Không chỉ riêng ông Hoàng Văn Nghiên được thuê nhà giá 10 tô phở!

Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 05:33, 12/12/2014

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, không chỉ riêng ông Hoàng Văn Nghiên được thuê nhà giá 10 tô phở, có rất nhiều cán bộ cũng được thuê nhà với mức giá này.
>> Lý giải nguyên nhân quan chức chiếm đất đai
Liên quan đến hàng loạt các vụ quan chức chiếm đất đai, nhà ở công vụ bị phát hiện trong thời gian gần đây, đặc biệt là khẳng định mới nhất của TP. Hà Nội khi cho rằng, việc cho nguyên Chủ tịch TP. Hà Nội Hoàng Văn Nghiên thuê nhà giá 10 tô phở (khoảng 500.000 đồng/tháng) là hoàn toàn đúng quy định, Một Thế Giới đã cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam về vấn đề này.
UBND TP. Hà Nội vừa khẳng định việc cho ông Nghiên thuê biệt thự với giá gần 500.000 đồng/tháng là hoàn toàn đúng quy định. Ông đánh giá thế nào về việc này?
Tôi chưa có điều kiện xem xét vấn đề này vì trước đây chưa có hướng dẫn cách tính toán cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Trước đây không chỉ mình ông Nghiên mà bất cứ người dân nào thuê nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước cũng phải trả tiền rất thấp. Tôi đã nói cái này rất nhiều lần. Người dân cũng được thuê nhà với giá rất rẻ chứ không riêng gì ông Nghiên.
Trước đây tôi cũng đã tính toán, tiền nhà phải trả một năm của tôi chỉ mất có mấy điếu thuốc lá, và chính chúng tôi đã kiến nghị Nhà nước phải tính toán lại. Trong Nghị định 34 và Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng mới đây cũng đã có hướng dẫn cách tính giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, tuy nhiên thông tư này cũng vừa mới ban hành trong năm 2014, còn trước đây thì rất thấp.
Thường thì cán bộ không có nhà ở mới được bố trí cho thuê nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước. Nhưng ông Nghiên đã có nhà riêng, vậy tại sao TP. Hà Nội còn tiếp tục cho thuê nhà?
Tôi không biết ông Nghiên có nhà hay không, nhưng theo quy định về nhà công vụ thì đã nghỉ hưu hoặc thuyên chuyển công tác thì phải trả lại nhà ở công vụ. Đối chiếu như hiện nay thì ông Nghiên đã nghỉ hưu, rời khỏi chức vụ sẽ không còn chế độ ở nhà ở công vụ nữa.
Tuy nhiên, nếu ông có khó khăn về nhà ở, ví dụ như chưa có nhà thì được phép đề nghị Nhà nước bố trí, cho thuê nhà. Với người từng có chức vụ, từng có đóng góp như ông Nghiên, cũng như mọi người dân khác, đều có quyền đề nghị Nhà nước cho thuê lại nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước nếu có khó khăn về nhà ở.
Cho nên việc UBND TP. Hà Nội tạo lập quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước có thể bằng nhiều cách như chính quyền chủ động bỏ tiền ra xây nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, có thể bỏ tiền ra mua nhà ở thương mại để thuộc sở hữu nhà nước. Những nhà ở thuộc sở hữu nhà nước sẽ được dùng để cho người dân có khó khăn về nhà ở thuê.
Nên việc UBND TP. Hà Nội tạo lập lên các quỹ nhà ở bằng hình thức xây hay mua là phù hợp với quy định của pháp luật. UBND TP. Hà Nội cũng có quyền cho bất cứ người dân nào có khó khăn về nhà ở trong đối tượng được thuê.
Thu-truong-Nguyen-Tran-Nam-khong-chi-rieng-ong-Nghien-duoc-thue-nha-voi-gia-10-to-pho-hinh-anh-1
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam
Tuy nhiên, nhà ở số 12 Nguyễn Chế Nghĩa không phải là nhà ở bình thường mà là biệt thự có diện tích đến hơn 400 m2, thưa ông?
Trong quy định về cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cũng không quy định là bao nhiêu mét vuông cả, tùy theo từng đối tượng và điều kiện của địa phương. Có nhà to thì cho thuê nhà to, hoặc tùy thuộc vào đóng góp của người đó để xem xét.
Còn theo quy định hiện nay là không được cấp đất, kể cả Bộ trưởng cũng không được cấp đất, chỉ được thuê nhà ở mà thôi.
Nhà nước hiện nay được sở hữu rất nhiều nhà, công sở, trụ sở và rất nhiều người dân đang được thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để ở. Chúng ta cũng đang tiếp tục khuynh hướng này, không phải người dân nào cũng đủ tiền mua nhà. Ngay cả các nước tiên tiến như Nhật Bản, Đức... cũng đang xây nhà ở sở hữu nhà nước cho người dân thuê.
Không chỉ riêng trường hợp ông Nghiên, gần đây cũng có rất nhiều vụ quan chức bị phát hiện là chiếm đất đai, nhà ở công vụ. Ông đánh giá thế nào về tình trạng này?
Không phải gần đây mới phát hiện ra những vụ việc này mà từ lâu cũng đã phát hiện rồi. Nguyên nhân là do trước đây các quy định của chúng ta không rõ ràng. Nhưng từ khi Bộ Xây dựng tiếp quản quỹ nhà ở xã hội của Chính phủ đã đề xuất với Thủ tướng ban hành quyết định, quy chế quản lý và sử dụng nhà ở công vụ cũng như các thông tư hướng dẫn.
Gần đây nhất là Luật nhà ở sửa đổi năm 2014 vừa được Quốc hội thông qua có hẳn một chương quy định về cách thức quản lý và sử dụng nhà ở công vụ. Nếu chúng ta áp dụng quy định này thì từ nay về sau sẽ rất tốt. Bộ Xây dựng cũng đang tiến hành thu hồi các nhà ở công vụ mà trước đây không thu hồi được. Thực tế, Bộ Xây dựng đã thu hồi được 14 căn và đến cuối tháng 12 năm nay cũng sẽ tiếp tục thu hồi tiếp.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải làm bài bản, vì trước đây đã theo một cái nếp rồi. Bây giờ phải vận động, gặp gỡ, thông báo thậm chí họp với cả chi bộ hưu ở đấy để vận động.
Theo ý kiến của đa số những người sử dụng nhà ở công vụ hiện nay thì họ đều đồng ý trả nhà. Nhưng cũng có một số người còn đang khó khăn thì cũng có đề nghị là lùi một thời gian để họ chuẩn bị. Chắc chắn việc quản lý nhà ở công vụ trong thời gian tới sẽ tốt hơn.
Ngoài lý do về cơ chế, theo ông còn có nguyên nhân nào khác?
Tất nhiên là ngoài ra còn có nguyên nhân do bản thân các quan chức không gương mẫu. Nói chung thì mọi người đều hiểu là nhà ở công vụ là nhà ở bố trí cho cán bộ khi còn đương chức để làm việc, nhưng do việc thực thi chưa nghiêm túc, chưa chặt chẽ.
Bản thân những người đó cũng không nhận thức được là mình phải gương mẫu. Còn tôi cho rằng việc này không khó, cả thế giới người ta đều làm. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng có lộ trình để thu hồi với cách làm khéo léo, có tình, có lý và với nề nếp mới, quy định mới thì việc quản lý sẽ nề nếp hơn.
Cảm ơn ông!
Duyên Duyên