Thiết bị Y tế Việt Nhật bị truy thu thuế gần 14 tỉ đồng
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 22:50, 27/08/2018
Tổng cục Thuế vừa ra quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế theo kết quả thanh tra đối với Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (mã chứng khoán JVC - HOSE). Thời kỳ thanh tra gồm 4 năm là: năm 2014, 2015, 2016, 2017.
Cụ thể, Thiết bị Y tế Việt Nhật bị truy thu 8 tỉ đồng số thuế tăng qua thanh tra. Trong đó, thuế giá trị gia tăng với số tiền bị phạt gần 7 tỉ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp 665,7 triệu đồng; thuế nhà thầu 380,2 triệu đồng.
Công ty cũng bị phạt thêm 3,7 tỉ đồng tính đến hết ngày 24.8. Trong đó tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng hơn 3,36 tỉđồng, tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 285 triệu đồng và hơn 94 triệu đồng tiền chậm nộp thuế nhà thầu.
Công ty bị phạt thêm 1,86 tỉ đồng do khai sai mức 20% trên số thuế tăng thêm do có hành vi kê khai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Đáng chú ý, Thiết bị Y tế Việt Nhật còn có hành vi lập hồ sơ khai thuế ghi thiếu, ghi sai các chỉ tiêu làm căn cứ xác định nghĩa vụ thuế trên tờ khai thuế giá trị gia tăng, tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, bị phạt với số tiền phạt là 1,4 triệu đồng.
Công ty phải tự tính và nộp số tiền phạt chậm nộp tiền thuế kể từ ngày 25.8 đến ngày nộp đủ tiền thuế truy thu vào ngân sách nhà nước. Ước tính tổng số tiền công ty này phải nộp cơ quan thuế là gần 14 tỉ đồng. Công ty phải chấp hành quyết định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định này và sẽ bị cưỡng chế thi hành nếu quá thời hạn 10 ngày. Doanh nghiệp cũng có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện đối với quyết định này theo quy định của pháp luật.
Vào khoảng 3 năm trước, Thiết bị Y tế Việt Nhật từng gây lùm xùm dư luận khi hàng loạt lãnh đạo bị bắt vì tội danh lừa dối khách hàng. JVC được thành lập ngày 27.9.2001 và trở thành công ty cổ phần vào năm 2010, niêm yết trên sàn TP.HCM (HOSE) từ năm 2011, JVC cũng liên tục mở rộng quy mô, vốn điều lệ công ty tăng gấp 4,5 lần ban đầu lên mức 1.125 tỉ đồng.
Công ty này do ông Lê Văn Hướng sáng lập, công ty là liên doanh có vốn góp của doanh nghiệp Nhật. JVC được chú ý vì là công ty hiếm hoi trên sàn chứng khoán hoạt động trong lĩnh vực y tế. Do đó, trước khi xảy ra những lùm xùm này, JVC luôn là một trong những mã cổ phiếu được nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị nắm giữ, với một bản lý lịch tốt như kín room khối ngoại, thanh khoản bình quân 1 triệu USD mỗi ngày, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ở mức khả quan, tỷ lệ cổ tức nhiều năm luôn từ 15 đến 20% và đang hoạt động trong lĩnh vực thiết bị y tế nhiều tiềm năng…
Thế nhưng, kể từ tháng 6.2015, JVC khiến giới chứng khoán lao đao vì bất ngờ tuột dốc do ông Lê Văn Hướng - nguyên Chủ tịch công ty này bị bắt vì tội danh lừa dối khách hàng. Từ ngày 10.6.2015, JVC liên tục giảm sàn, đà tuột dốc cổ phiếu nàyngày càng nhanh và mạnh hơn. Có những phiên, dư bán sàn JVC lên tới hàng chục triệu đơn vị.
Còn hiện nay, cổ phiếu JVC đã bị đưa vào diện bị kiểm soát đặc biệt, chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Nguyên nhân là do công ty thường xuyên vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện bị cảnh báo.
Hiện nay, cổ phiếu JVC chỉ được giao dịch trên thị trường chứng khoán với giá hơn 3.000 đồng/cổ phiếu. Đến cuối quý 1/2018, tổng tài sản của công ty này còn hơn 600 tỉ đồng với con số lỗ lũy kế hơn 1.019 tỉ đồng, nợ phải trả là 137 tỉ đồng.
Tuyết Nhung