'Nông dân tự đi tìm thị trường, các nhà quản lý ở đâu?'
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 05:00, 18/04/2015
Nói như vậy là quá bất công cho người nông dân. Đúng là khi mà thừa thì giá sẽ giảm, nhưng tại sao nông dân phải làm thừa? Nếu người nông dân biết được đầy đủ thông tin về thị trường, nếu có được những tổ chức cho người nông dân chia sẻ rủi ro và tư vấn cho họ thì việc sản xuất của họ đương nhiên sẽ khác.
Trong cơ chế thị trường thì việc biến động giá cả cũng là điều khá bình thường. Không riêng gì Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, việc dự báo giá cả cũng không phải dễ dàng, chỉ ở mức tương đối. Việc dự báo càng gần đây càng khó và việc dự báo ngắn hạn là điều không đơn giản, chúng ta chỉ có thể dự báo được xu thế.
Trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa thì luật chơi về thương mại càng ngày càng phức tạp bởi nó xuất hiện khá nhiều nhân tố, đó là đầu cơ, rồi liên quan đến các chuỗi giá trị, các tác nhân không thể kiểm soát được.
Các rào cản có tính chất bảo hộ như thuế quan cũng không có tác dụng khi hội nhập. Muốn nông sản ổn định thì phải tổ chức sản xuất một cách bài bản.
Thế nào là sản xuất bài bản? Có phải hiện nay chúng ta đang không bài bản, thưa ông?
Đúng là chúng ta chưa có được sự bài bản. Tổ chức sản xuất hiện nay là chúng ta đang ủy thác toàn bộ cho người nông dân tự ra quyết định sản xuất. Nguyên nhân của biến động sản xuất là việc hộ nông dân tự ý sản xuất theo tín hiệu của thị trường chưa được kiểm soát, không có được sự tư vấn của các kênh thông tin.
Ở trên thế giới, khâu tổ chức sản xuất thường có các tổ chức của nông dân, họ quan sát, phân tích các tín hiệu thị trường để tư vấn, thay mặt nông dân điều chỉnh việc sản xuất.
Như ở Châu Âu, từ xưa đến nay họ vẫn lo việc thừa sữa, vì thế thông qua các tổ chức cho nông dân họ xác định một quy chuẩn sản xuất cho trang trại chứ không phải lúc nào cũng để cho nông dân sản xuất tùy thích. Nhưng ở Việt Nam thì lại để tùy ý nông dân.
Bên cạnh đó là tín hiệu về thị trường. Bởi vì thị trường nông sản là thị trường tương lai, tức là khi nông dân quyết định sản xuất chỉ dựa vào giá cả thời điểm này chứ không thể biết giá của thời điểm sau đó. Nếu giá cả khi thu hoạch quá thấp thì đương nhiên khiến họ chịu cảnh mất giá.
Sản xuất bài bản là khi chúng ta có được cách tổ chức sản xuất hợp lý, tiến bộ, phát huy được lợi thế cạnh tranh. Nông nghiệp quy hoạch rõ ràng, có dịch vụ công, có các tổ chức của nông dân tư vấn, phân tích số liệu, tín hiệu thị trường, kinh nghiệm… để nông dân có quyết định sản xuất một cách hợp lý, tránh cung vượt cầu, tránh được mùa mất giá.
Cũng có ý kiến cho rằng nguyên nhân một phần là do nông sản Việt xuất khẩu theo đường tiểu ngạch nhiều quá? Ông nghĩ sao?
Phần lớn nông sản Việt xuất sang Trung Quốc là theo đường tiểu ngạch. Khi đi bán chúng ta không biết bán được bao nhiêu, bán cho ai. May mắn thì bán được giá, bán hết hàng, không thì chịu lỗ, chịu ép giá. Vì thế hình thức tiểu ngạch rất không ổn định và chúng ta dễ chịu rủi ro.
Bao nhiêu năm nay có nhiều bài học rồi. Vậy nên phải cố gắng giảm thiểu buôn bán tiểu ngạch. Nếu bán chính ngạch thì chúng ta đã có giá cả chốt sẵn, chỉ việc ra đó để làm thủ tục là xong.
Bán tiểu ngạch không bao giờ tạo ra được một chuỗi giá trị sản phẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi nếu xuất chính ngạch, họ đặt hàng trước thì luôn kèm theo đó là yêu cầu về chất lượng sản phẩm, buộc nông dân phải đáp ứng yêu cầu nếu muốn bán được sản phẩm, theo đó chất lượng sản phẩm được nâng cao.
Nếu xuất tiểu ngạch thì sản phẩm tốt thì bán đắt, kém thì bán rẻ, không có quy chuẩn chất lượng nên giá sẽ thấp, bị ép giá, nhiều rủi ro…
Ông Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn |
Đúng vậy, để chuyển dần sang chính ngạch thì vai trò đàm phán của Nhà nước là cực kì quan trọng. Người ta xuất tiểu ngạch vì thuế chính ngạch rất cao, Chính phủ nào cũng đặt ra thuế quan, có những mặt hàng lên đến mấy chục phần trăm, nếu xuất chính ngạch thì giá cao, bán không ai mua.
Khi vào chính ngạch thì hạn chế được chi phí rủi ro những tăng thêm các chi phí khác vì phải làm theo công nghệ, làm theo tiêu chuẩn, phải chuẩn hóa các chuỗi giá trị. Nhà nước buộc phải tổ chức sản xuất nông dân như thế nào để đáp ứng điều này.
Khi người nông dân tổ chức sản xuất cũng phải tốn chi phí, khi đó, Nhà nước phải đứng ra hỗ trợ việc tư vấn, cung cấp thông tin, đào tạo… cho người nông dân.
Qua nhiều vụ việc thì dường như nông dân đang phải tự đi tìm thị trường cho sản phẩm của mình. Vậy theo ông, các nhà quản lý đang ở đâu?
Ở một khía cạnh nào đó thì đúng là nông dân đang tự đi tìm thị trường cho mình, tự sản xuất, tự đem bán. Trước kia thì sản xuất đem bán ra chợ quê, giờ sản xuất đem bán ra chợ lớn hơn ở biên giới Trung Quốc. Chỉ khác một điều là trước bỏ nông sản vào cái rổ thì giờ bỏ vào xe tải, vào contenner đem đi bán.
Còn ở phía các nhà quản lý thì cũng rất khó trả lời. Từ lúc nông dân không được quyền ra quyết định trong sản xuất nông nghiệp ở thời bao cấp đến lúc nông dân được quyền ra quyết định, tự chủ sản xuất như hiện nay cũng là cả một quá trình đấu tranh trong tư tưởng kinh tế của các nhà quản lý.
Bây giờ, từ việc nông dân được quyền tự chủ đến việc được hỗ trợ tất cả thông tin, thị trường… thì cũng cần có một thời gian nhất định mới có thể có được sự nhịp nhàng đó.
Vậy giải pháp cho tình trạng cho được mùa mất giá là gì, thưa ông?
Nguyên nhân thì có rất nhiều. Nhưng về chiến lược lâu dài, muốn giảm được tình trạng được mùa mất giá phải phát huy được lợi thế cạnh tranh của mình. Muốn làm điều đó phải xác định được sản phẩm thế mạnh của mình là gì mà tập trung phát triển, chứ nếu cứ làm những cái chúng ta không có lợi thế cạnh tranh thì sớm muộn cũng sứt đầu mẻ trán vì sự cạnh tranh của đối thủ.
Sản phẩm thế mạnh dựa trên lợi thế so sánh và việc tổ chức sản xuất. Lợi thế so sánh là những tiềm năng giúp nền nông nghiệp có được chi phí sản xuất rẻ nhất. Đó là tài nguyên, điều kiện tự nhiên, lao động, khoa học công nghệ… Còn tổ chức sản xuất tốt thì sẽ giảm được chi phí giao dịch, tăng được chất lượng sản phẩm, tập trung được sản phẩm… Có được hai điều đó sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh.
Sản phẩm muốn có lợi thế cạnh tranh phải có được chất lượng cao, đồng đều, trong khi chúng ta không có được điều đó. Cho nên, đôi khi có được lợi thế so sánh nhưng chúng ta vẫn không có được lợi thế cạnh tranh.
Phải xây dựng được các chuỗi giá trị chính thức, bởi đa phần nông sản Việt Nam hiện nay xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc chứ không phải bán đường chính ngạch. Bán tiểu ngạch là hình thức không được chốt giá trước, thế nên không khác gì hình thức nông dân đem nông sản ra chợ quê bán. Chỉ khác là chúng ta đem sản phẩm sang bên kia biên giới bán với số lượng lớn.
Chúng ta đang thiếu một cơ chế để hỗ trợ nông dân ra quyết định sản xuất cho mình. Thế nên cần có một tổ chức cho nông dân, tư vấn cho họ về thông tin, về tín hiệu thị trường… Thông tin đó có thể là thông tin cảnh báo, thông tin tư vấn, thông tin dự báo hoặc kinh nghiệm…
Phải xây dựng được dịch vụ công để cung cấp những thông tin hỗ trợ với quyết định sản xuất của người nông dân. Dịch vụ công này phải cung cấp thông tin hết sức đầy đủ và chi tiết cho người nông dân.
Xây dựng các hợp tác xã kiểu mới, vì bao giờ hợp tác xã cũng đưa ra những kế hoạch sản xuất trung hạn đến dài hạn và đưa ra số lượng sản xuất cụ thể. Vì họ làm như thế nên họ sẽ có hỗ trợ cả lúc sản xuất lẫn lúc tiêu thụ cho nông dân.
Trí Lâm