Thủ tướng Nhật Bản quyết sửa Hiến pháp hòa bình

Quốc tế - Ngày đăng : 15:20, 10/09/2018

Ngày 20.9 tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử chức thủ lĩnh đảng Dân chủ tự do (LDP) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hy vọng chiến thắng sẽ giúp ông tiến tới sửa đổi Hiến pháp yêu chuộng hòa bình.

Thủ tướng Abe muốn sửa Hiến pháp Nhật từ năm 2020,đặc biệt chú trọng làm rõ vai trò của Cục phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong Hiến pháp yêu chuộng hòa bình.

Ngày 10.9, Thủ tướng Abe tuyên bố với đảng viên LDP trong một diễn văn truyền hình:

“Phải chăng nhiệm vụ chính trị hiện nay là tạo một môi trường, trong đó SDF có thể thi hành nhiệm vụ với tinh thần tự hào?Chúng ta hãy hoàn thành nhiệm vụ bằng cách viết rõ trong hiến pháp rằng SDF bảo vệ hòa bình và độc lập cho Nhật”.

Trong cuộc họp báo, ông Abe nói hy vọng LDP sẽ có thể trình đề xuất sửa đổi hiến pháp lên Quốc hội Nhật trong một cuộc họp bất thường vào cuối năm nay.

Việc sửa đổi hiến pháp sẽ cần sự chấp thuận của 2/3 các nghị sĩ ở cả Thượng-Hạ viện Nhật, và đạt thế đa số trong một cuộc trưng cầu ý dân.

Trong tuyên bố, ông Abe cũng hứa củng cố cơ sở hạ tầng trong 3 năm tới, để có thể chịu đựng được những vũ lụt gây thảm họa chết người, lở đất và động đất vừa xảy ra liên tục mới đây. Ông không cho biết chi tiết.

Hiến pháp yêu chuộng hòa bình do Mỹ soạn sau khi Nhật đầu hàng vô điều kiện hồi 1945, trong đó có Điều khoản 9 - cấm Nhật duy trì quân đội, chỉ được phép lập SDF nhằm bảo vệ đất nước Nhật, không được tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Theo ông Abe, nội dung Điều khoản 9 phải đượclàm rõ để hợp thức hóa sự hiện hữu của SDF, nhưng ông cam kết sẽ không thay đổi chính sách thiên về phòng thủ của Nhật.

Có thể sẽ chỉ là một sự thay đổi mang tính biểu tượng, nhưng người bảo thủ ở Nhật xem bản hiến pháp do Mỹ soạn là một sự bêu nhục Nhật thua Thế chiến 2, nhưng phe đối lập lo ngại vai trò ở nước ngoài của SDF.

Năm 2015, ông Abe thúc đẩy một luật, cho phép Nhật thực hiện công tác phòng thủ tập thể (giúp một đồng minh bị tấn công) mà về lý thuyết, sẽ cho phép SDF chiến đấu ở nước ngoài.

Trong một cuộc gặp đặc sứ CHDCND Triều Tiên Suh Hoon hôm 10.9, Thủ tướng Abe nhắc lại ý muốn gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, để giải quyết việc một số công dân Nhật bị điệp viên Triều Tiên bắt cóc hồi những năm 1970-1980.

Ông Abe từng nói đây là một vấn đề trọng tâm trong sự nghiệp chính trị của ông, và ông sẽ không ngơi nghỉ cho đến khi tất cả những người bị bắt cóc đều được trao trả về Nhật.

Năm 2002, Triều Tiên xác nhận điệp viên đã bắt cóc 13 công dân Nhật trong các thập niên 1970- 1980. Nhật tin có 17 công dân bị bắt cóc và 5 người đã được trả về Nhật. Bình Nhưỡng nói 8 người bị bắt cóc đã chết, 4 người khác chưa bao giờ đến Triều Tiên.

Ngày 26.8, ông Abe đã tuyên bố tranh chức thủ lĩnh LDP, quyết tâm lèo lái đất nước thêm 3 năm (đến năm 2021) ở chức Thủ tướng và chủ tịch đảng cầm quyền.

Đối thủ tranh chức thủ lĩnh LDP của ông Abe là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba. Nhưng nhận định chung của giới phân tích là ông Abe sẽ thắng, sẽ trở thành Thủ tướng phục vụ lâu nhất trong lịch sử chính trị Nhật, vì liên minh cầm quyền LDP-Komeito nắm thế đa số, chiếm hơn 2/3 trong 465 ghế Hạ viện.

Ông Abe bắt đầu làm Thủ tướng Nhật (lần thứ hai) hồi năm 2012, với lời hứa phục hồi nền kinh tế bị suy yếu, bằng các chính sách “Abenomic” (làm kinh tế kiểu Abe) và tăng cường phòng vệ.

Các nhà phân tích nói ông Abe sẽ vẫn là lãnh đạo Nhật, vì trong gần 6 năm nắm quyền lực, ông đã có thể đưa người cùng đảng LDP vào các chức bộ trưởng quan trọng, “khóa” được các đối thủ,trong khi phe đối lập bị suy yếu.

Bích Ngọc (theo Reuters)

Trần Trí