Sẽ công khai kết luận thanh kiểm tra vụ Thủ Thiêm và vụ Con Cưng

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:47, 30/08/2018

Theo các cơ quan chức năng, cuối tháng 8 này sẽ công bố kết luận về đoàn kiểm tra vụ Con Cưng. Nửa đầu tháng 9 sẽ công khai đầy đủ kết luận thanh tra về đất đai tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM). Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2018.

Trả lời báo chí về kết quả kiểm tra, tổ công tác kiểm tra Công ty CPCon Cưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết qua khiếu nại của người tiêu dùng và phản ánh của báo chí về nhãn mác và xuất xứ của Con Cưng, cơ quan Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra sơ bộ về vấn đề này.

Sau khi kiểm tra, đoàn đã có báo cáo cụ thể và đánh giá, cơ bản Công ty Con Cưng đã chấp hành đúng pháp luật trong việc kinh doanh cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, chất lượng lẫn xuất xứ, hồ sơ nhập khẩu hợp lệ.

Tuy nhiên, công ty này cũng đã có những hành vi chưa tuân thủ pháp luật hiện hành. Bộ Công Thương yêu cầu xử phạt theo đúng quy định hiện hành; yêu cầu ConCưng khắc phục các lỗi vi phạm.

Ông Hải cho biết, theo đúng thẩm quyền được giao, việc kiểm tra công tác chấp hành pháp luật là hết sức bình thường và cần được thực hiện thường xuyên, với tất cả các mặt hàng. Tuy nhiên, việc kiểm tra phải đảm bảo được tính nghiêm minh nhưng không được làm phiền nhiễu các doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ người tiêu dùng.

“Sau khi có kết luận kiểm tra, Bộ Công Thương đã thành lập tổ rà soát, đánh giá lại hoạt động của đoàn kiểm tra Con Cưng; rà soát lại tổ công tác 334. Theo kế hoạch, hết tháng 8 này sẽ có kết luận chính thức”, ông Hải nói.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định thành lập Tổ rà soát, đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Công ty cổ phần Con Cưng của Cục Quản lý thị trường; đồng thời và đánh giá hoạt động của Tổ công tác triển khai Quyết định số 334/QĐ-BCT ngày 28.1.2018.

Theo quyết định, Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đánh giá lại hoạt động của Tổ công tác triển khai Quyết định số 334/QĐ-BCT ngày 28.1.2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương (Tổ công tác 334) trong việc phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020.

Tổ công tác 334 được thành lập nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và người tiêu dùng về tác hại của hàng hóa giả mạo xuất xứ đối với phát triển kinh tế, xã hội; làm giảm cơ bản các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại một số địa bàn trọng điểm; từng bước thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước.


Nửa đầu tháng 9 báo cáo vụ Thủ Thiêm

Liên quan đến vụ Thanh tra Thủ Thiệm, Phó tổng TTCP Bùi Ngọc Lam cho biết TTCP đã kết thúc việc thanh tra Thủ Thiêm, có lấy ý kiến của các bên tham gia và đã có báo cáo. Dự kiến nửa đầu tháng 9 sẽ công khai đầy đủ.

Rà soát việc xây nhà ga sát hồ Gươm

Trả lời báo chí, đại diện Bộ GTVT cho biết việc xây dựng nhà ga là việc làm hết sức thận trọng của Hà Nội. Toàn tuyến và ga số 9 đều được lựa chọn, đánh giá chuyên môn về các tiêu chí như thu hút hành khách, vận tải, hiệu quả… Việc này đã được lấy ý kiến của giới khoa học và người dân. Tuy nhiên, phần ga ở gần hồ Gươm, Bộ VH-TT-DL cần phải đánh giá kĩ về tác động môi trường, di tích. TP.Hà Nội cũng sẽ phải tiếp tục làm việc này để cấp có thẩm quyền quy định, để vừa đảm bảo công năng vận tải, vừa đảm bảo việc bảo tồn.

Bộ GD-ĐT không khuyến khích viết vào sách tham khảo

Trả lời báo chí về các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội, sách giáo khoa cũ vẫn triển khai. Tinh thần là sách giáo khoa cũ vẫn ổn định và có điều chỉnh qua hằng năm, nên chương trình hiện nay thì sách giáo khoa cũ vẫn có hiệu lực, còn chương trình giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88 chưa có hiệu lực.

“Sách viết trực tiếp lời giải lên sách đó là sách tham khảo, sách bài tập, không phải sách giáo khoa. Tùy vào từng điều kiện mà nhà trường có thể lựa chọn. Bộ cũng đã ban hành quy định trong vấn đề này, và hiệu trưởng nhà trường sẽ quyết định xem có nên sử dụng hay không để phù hợp với trường mình. Bộ cũng không khuyến khích việc viết trực tiếp vào sách giáo khoa”, đại diện Bộ GD-ĐT nói.

Liên quan đến vụ gian lận thi cử, đại diện của Bộ GD-ĐT cho biết hiện đang chờ kết luận của cơ quan điều tra. Nếu phát hiện gian lận thì sẽ đề nghị các trường hủy kết quả tuyển sinh của những thí sinh này.

Lam Thanh

Trí Lâm