“Lật tẩy” vụ đài kiểm soát sân bay Tân Sơn Nhất mất điện
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 18:31, 23/11/2014
TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TPHCM, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI cho rằng, vụ trung tâm kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh - đài kiểm soát sân bay Tân Sơn Nhất mất điện vào trưa 20.11 vừa qua không phải là sự cố kỹ thuật đơn thuần, trái lại "rất khó hiểu".
Thưa ông, cơ sở nào để khẳng định sự việc đài kiểm soát sân bay Tân Sơn Nhất mất điện vừa qua không phải là sự cố kỹ thuật?
Cung cấp điện cho trung tâm điều khiển không lưu trên thực tế không phải ba mà có tới 4 nguồn, gồm nguồn chính, nguồn dự phòng từ lưới điện quốc gia, động cơ điện và bộ lưu điện UPS.
Trung tâm kiểm soát không lưu là đối tượng được ngành điện xếp vào diện hộ tiêu thụ loại 1, bao giờ cũng có hai đường dây, hai nguồn cung cấp điện từ điện lưới quốc gia.
Nguồn thứ nhất bị sự cố, gián đoạn việc cung cấp điện thì nguồn thứ hai lập tức hoạt động. Việc chuyển đổi giữa hai nguồn nói trên hoàn toàn tự động. Cái này có trong hợp đồng giữa cơ quan quản lý trung tâm kiểm soát không lưu và ngành điện, nếu không có, ngành điện sẽ bị phạt rất nặng.
Chẳng hạn doanh nghiệp luyện thép cũng được xếp vào hộ tiêu thụ loại 1, bao giờ cũng có hai nguồn, đề phòng trường hợp việc cung cấp điện bị gián đoạn khiến nguyên liệu trong lò bị đông cứng, phải đập bỏ lò, thiệt hại rất lớn. Vì vậy, khó có khả năng cả 2 nguồn từ điện lưới quốc gia đều gặp sự cố.
Làm kỹ thuật điện từ 53 năm nay, tôi khẳng định chưa bao giờ có chuyện như vậy, kể cả trên thực tế hay lý thuyết. Càng kỳ lạ hơn là sự việc mất điện vừa qua xử lý rất đơn giản nhưng không hiểu sao phải mất đến hơn 1 giờ.
Nhưng thưa ông, Cục Hàng không Việt Nam đã thông tin chính thức nguyên nhân là do các thiết bị tích điện trong bộ lưu điện UPS cung cấp cho trung tâm kiểm soát không lưu gặp sự cố, gây mất điện?
Giả sử cho rằng cả 2 nguồn cung cấp điện từ điện lưới đều mất thì nguồn cung cấp thứ 3 là động cơ diezen sẽ lập tức hoạt động, đảm bảo việc cung cấp điện cho trung tâm kiểm soát không lưu.
Quy trình này hoàn toàn tự động, không cần mất nhiều thời gian. Các nhà hàng, khách sạn, thậm chí một chung cư hạng trung bình tại TP.HCM cũng được thiết kế như vậy để đề phòng mất điện đột ngột, cư dân bị kẹt trong thang máy sẽ gặp nguy hiểm, huống hồ đây lại là trung tâm điều khiển không lưu cho một sân bay lớn.
Nguồn thứ tư là hệ thống tích điện UPS. Bình thường, UPS nạp và lưu điện từ điện lưới. Khi hệ thống mất điện đột ngột thì UPS tự động chuyển sang chế độ cung cấp điện, đảm bảo hoạt động trong một thời gian.
UPS không phải là thứ gì quá cao siêu. Nhà tôi cũng xài UPS cho mấy cái máy vi tính, đề phòng cúp điện đột ngột, dữ liệu vừa cập nhật trên máy sẽ không bị mất. Trung tâm điều khiển không lưu sử dụng điện năng không nhiều. Những nhà máy tiêu thụ điện gấp nhiều lần còn sử dụng UPS.
Nếu đã sử dụng đến UPS cũng có nghĩa là cả 3 nguồn kia đã bị hỏng. Nếu tính cả UPS thì cả 4 nguồn cung cấp điện đều gặp sự cố.
Làm kỹ thuật điện từ 53 năm nay, tôi khẳng định chưa bao giờ có chuyện như vậy, kể cả trên thực tế hay lý thuyết. Càng kỳ lạ hơn là sự việc mất điện vừa qua xử lý rất đơn giản nhưng không hiểu sao phải mất đến hơn 1 giờ.
Huy Thịnh/TPO
VNA, VJA dự kiến thiệt hại sơ bộ hơn 300 triệu đồng
Đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng có 9 chuyến bị ảnh hưởng trực tiếp, có 30 chuyến khác phải khởi hành chậm, ảnh hưởng dây chuyền đến 58 chuyến khác trong ngày.
Trong khi đó, Jetstar Pacific có một chuyến bay từ Singapore, đã phải bay lòng vòng trên vùng trời TP.HCM trong khi chờ được hạ cánh, gây ảnh hưởng dây chuyền tới 32 chuyến khác trong ngày 20.11.
Đại diện Vietjet Air cho biết họ có 2 chuyến bay phải chuyến hướng. Một từ Hà Nội đi TP.HCM phải hạ cánh xuống Buôn Mê Thuột. Chuyến khác từ Hà Nội đi Cần Thơ phải quay lại nơi xuất phát. Việc mất điện ảnh hưởng trực tiếp đến 11 và dây chuyền tới 50 hành trình khác.
Theo bảng tính chi phí từng được Cục Hàng không công bố, với một chiếc máy bay Airbus A320, mỗi phút bay tốn khoảng 17 USD chi phí (gồm lương phi công, tiếp viên, phí dịch vụ bay...) và 50-52 USD tiền nhiên liệu (tùy tốc độ, độ cao bay). Tính ra, chiếc máy bay của Jetstar Pacific lòng vòng trên trời 50 phút ngày 20.11 tốn hơn 71 triệu đồng.
Riêng với chiếc Boeing 777, mỗi phút trên trời có thể tiêu tốn 40 USD chi phí bay và 105 USD nhiên liệu. Do đó, nửa tiếng đồng hồ bay chờ tương đương của Vietnam Airlines trên 93 triệu đồng.
Vietjet Air đòng đi vòng lại cả tiếng đồng hồ trên bầu trời mà không đến đích, dự kiến chuyến bay này tiêu tốn thêm 1.028 USD chi phí bay và trên 3.100 USD chi phí nhiên liệu, tương đương trên 88 triệu đồng.
Theo VNE