Quân đội Mỹ cấm Hàn - Triều khảo sát dự án đường sắt thống nhất
Quốc tế - Ngày đăng : 15:21, 31/08/2018
Bộ chỉ huy quân LHQ do Mỹ dẫn đầu, chặn kế hoạch này, đồng thời “yêu cầu cung cấp thêm chi tiết của chuyến thăm khảo sát”. Lực lượng liên quân đa quốc gia này là một phần của Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) và kiểm soát mọi hoạt động ở khu giới tuyến phi quân sự ngăn chia Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Tuần trước, Hàn- Triều lập kế hoạch cùng thực hiện chuyến đi khảo sát, bằng cách cử một đoàn tàu hỏa chạy từ Seoul (thủ đô Hàn Quốc) dọc theo Triều Tiên đến thành phố Sinuiju giáp biên giới Trung Quốc.
Quyết định bác đề xuất của Hàn - Triều tiếp sau việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Trung Quốc “giúp Triều Tiên đáng kể, gồm cho tiền, xăng dầu, phân bón và nhiều nhu yếu phẩm khác”.
Ông Trump viết Twitter: “Chuyện này chẳng có ích gì đâu!”
Quyết định cũng cho thấy Mỹ - Hàn bất đồng lớn về cách đối phó với Triều Tiên vốn đã tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân (VKHN).
Seoul muốn làm thân với Bình Nhưỡng, trong khi Mỹ nói phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ sự hợp tác kinh tế nào.
Dự án đường sắt thống nhất liên Triều do Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khởi xướng, nhằm cải thiện quan hệ hai miền, và mở đường cho sự đầu tư lớn vào Triều Tiên, nếu lệnh cấm vận Triều Tiên được dở bỏ.
Ông Moon đã kêu gọi lập tuyến đường sắt thống nhất từ cuối năm 2018, và ông sẽ thúc đẩy nhiều dự án mà không chọc tức Mỹ, theo Mintaro Oba, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ nghiên cứu chính sách của Triều Tiên. Nhưng ông Oba nói thêm: “Vẫn có nguy cơ bất đồng sâu sắc giữa hai đồng minh, nếu không cẩn thận điều hành mối quan hệ này”.
Một văn phòng liên lạc ở thành phố Keasong (của Triều Tiên) cũng là một vấn đề bất đồng giữa Hàn - Mỹ. Phía Hàn Quốc phải phủ nhận dự án này không vi phạm lệnh cấm vận của quốc tế (với lý do Bình Nhưỡng phát triển chương trình tên lửa và VKHN).
Người phát ngôn Noh Kyu-duk của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói: Seoul nhận định bất kỳ phương tiện hoặc nguồn điện cấp cho văn phòng liên lạc đều không “làm hỏng mục tiêu trừng phạt, vì nó không đem lại lợi ích kinh tế cho Triều Tiên”.
Tuy nhiên, quyết định của Bộ chỉ huy quân LHQ cũng cho thấy sự hạn chế khả năng Hàn Quốc hành động đơn phương. Ông Trump đã hủy chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tuần trước, vì lo ngại chuyến đi này không đem lại kết quả nào.
Quyết định hủy chuyến đi tiếp sau việc Triều Tiên cảnh báo các cuộc đàm phán giải giáp VKHN có thể bị đổ vỡ, và nếu thế thì Bình Nhưỡng có thể tái khởi động “hoạt động hạt nhân và tên lửa”, theo tin của CNN.
Trung Trực (theo Guardian)