Tân Hiệp Phát: Ruồi ở đâu ra mà ruồi?
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 08:03, 07/02/2015
Liên quan đến vụ Công an Tiền Giang bắt giữ anh Võ Văn Minh ở Tiền Giang về hành vi cưỡng đoạt tài sản sau khi đòi nhận 500 triệu đồng từ Tân Hiệp Phát để giữ im lặng về chai nước ngọt có ruồi, đại diện công ty một mực khẳng định không thể có ruồi trong chai nước ngọt và không hề gài bẫy anh Minh.
"Chúng tôi là doanh nghiệp nước giải khát hàng đầu Việt Nam với hệ thống và quy trình sản xuất khép kín hoàn toàn, tiêu chuẩn quốc tế. Thế thì ruồi ở đâu ra mà ruồi?", Giám đốc đối ngoại của Tân Hiệp Phát , ông Phạm Lê Tấn Phong khẳng định.
Tân Hiệp Phát lớn tiếng
Đáp lại sự bức xúc của dư luận về cách hành xử của Tân Hiệp Phát, ông Phong nó:"Tôi nghĩ rằng, cũng không có gì nặng nề. Những sự việc tương tự như thế này, các tập đoàn đa quốc gia cũng bị rất nhiều, chỉ khác nhau ở chỗ bản chất của thông tin và sự cố là thật hay không thật thôi.
Về phía Tân Hiệp Phát, chúng tôi khẳng định rằng dây chuyền máy móc công nghệ của công ty rất hiện đại, không bao giờ xảy ra những sự cố như vậy cả.
Hiện giờ cơ quan điều tra cũng đang trong quá trình thẩm vấn, lấy lời khai và vẫn chưa xác định được chai nước có ruồi trong đó là thật hay là do người ta ngụy tạo. Chúng tôi muốn chờ kết quả từ cơ quan điều tra rồi sẽ có phát ngôn chính thức của mình về sự việc.
Bày tỏ quan điểm về những ý kiến chỉ trích Tân Hiệp Phát đã xử lý sai lầm, thay vì nên chọn những cách thức tự bảo vệ mình, chứng minh mình trong sạch, công ty lại hành động theo kiểu “trừng phạt” cá nhân, ông Phong bày tỏ:
"Đây không phải là vấn đề “đe dọa” hay “dằn mặt” một cá nhân nào đó. Tôi nhấn mạnh lần nữa, là trước pháp luật, mọi công dân trưởng thành đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình một cách bình đẳng như nhau.
Luật bảo vệ người tiêu dùng quy định rằng, nếu người dùng mua phải sản phẩm lỗi thì doanh nghiệp có trách nhiệm thu hồi sản phẩm lỗi và đổi lại bằng sản phẩm hoàn chỉnh. Những hành vi xuất phát từ sự xúi giục, kích động để tống tiền doanh nghiệp, lạm dụng cơ quan báo chí để đe dọa, uy hiếp “tống tiền” là không thể chấp nhận được. Hành vi đó và người có hành vi đó phải bị trả giá.
Chúng tôi thấy việc gì đúng thì làm thôi, chứ không thể tính hết được việc làm sao để dư luận êm đẹp. Dư luận khó chiều lắm! Bản chất sự việc chỉ có một, nhưng trăm người trăm ý, sao có thể đi làm hài lòng tất cả được.
Chúng tôi có thiện chí 3 lần gặp anh ta để chia sẻ thông tin, nhưng anh ta cố chấp thế này mới ra cơ sự. Chứ chúng tôi sung sướng gì lại để tên tuổi của mình gắn liền với những vụ việc không hay như thế này!
Bất kỳ sự thái quá nào cũng sẽ kéo theo sự bất cập cả, chẳng đặng đừng chúng tôi mới phải lựa chọn cách làm cứng rắn nhất. Tôi chỉ muốn các bạn hiểu rằng, chúng tôi là doanh nghiệp nước giải khát hàng đầu Việt Nam với hệ thống và quy trình sản xuất khép kín hoàn toàn, tiêu chuẩn quốc tế. Thế thì ruồi ở đâu ra mà ruồi?
Chỉ có những doanh nghiệp ăn xổi ở thì mới làm ăn chộp giật, tạo ra những sản phẩm tầm bậy, mất vệ sinh để tổn hại uy tín của chính mình. Chúng tôi đường hoàng nên cứ việc đường hoàng mà làm thôi!"-ông Phong nói.
Nhiều tranh cãi
Luật sư Nguyễn Tấn Thi (Ðoàn luật sư TP.HCM), người bảo vệ cho anh Võ Văn Minh cho biết ông đã về Tiền Giang gặp gia đình anh Minh tìm hiểu vụ việc. Luật sư Thi cho biết, gia đình anh Minh có làm đơn xin bảo lãnh cho anh Minh được tại ngoại nhưng đến nay vẫn chưa được chấp nhận.
Luật sư Nguyễn Tấn Thi cho rằng theo Luật bảo vệ người tiêu dùng, khi gặp trường hợp như anh Minh, người tiêu dùng có quyền thương lượng với nhà sản xuất. Thương lượng là bước đầu tiên trong quá trình khiếu nại đòi bồi thường.
Luật quy định trong thương lượng, anh Minh có quyền sử dụng mọi biện pháp mà pháp luật không cấm, đồng thời có quyền đưa ra số tiền tùy ý. Nếu anh Minh có nói sẽ gây thiệt hại cho Công ty Tân Hiệp Phát thì thật ra chỉ là cảnh báo hậu quả để giành lợi thế trong thương lượng, chứ không phải là lời “đe dọa”.
Công ty Tân Hiệp Phát chấp nhận vì lợi ích của công ty chứ không bị khống chế hay đe dọa gì. Công ty Tân Hiệp Phát lựa chọn phương thức giải quyết thông qua thương lượng thì phải tuân thủ các quy định liên quan phương thức này.
Vấn đề cần bàn là hành vi của anh Minh đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không. Yêu cầu có thể không chính đáng nhưng pháp luật cho phép họ thương lượng, nghĩa là chấp nhận cho họ đề đạt yêu cầu.
Công ty Tân Hiệp Phát có chấp nhận hay không là quyền của Tân Hiệp Phát, nếu không giải quyết thông qua thương lượng hòa giải được thì anh Minh có quyền yêu cầu tòa án giải quyết
Bình luận về vụ việc, luật sư Bùi Quang Nghiêm (phó chủ nhiệm Ðoàn luật sư TP.HCM) nói trong vụ việc này công an phải làm rõ chai nước có ruồi có phải là sản phẩm của Tân Hiệp Phát sản xuất hay không?
“Riêng phía Tân Hiệp Phát, tôi cho rằng công ty này không giữ chữ tín đối với khách hàng. Công ty đã thỏa thuận về mức bồi thường cho khách hàng, tức là Tân Hiệp Phát nghiễm nhiên coi việc lỗi sản phẩm là chính xác, việc yêu cầu bồi thường của khách hàng là chính đáng.
Nhưng sau khi thỏa thuận xong, nếu có chuyện doanh nghiệp này tố cáo với công an, theo tôi, về mặt đạo đức Tân Hiệp Phát cũng không hơn gì khách hàng ấy” - luật sư Nghiêm nói.
Anh Minh có mở chai nước đó ra rồi bỏ ruồi vào để tống tiền, uy hiếp Tân Hiệp Phát hay không? Nếu anh Minh là khách hàng của Tân Hiệp Phát, bỏ tiền ra để mua chai nước đó thì rõ ràng anh Minh là người bị thiệt hại.
Khi khách hàng bị thiệt hại, họ có quyền yêu cầu bồi thường, mức bồi thường bao nhiêu còn tùy vào đạo đức và ý nghĩ của từng người. Trong vụ việc cụ thể này, về mặt luật pháp anh Minh không sai, nhưng về mặt đạo đức thì có thể chưa được bởi mức yêu cầu bồi thường rất lớn.
“Riêng phía Tân Hiệp Phát, tôi cho rằng công ty này không giữ chữ tín đối với khách hàng. Công ty đã thỏa thuận về mức bồi thường cho khách hàng, tức là Tân Hiệp Phát nghiễm nhiên coi việc lỗi sản phẩm là chính xác, việc yêu cầu bồi thường của khách hàng là chính đáng.
Nhưng sau khi thỏa thuận xong, nếu có chuyện doanh nghiệp này tố cáo với công an, theo tôi, về mặt đạo đức Tân Hiệp Phát cũng không hơn gì khách hàng ấy” - luật sư Nghiêm nói.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, điều hành hãng luật Giải Phóng thì cho rằng, việc xác định anh Minh có hành vi cưỡng đoạt tài sản hay không, còn phải dựa vào những bằng chứng từ Tân Hiệp Phát. Có thể là tin nhắn, ghi âm điện thoại nếu có, chứng minh anh Minh có đe dọa tống tiền. Tất nhiên, đó cũng chỉ là một trong nhiều bằng chứng.
Nhiều ý kiến khác của các chuyên gia pháp lý cho rằng việc khép tội anh Võ Văn Minh đang dựa trên những chứng lý thiếu thuyết phục.
Cho dù vụ việc còn nhiều tranh cãi thì thiệt hại của phía Tân Hiệp Phát đã nhãn tiền. Hiện, một loạt các diễn đàn vừa được thành lập trên mạng kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Tân Hiệp Phát đang thu hút hàng chục nghìn người.
Cũng có ý kiến cho rằng Tân Hiệp Phát cực chẳng đã mới phải tố cáo công an. Không doanh nghiệp nào dại dột tự gây thiệt hại uy tín cho mình như vậy. Tuy nhiên, ý kiến phần đông vẫn rất bức xúc, gọi hành động của doanh nghiệp này là "tiểu nhân".
>>Chai nước, gián, ruồi và… tù tội!
Nhật Trường