Trung Quốc: Nóng bỏng cuộc tranh giành danh hiệu ‘quê gốc của lẩu’

Quốc tế - Ngày đăng : 20:01, 13/09/2018

Món lẩu có nhiều phiên bản ở khắp Trung Quốc, nhưng nhiều tỉnh thành tranh nhau danh hiệu “quê gốc của lẩu” sau khi huyện Quảng Đức thuộc tỉnh An Huy tự nhận danh hiệu này.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 13.9, sự tranh giành danh hiệu “quê gốc của lẩu” bắt đầu từ ngày 28.8, khi Ủy ban công nghiệp và thương mại của huyện Quảng Đức tự nhận danh hiệu này nhằm kích cầu du lịch trong tỉnh An Huy (đông nam Trung Quốc).

Mian Lugui, một sinh viên đại học gốc huyện Quảng Đức, nói anh rất mê món lẩu “gốc” của tỉnh An Huy, vì đây là món ăn đơn sơ nhất, chỉ cần thịt heo luộc với củ cải, ăn tuyệt ngon vào mùa đông.

Nhưng quyết định của ủy ban huyện Quảng Đức kích hoạt một cuộc tranh luận sôi sục trên mạng xã hội Trung Quốc trong tuần này. Nhiều cư dân mạng hỏi huyện này lấy quyền gì mà nhận là “quê gốc của lẩu”.

Dân Trùng Khánh khẳng định món lẩu ở thành phố họmới đúng là “quê gốc của lẩu”, vì món này có từ xa xưa và nổi tiếng thế giới, thậm chí có cả bảo tàng để tôn vinh lẩu Trùng Khánh.

Một nữ cư dân mạng viết: “Có thể An Huy có kiểu nấu lẩu riêng, nhưng đối với dân Trùng Khánh, nếu không có bơ lạc vừng dày, không đổ hàng đốngtiêu, không có ớt xanh, bột đậu, dầu, ớt chưng, hạt hồi cùng các gia vị khác thì đấy không phải là lẩu”.

Theo SCMP, Trùng Khánh chính là “thủ đô lẩu” của Trung Quốc, với hơn 30.000 tiệm bán lẩu. Năm 2017, Trùng Khánh là thành phố đầu tiên ra quy định vệ sinh thực phẩm mới, nhằm giúp du khách nước ngoài không bị ngộ độc thực phẩm: các món sống như dạ dày bò, ruột vịt hoặc những thứ phải bỏ (đầu đuôi) phải được rửa riêng, không rửa chung với các thành phần khác để tránh nhiễm độc.

Nhân viên bán hàng cũng phải hướng dẫn du khách nước ngoài nhúng thức ăn sống trong nồi lẩu nóng bao lâu, để phòng chống ngộ độc từ thịt chưa nấu chín. Và phải chỉnh lửa nấu lẩu, bồi thêm gia vị và nấu sôi nước lèo liên tục để có bữa lẩu ngon miệng.

Vẫn theo SCMP, “ngành công nghiệp lẩu” phất to ở Trùng Khánh, là mảng phát triển nhanh nhất ở thị trường tiêu dùng của thành phố. Các chuyên gia nói lẩu Trùng Khánh nổi tiếng vì vị cay xé lưỡi nhờ tiêu cay trồng ở Tứ Xuyên, nhưng thành phần chính lại là bơ lạc vừnggiúp nước lẩu ngọt bùi.

Một cư dân mạng viết “Người Tứ Xuyên phản đối”, khẳng định ở tỉnh tây nam này có nhiều kiểu nấu lẩu (thịt và rau nấu trong nồi gia vị bốc khói và nước lèo thơm nóng) nổi tiếng trong nước và quốc tế, cụ thể là chuỗi nhà hàng lẩu HaiDiLao có mặt khắp thế giới.

Cư dân Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên) tuyên bố không thành phố nào có món lẩu ngon hơn Thành Đô, vì món này có mùi vị chỉ riêng của Tứ Xuyên, và có nhiều thức ăn kèm được bỏ vào nồi hơn các thành phố khác.

Ngày 15.6, SCMP đưa tin một tiệm lẩu ở Thành Đô đã bị phá sản sau chưa đầy 2 tuần mở cửa. Chủ nhà hàng rao siêu khuyến mãi tri ân khách hàng: thực khách chỉ phải trả 120 nhân dân tệ (19 USD) thì được ăn thỏa thích tại tiệm suốt một tháng.Chương trình khuyến mãi được tiệm tung ra từ ngày 1.6 dành cho tất cả thực khách có thẻ thành viên. Tuy nhiên, chủ nhà hàng không lường trước được sức ăn kinh hoàng của thực khách. Chỉ trong chưa tới hai tuần, tiệm Jiamener mắc phải khoản nợ lên tới 500.000 tệ (78.000 USD).

Chủ tiệm nói: “Chúng tôi biết sẽ thiệt hại nhiều nếu tung ra chiêu siêu khuyến mãi thế này. Ban đầu, nhà hàng chỉ muốn có thêm nhiều khách hàng trung thành thông qua chiến lược kể trên. Nhưng tất cả đã vượt quá tầm kiểm soát”.Lượng khách đến tiệm tăng ào ạt, mỗi ngày tiệm tiếp trung bình hơn 500 thực khách. Thậm chí, nhiều người chịu khó xếp hàng từ 8 giờ sáng. Khi tiệm đóng cửa lúc nửa đêm vẫn chưa hết người ăn.

Su Jie, một trong các chủ tiệm, thừa nhận anh chỉ được ngủ 2-3 tiếng mỗi ngày. Trong khi đó, đầu bếp và các nhân viên phục vụ làm tăng cường hơn 10 tiếng/ngày.

Su cho biết tiệm khai trương tháng 12.2017 và thừa nhận: “Cư xử không văn minh của thân chủ chỉ là chuyện phụ. Vấn đề chính vẫn là việc quản lý quá yếu kém của chúng tôi”.

Bích Ngọc (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Trần Trí