Vụ ‘quỹ đen’ tại Cục đường thủy: Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:36, 07/09/2018
Trước đó, báo chí có nhiều bài phản ánh về nghi vấn quỹ đen ở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Theo đó, để được thi công những gói thầu do Cục đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư, những công ty trúng thầu phải trích nộp một phần tiền trở lại cho chủ đầu tư với tỷ lệ nhất định trên giá trị trúng thầu khoảng từ 5% đến 20%.
Xét báo cáo của Bộ Giao thông vận tải về kết quả xác minh "dấu hiệu lập quỹ đen ở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam", Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Thanh tra Bộ chuyển kết quả xác minh nội dung phản ánh của Báo Điện tử Pháp luật về tiêu cực, tham nhũng xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam kèm theo các tài liệu chứng cứ liên quan đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (đồng gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Chưa xác định có hay không chỉ đạo của ông Hải
Theo bản tường trình và biên bản làm việc giữa Tổ xác minh với của ông Phạm Văn Thông, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa (trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) nội dung vụ việc được ông Phạm Văn Thông tường trình và khai nhận, như sau:
Vào cuối năm 2015 đến năm 2016, trong giờ làm việc có một số nhà thầu đến phòng làm việc của ông Thông (Phòng 507 tầng 5 tòa nhà trụ sở của Cục Đường thủy nội địa tại số 5 Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) và đưa tiền cho ông Thông. Các nhà thầu nói: “Ông Trần Đức Hải - Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa nói đưa tiền cho ông Thông”.
Những công trình mà những nhà thầu đưa ông Thông tiền thuộc năm 2015 (thời điểm đó Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa không phải chủ đầu tư), chủ đầu tư là Cục Đường thủy nội địa ký hợp đồng với các nhà thầu, Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa là tư vấn giám sát.
Sau khi được ông Trần Đức Hải chỉ đạo, ông Thông đã nhận tiền của các nhà thầu. Tuy nhiên ông Thông không biết chi tiết việc Cục Đường thủy nội địa và các thầu làm việc như thế nào.
Theo Tổ xác minh, việc ông Trần Đức Hải chỉ đạo ông Phạm Văn Thông nhận tiền của 15 nhà thầu vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016 là “chỉ đạo bằng miệng, chỉ là lời khai một phía của ông Phạm Văn Thông”. Vì vậy chưa xác định được việc ông Trần Đức Hải có chỉ đạo hay không?
Mặt khác, nội dung lời tường trình của ông Phạm Văn Thông chưa được kiểm chứng (như đối chất, nhân chứng biết việc...) cho nên lời khai của ông Thông cho rằng có sự chỉ đạo bằng miệng của ông Hải là chưa đủ căn cứ pháp lý theo quy định của pháp luật.
Kết luận nội dung của Tổ xác minh đã nêu đầy đủ danh sách 15 công ty đưa tiền cho ông Phạm Văn Thông. Tuy nhiên, trong số 15 công ty trên, có 8 công ty mà người nộp tiền không có chữ ký; có 2 công ty “có dấu hiệu ngụy tạo chứng cứ pháp lý”.
Tổ xác minh cho biết các nhà thầu phủ nhận việc bàn bạc với Cục Đường thủy nội địa về trích tỷ lệ phần trăm từ 6%, 10%, 15% đến 20%; không nghe ai chỉ đạo nộp tiền; không nộp tiền cho ông Phạm Văn Thông.
Ông Thông chịu trách nhiệm với số tiền 4,39 tỉ đồng
Về việc ông Phạm Văn Thông nhận tiền, kết luận của Tổ xác minh cho hay trên giấy tờ, tổng cộng ông Phạm Văn Thông đã nhận tiền của 15 nhà thầu với tổng tiền là 4,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, hồ sơ xác minh lại có tới 10 nhà thầu không ký tên.
Như vậy, 5 nhà thầu đã nộp cho ông Thông và ông Long 1,53 tỉ đồng.Tuy nhiên, ông Long không thừa nhận việc nhận tiền từ Công ty HCC và Công ty ALPHA.
Dù vậy, căn cứ trên lời khai nhận của người nhận tiền về việc thu, giữ, chi tiền, Tổ xác minh kết luận “nội dung phản ánh về việc ông Phạm Văn Thông - nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa có thu, giữ và chi tiền cho các cá nhân Cục Đường thủy nội địa là có cơ sở”.
Theo kết luận của Tổ xác minh, ông Phạm Văn Thông tự nhận của các nhà thầu 4,8 tỉ đồng.
Tổng cộng có 9 cá nhân là chuyên viên, trưởng các phòng nghiệp vụ đề xuất chi, sau đó lấy tiền từ ông Phạm Văn Thông để chi phí chung cho Cục Đường thủy nội địa 406 triệu đồng. Trong đó, các cá nhân trực tiếp nhận từ ông Phạm Văn Thông là 357 triệu đồng; ông Thông chi cho các hóa đơn, chứng từ do Cục Đường thủy nội địa (như hội nghị, hội thao, phòng nghỉ, ăn uống, tiếp khách) 49,3 triệu đồng.
Như vậy, nội dung thông tin phản ánh về việc chi tiền là có cơ sở nhưng “chỉ có cơ sở với những tài liệu mà các cá nhân đã ký nhận tiền”.
Còn lại số tiền mà ông Phạm Văn Thông nhận, giữ và chi không có chữ ký, ông Phạm Văn Thông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với số tiền 4,39 tỉ đồng.
Buộc thu hồi 4,8 tỉ đồng
Bộ Giao thông vận tải giao Thanh tra Bộ ban hành quyết định thu hồi số tiền 406 triệu đồng của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; và ban hành quyết định thu hồi 4,39 tỉ đồng của ông Phạm Văn Thông.
Bộ Giao thông vận tải cũng nhấn mạnh sẽ thực hiện chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra - Bộ Công an, kể cả 2 tài liệu có dấu hiệu ngụy tạo chứng cứ (khi Cơ quan điều tra - Bộ Công an có yêu cầu).
Về xử lý cán bộ, Bộ giao Vụ Tổ chức cán bộ tổ chức kiểm điểm lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Cụ thể, ông Hoàng Hồng Giang (Cục trưởng) chịu trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu Cục Đường thủy nội địa về các sai phạm của các cá nhân; ông Trần Đức Hải (Cục phó) do có sai sót trong công tác theo dõi, quản lý chỉ đạo đối với Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa; ông Trần Văn Thọ (nguyên Phó cục trưởng, nay là Thành viên HĐTV Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) do có sai sót trong việc ký duyệt, để cá nhân lấy tiền từ ông Phạm Văn Thông.
Lam Thanh