân thể nhà báo, thu giữ, hủy hoại phương tiện tác nghiệp diễn ra ở nhiều nơi chúng tôi đến giám sát” - ông Tiến nói.
Báo cáo tổng kết của Bộ TT&TT xác nhận có “nhiều trường hợp cản trở tác nghiệp báo chí, thu giữ phương tiện làm việc của phóng viên, nhà báo, thậm chí có người quá khích còn hành hung nhà báo. Mặc dù hành vi cản trở tác nghiệp đã bị xử lý nghiêm nhưng cũng có nhiều trường hợp việc xử lý chưa thỏa đáng nên gây bất bình trong dư luận, nhất là trong giới báo chí”.
Phải có luật mới Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng 15 năm trước có ai nghĩ rằng người ở bên này bán cầu có thể trò chuyện với người bên kia bán cầu đâu, có ai tưởng tượng mạng xã hội phát triển như bây giờ đâu… Những tưởng tượng của chúng ta đều đảo lộn cả, yêu cầu chúng ta phải đặt luật này đúng xu thế phát triển của công nghệ, đúng đòi hỏi của thực tế.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã ghi nhận tất cả ý kiến, nói rằng Bộ sẽ mở cửa rộng rãi để lắng nghe các ý kiến đóng góp cho Luật Báo chí mới, thậm chí sẵn sàng mời các lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà báo tham gia ban soạn thảo để dự thảo có chất lượng cao nhất.
Phan Mai (Pháp luật TP.HCM)