‘We the Animals’: những khắc họa rất ‘đời’ về giá trị gia đình, tính dục và tuổi trẻ
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:43, 03/09/2018
Sẽ thế nào khi bạn luôn thấy bản thân khác biệt, tư duy đến xúc cảm? Điều đó có thể cô độc ra sao? - ‘We the Animals’ nỗ lực giải mã nỗi chật vật ấy.
Trong quyển bán tự truyện đầu tay ‘We the Animals’ ra mắt năm 2011, văn sĩ người Mỹ Justin Torres kể về hành trình trưởng thành đầy xáo động của riêng anh, dưới mái nhà với 2 anh trai, người cha gốc Puerto Rican và người mẹ lai 2 dòng máu Ireland-Ý. Di cư đến New York đầu thập niên 1980, họ sống thiếu thốn ở một căn nhà nhỏ.
Nhân vật chính của sách, cậu con trai út Jonah, sớm nhận ra những tò mò giới tính cậu trãi nghiệm đầu đời không hề giống cha hay 2 anh lớn. Cốt truyện lần giở hàng loạt khó khăn Jonah phải đối diện để học cách hiểu chính mình, và sau tất cả, để được hiểu, cảm thông bởi gia đình cậu yêu thương.
Bộ phim chuyển thể cùng tên từ tựa sách ăn khách, giữ gần như nguyên vẹn sức hút lẫn chất truyền cảm của nguyên tác. Nhằm đạt đến hiệu ứng trên, đạo diễn Jeremiah Zagar - người đứng sau dự án, đã mời tác gia Torres tham gia thẩm định, biên tập từng cảnh phim.
“Quyển sách vốn dĩ là tác phẩm rất riêng tư với Torres, đến nỗi tôi nghĩ nếu không có tác giả gốc đồng hành trong thời gian quay, chúng tôi sẽ phạm sai lầm đâu đó”. Zagar trả lời phóng viên trang Huffington Post.
“Khác với việc xem đây như một bản phim tái dựng, điều tôi làm là diễn dịch hoàn chỉnh nhất có thể ý nghĩa tác phẩm. Tôi cố gắng ‘chuyển hóa’ mỗi trang sách thành những thước phim sống động”.
Sự tận tâm ở Zagar, thực tế, rất hiếm thấy tại thị trường Hollywood, nhất là khi nhắc đến thể loại indie (phim độc lập kinh phí thấp). Duy, nhìn lại chặng đường quảng bá ‘We the Animals,’ vô số ngợi khen từ cánh phê bình quốc tế và giải vàng đề cử ‘Người Kiến Tạo’ trong liên hoan phim uy tính Sundance 2018, chứng tỏ đạo diễn người Mỹ đã đạt thành công ngoài mong đợi.
Chủ đích diễn giải tường tận tác phẩm khiến ‘We the Animals’ bao hàm cả một số phân đoạn nhạy cảm, như chi tiết Người Mẹ (Sheila Vand) phải chịu đựng áp bức thể xác từ Người Cha (Raul Castillo), cho dẫu họ đồng thời san sẻ một tình yêu da diết, sâu đậm.
“Con trẻ nhìn về bạo lực, nói chung, theo cách ấy”,Zagar bày tỏ. “Đôi khi bạn thấy bố mẹ mình tranh cãi - lắm lúc công khai - nhưng khoảnh khắc khó chịu, bạo lực, thường diễn ra chốn riêng tư, xa khỏi tầm mắt trẻ thơ”.
Người Cha, dù không trút roi đòn vào những đứa con, lại tạo mối ảnh hưởng tinh thần khó xóa nhòa lên chúng. Mặt khác, giữa Jonah và mẹ cậu tồn tại ‘sợi dây’ tình thân đặc biệt. Cậu bé là thành viên nhỏ tuổi nhất nhà, cũng là đứa con luôn nhạy cảm để nhận biết tâm tư Người Mẹ.
Khoảnh khắc dằn vặt, hành hạ thể xác xuất hiện đan xen, song hành cùng những giây phút gắn kết gia đình, tạo nên một ‘bức tranh’ cuộc sống không thể thật hơn.
“Bộ phim thú vị bởi nó căn bản không tuyên truyền cứng nhắc, rạch ròi, đâu là tốt, hoặc xấu”, Zagar nói. “Đây chính xác là cách chúng ta biểu đạt tình yêu. Đôi khi mọi người nhìn nhận sự yêu thương tựa nỗi dày xéo, sức ép nặng nề. Và đôi khi, yêu thương đồng nghĩa niềm vui, vẻ đẹp lẫn tất cả những gì tốt lành nhất chúng ta cố đem lại cho nhau. Tình yêu với muôn vàn khắc họa đa sắc thái, theo tôi, là thông điệp quan trọng nhất ở đây”.
Đầu phim, nhân vật trung tâm Jonah (Evan Rosado) chỉ mới 10 tuổi. Dẫu vậy thế giới nội tâm của cậu bé đã mở rộng ra khỏi mái ấm, khỏi anh trai và bố mẹ. Jonah tính tình trầm lặng nhưng vẫn khá nghịch ngợm. Cậu thường dành thời gian lấp đầy suy nghĩ vào cuốn sổ tay bí mật, nơi cậu vẽ những hình ảnh đầu tiên về tình yêu đồng tính, xuất phát từ cảm tình Jonah dành cho một người bạn cạnh nhà.
Trong lúc 2 anh lớn cùng Người Cha chơi đấu vật, chạy nhảy, vui đùa ngoài trời, Jonah dần nhận ra nhiều khác biệt tâm lý đang nảy sinh trong cậu.
“Giới tính với người trẻ hiện nay là một chủ đề đôi lúc rất mơ hồ”, Zagar chia sẻ. “Những đứa trẻ trong phim, tương tự bao đứa trẻ khác, đôi khi phải đối diện vô vàn xung đột xoay quanh khái niệm tính dục - từ những gì chúng xem trên TV hay được tiếp cận, giáo dục tại nhà. Một phần của quá trình trưởng thành”.
Tưởng như Jonah có thể âm thầm nuôi dưỡng những khác biệt tư duy, đến một ngày, quyển số tay của cậu được Người Mẹ tìm thấy. Duy trái với phản ứng giận dữ, kỳ thị, bà đơn thuần thất vọng vì người con bà cho rằng đồng cảm với mình nhất, lại im lặng giấu kín một điều quá quan trọng.
Khai thác đề tài LGBT từ góc nhìn xã hội, gia đình rất thật, ‘We the Animals,’ tuy nhiên, không phải sự kết án gai góc trước khác biệt giới tính nơi một đứa trẻ. Thay vào đó, phim là hành trình khám phá nhằm thấu hiểu giá trị gia đình qua đôi mắt trẻ thơ - đôi mắt chất chứa đầy tò mò, khao khát gạn lọc ‘đúng’ khỏi ‘sai,’ tìm ra câu trả lời trong một thế giới quá nhiều hỗn độn, phức tạp.
‘We the Animals’ không khép lại bằng một phân đoạn ‘cáo buộc’ hay chỉ trích dành cho Jonah. Và có lẽ chính cái kết ‘lững’ này đã chứa đựng thông điệp đáng suy ngẫm.
Giữa một xã hội thực tại nơi hãy còn rất nhiều ông bố như Người Cha trong phim, những người đàn ông chọn thể hiện vũ lực hơn là xúc cảm để yêu thương gia đình, những đứa trẻ như Jonah phải tiếp tục băn khoăn về chỗ đứng, hình tượng bản thân mai sau. Khi nạn phân biệt giới tính, rào cản xã hội vẫn đang khiến vô số đứa trẻ đồng tính chịu chung hoàn cảnh như thế, ‘We the Animals’ trở thành tác phẩm mang tính thời cuộc hơn bao giờ hết.
“Jonah là đứa trẻ nhìn và nghĩ theo hướng rất khác lạ so với những gì bố mẹ cậu sẵn sàng thấu hiểu.” Zagar nhận xét. “Cảnh phim khi quyển sổ tay bị Người Mẹ phát hiện, tôi nghĩ Jonah đã giận dữ bởi trong sâu thẳm, cậu bé luôn ghét chính mình vì sự khác biệt kia. Gia đình chỉ có thể làm tổn thương chúng ta ở mức nào đó. Nếu bạn muốn, bạn là người duy nhất đủ sức dày vò bạn. Đến một lúc, Jonah bị đặt giữa ‘giao lộ’ xúc cảm, hoặc cậu bé tiếp tục tự trách bản thân, hoặc cố vượt lên mọi khác biệt và cuối cùng, tìm thấy tự do".
Như Ý (theo HuffPost)