Chuyện thật như đùa: Từ Sài Gòn xuất ngoại chỉ 100.000 đồng?

Du lịch - Ngày đăng : 10:36, 02/09/2018

Sau khi tham vấn bạn bè, tôi đã tự đi xuất ngoại từ Sài Gòn chỉ với 100.000 đồng. Đơn giản như đang đùa.

Đọc tiêu đề, cứ tưởng chuyện “Những người thích đùa” (Azit Nezin). Có một chút đùa nhưng là chuyện thật ít ai biết. Chuyện dành cho những người chưa có đủ tiền để xuất ngoại. Nhất là các bạn sinh viên ngành Du lịch. Ai đời, học ngành Du lịch, tốt nghiệp đại học (chứ không phải học đại) hẳn hoi mà nhiều bạn chưa nhìn thấy tận mắt cuốn hộ chiếu (thiên hạ gọi là passport), xa lạ với nhiều thông tin thực tế về nghiệp vụ du lịch. Mới biết ngành Giáo dục nước nhà đang ở đâu.

Khi biết thực trạng này, bạn tôi, dạy du lịch liền hướng dẫn và đề nghị sinh viên ngành du lịch, trước lúc nhập học là làm luôn hộ chiếu cho nó sang. Dễ hơn thói quen đi trễ. Chỉ cần vào mạng, gõ “hochieu.xuatnhapcanh.gov.vn” là có ngay tờ khai làm hộ chiếu. Đọc và điền các thông tin xong, ghi mã số tờ khai, rồi lên Cục Xuất Nhập Cảnh ở đường Nguyễn Trãi (Bộ Công an) hoặc Phòng Xuất Nhập Cảnh (Công An TPHCM) chụp ảnh lấy liền trong vài phút. Đóng 200.000 đồng lệ phí và nhận giấy hẹn sau 1 tuần. Có thể nhờ chuyển hộ chiếu về tận nhà bằng đường bưu điện, từ mươi ngàn đế vài chục ngàn tùy khoảng cách.

Đi học (với sinh viên), đi chơi (với người dân) nhớ mang theo hộ chiếu. Lâu lâu giả vờ vô tình rút ra cho thiên hạ tò mò. Ít ra để người khác biết triển vọng của mình sẽ được đi du lịch nước ngoài trong tương lai. Hộ chiếu có giá trị 10 năm. Chẳng lẽ trong 10 năm tới, mình cứ mãi ru rú ở nhà. Có sẵn hộ chiếu, mình sẽ tự tin và nỗ lực nhiều hơn để thực hiện ước mơ chính đáng và trong tầm tay này. Trong khi chờ có vài triệu bạc để đi qua các tỉnh kế cận của nước ngoài bằng đường bộ, ta cứ nhẩn nha xuất cảnh qua cửa khẩu, tham quan vùng biên, chụp ảnh selfie tung lên mạng chia sẻ với bạn bè chuyến xuất ngoại gần nhất và cũng rẻ nhất.

Sau khi tham vấn bạn bè, tôi đã tự đi xuất ngoại từ Sài Gòn chỉ với 100.000 đồng. Đơn giản như đang đùa. Đầu tiên là sáng sớm, ra đón xe buýt tuyến Sài Gòn - Mộc Bài. Có thể đi tại bến hoặc đón xe dọc đường theo lộ trình. Giá chỉ 35.000 đồng lượt. Thủ sẵn ổ bánh mì hay bánh bao chừng 15.000 đồng độ lại. Thêm chai nước suối hoặc trà để ngăn đá đông lạnh, uống cả ngày. Xuống xe, đi bộ mấy trăm mét vào cửa khẩu Mộc Bài, xếp hàng làm thủ tục xuất cảnh khỏi Việt Nam (miễn khai báo). Trình hộ chiếu đã đóng dấu, túc tắc vượt biên hợp pháp, chụp ảnh với cột mốc biên giới 171. Vào Campuchia, viết tờ khai , xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh vào Campuchia tại cửa khẩu BaVet, trình hộ chiếu đã đóng dấu rồi tung tăng xuất ngoại.

Tha hồ chụp ảnh cảnh quan cửa khẩu hai nước. Chú ý là không được chụp ảnh bên trong các cơ quan xuất nhập cảnh. Bên ngoài thì vô tư. Biên phòng, hải quan, cảnh sát Campuchia còn thích thú khi được mời chụp ảnh chụp với khách, nhất là các bạn nữ xinh đẹp. BaVet là cửa khẩu quan trọng nhất của Campuchia trước 1975. Hiện nay, vị trí này nhường cho Poi Pet (tỉnh Bantiamienchay) giáp Thái Lan nhưng BaVet vẫn là cửa khẩu quan trọng nhất nhì của Campuchia. Mỗi ngày có 78 chuyến xe liên vận quốc tế Sài Gòn - Phnom Pênh qua lại cửa khẩu. Chưa kể xe của các công ty Lữ hành, các cơ quan, xe cá nhân qua lại. Mùa tết, mỗi ngày lượng khách qua cửa khẩu lên đến mấy chục ngàn người.

Ngược với Mộc Bài tĩnh tặng, BaVet sầm uất đến kinh ngạc. 16 sòng bài (casino) lúc nào cũng nhộn nhịp, sẵn sàng móc túi khách đến đồng cuối cùng. Vào xem thì được, chứ bập vào là chết, nguy hiểm hơn cả ma túy. Cho nên cầu Gò Dầu, bắc ngang sông Vàm Cỏ Đông trên quốc lộ 1 (cũng là đường Xuyên Á), cách Mộc Bài hơn chục km, được dân gian gọi là cầu Xóa Nợ. Vào sòng bài, nợ ngập mặt, không trả nổi. Chỉ còn cách nhảy xuống sông, rủ sạch không chỉ nợ sòng bài mà cả nợ đời. Có chút tiền thì thuê xe gắn máy vào tỉnh lỵ Svay Rieng thăm thú danh thắng và mấy ngôi chùa cổ, cách biên giới 42 km. Có cả trường đại học, dù dân số Svay Rieng chưa tới 1 triệu người. Đói bụng, vào mấy quán bình dân, ăn cơm dĩa chừng vài usd trở lại. Ít tiền thì mang theo bánh mì hay xôi nắm.

Bà con giáp biên nói tiếng Việt còn rành hơn mấy người Việt là dân tộc thiểu số. Văn hóa, phong tục, ẩm thực giao thoa nên chẳng có gì đáng ngại. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” nên sẽ học được cả gánh thú vị khi tự xuất ngoại lần đầu. Đây là bước tập dợt, chuẩn bị cho các chuyến du lịch hoặc đi phượt xa hơn và lâu hơn. Cứ mạnh dạn hỏi han, ghi chép, tìm hiểu và selfie tùy thích.

Chồn chân mỏi gối thì trở lại, làm thủ tục xuất khỏi Campuchia và nhập cảnh trở lại Việt Nam. Cửa khẩu mở cửa đến 22g nhưng phải về sớm vì 17g là xe buýt Mộc Bài - Sài Gòn ngừng chạy. Sẽ có khối chuyện làm quà cho bạn bè, bà con chưa có dịp xuất ngoại như mình. Lần sau, rủng rỉnh hơn thì mua vé xe buýt Sài Gòn - Phnom Penh (240 km) chỉ 200.000 đồng là qua tận thủ đô nước bạn. Thêm chừng 170.000 đồng nữa là đến quần thể Angkor, Siêm Riep hoặc xuống biển Sihanouk hay lên cao nguyên Bokor (núi Tà Lơn). Dĩ nhiên là tốn thêm tiền ăn, tiền ngủ, tham quan… Cứ tùy nghi mà ứng biến.

Với các bạn sinh viên, đó là trải nghiệm thực tế về thủ tục xuất nhập cảnh, về cuộc sống vùng biên của hai nước. Còn chần chờ gì nữa, sao chưa làm một chuyến xuất ngoại chỉ trên dưới 100.000 đồng?

Trần Trung Dân

Nguyen Văn My