Dùng hạt nano oxit hafni đánh tan cao răng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:24, 24/08/2018
Theo Biomaterials, các hạt nano oxit hafni (HfO2) giúp thay đổi bộ mặt của nha khoa. Chúng cho phép chúng ta dễ dàng đối phó với các mảng bám răng. Các nhà sáng chế đã gắn các polymer organosilane và oligopeptide vào bề mặt của các hạt nano. Điều này cho phép các hạt được dính vào vi khuẩn trong cao răng một cách có chọn lọc.
Nếu bôi các hạt trên răng, ta có thể thấy mức độ tổn thương răng với lớp phủ vi khuẩn trên hình ảnh X quang. Được biết, chỉmột vài giờ sau khi đánh răng, vi khuẩn đã tích tụ trên bề mặt của răng rồi dần hình thành mảng bám. Trong số đó có loài vi khuẩn nguy hiểm nhất là Streptococcus mutans, biến sucrose thành axit lactic, gây nguy hiểm cho men răng. Điều quan trọng là kịp thời phát hiện các vi khuẩn này và tiêu diệt chúng mà không ảnh hưởng đến hệ vi sinh.
Như các nghiên cứu đã chỉ ra, các hạt nano oxit hafni giúp tăng độ tương phản của các hình ảnh chụp răng khoảng 30% so với các chế phẩm có chứa iốt. Một lớp phủ gồm các hạt nano với các polymer organosilane và oligopeptide khiến nó có thể liên kết có chọn lọc với vi khuẩn. Ngoài ra, các hạt liên kết với màng tế bào của vi khuẩn và gây ra sự hòa tan dần dần các tế bào vi khuẩn.
Như các thử nghiệm cho thấy, hoạt tính của vi khuẩn trong mảng bám cao răng hình thành trong hai ngày có thể bị ức chế hoàn toàn trong 20 phút.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thử nghiệm tương tự trên răng của những con chuột thí nghiệm. Các chế phẩm chứa các hạt nano oxit hafni được các nhà khoa học cho chuột dùng mỗi ngày một lần ở dạng viên nén hòa tan. Hóa ra, 8 ngày là đủ để thủ tiêu hoàn toàn mảng bám răng mà nếu sử dụng chất khử trùng thông thường như chlorhexidine thì không làm được.
Các nhà khoa học lưu ý rằng trong tương lai, một cách tiếp cận tương tự có thể được sử dụng không chỉ trong nha khoa, mà cả đối với việc chẩn đoán và điều trị các bệnh khác do vi khuẩn gây ra .
Vũ Trung Hương