Dân Ấn Độ bất mãn vì chính quyền đổ tiền xây tượng đài cao nhất thế giới

Quốc tế - Ngày đăng : 21:04, 14/09/2018

Báo Guardian ngày 14.9 đưa tin Ấn Độ sẽ lập thành tích hoành tráng khi hai lần phá đổ kỷ lục thế giới về tượng đài cao nhất thế giới, bất chấp việc người dân phàn nàn sự lãng phí tiền dân đóng thuế.

Thủ hiến bang Gujarat, ông Vijay Rupani đã xác nhận vào ngày 31.10 tới, tượng đài tôn vinh Sardar Vallabbhai Patel, lãnh đạo phong trào đòi độc lập cho Ấn Độ, sẽ được khánh thành ở một khuôn viên cách thủ phủ Ahmedabad 200 km về phía đông nam.

Công trình này tốn 29,8 tỉ rupee (tiền Ấn Độ, tương đương 314 triệu bảng Anh) và sẽ là tượng đài cao nhất thế giới, với chiều cao 182 mét, tức cao gấp đôi tượng Nữ thần Tự do ở New York (Mỹ) vốn cao 93 mét.

Thủ hiến Rupani nói, Tượng Thống nhất được xây bằng thép, nước và đất lấy từ khắp Ấn Độ, để tôn vinh vị anh hùng dân tộc.

Đây là công trình do Thủ tướng Narendra Modi khởi xướng năm 2013, khi ông còn là Thủ hiến bang Gujarat. Công trình khởi công năm 2014.

Ông Patel (tên thật là Vallabhbhai Jhaverbhai Patel) được tín đồ đạo Hindu tôn kính như thánh. Ông có danh hiệu “Trượng phu Thép của Ấn Độ”, và ông từng thuyết phục (đôi khi dọa dùng vũ lực) để hơn 550 tiểu vương thời Ấn Độ bị Anh đô hộ đồng ý gia nhập khối Ấn Độ thống nhất.

Đó là lý do tượng đài cao nhất thế giới còn có tên là Tượng Thống nhất. Thủ tướng Modi từng phàn nàn ông Patel không được giao nhiệm vụ Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, chỉ được làm phó của ông Jawaharlal Nehru.

Các nhà sử học nói ông Modi sai, sau khi ông tuyên bố nếu ông Patel là Thủ tướng thì khu hẻm núi Kashmir đã thuộc hẳn về Ấn Độ, không có chuyện tranh chấp chủ quyền lâu nay với Pakistan.

Các nhà sử học còn nói ông Modi xây tượng Patel nhằm loại bỏ cố Thủ tướng Nehru, người ủng hộ một chế độ thế tục ở Ấn Độ, tức khác quan điểm về rashtra (tổ quốc) của đạo Hindu. Ông Modi là người theo đạo Hindu, một tôn giáo đề cao chủ nghĩa dân tộc đang chiếm ưu thế ở Ấn Độ.

Phác thảo quần thể tượng đài Vua Shivaji - Ảnh: AP

Nhưng tượng Patel sẽ không thể giữ kỷ lục cao nhất thế giới được lâu, vì chính phủ Modi cũng đã cho khởi công xây tượng Vua Shivaji Maharaj, người chống quân Hồi giáo cùng các lãnh chúa khác suốt nhiều năm để xây vương quốc riêng trên biển Ả Rập hồi thế kỷ 17.

Khi băng hà năm 1860, Vua Shivaji cũng trở thành một biểu tượng kháng chiến chống đạo Hồi trị vì và còn là biểu tượng thống nhất đất nước.

Dự kiến khi xây xong vào năm 2021, Tượng Vua Shivaji (ngồi trên lưng ngựa và vung gươm) sẽ cao 212 mét, có nghĩa sẽ cao hơn cả tượng Trung Nguyên Đại Phật (128 mét) tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Thủ hiến Devendra Fadnavis của bang Maharashtra cho biết, đã thay đổi chiều cao của tượng Vua Shivaji lên 212 mét trong năm nay, chỉ vì họ biết Trung Quốc nâng chiều cao của Trung Nguyên Đại Phật, hiện là tượng lớn nhất thế giới (chưa kể chân tượng)

Tượng Vua Shivaji sẽ được xây trên một hòn đảo rộng 2.000 mét ở phía tây bờ biển thành phố Mumbai, thủ phủ của bang Maharashtra.Theo kế hoạch bảo vệ an ninh, sẽ luôn có tàu cao tốc tuần tra bảo vệ quần thể tượng đài vốn được một bức tường cao 14 mét bao quanh. Trong quần thể tượng đài còn có một bảo tàng, một triều đình, gian triển lãm, đài quan sát, sân khấu ngoài trời và một bãi đáp trực thăng.

Nhưng ngư dân địa phương bất mãn, nói 6,8 hectađất cần cho công trình xây quần thể tượng vua sẽ phá hoại môi trường. Dân địa phương cũng phàn nàn, thắc mắc tại sao thành phố đang rất nghèo, trường học và bệnh viện không có nhiều kinh phí hoạt động, mà chính quyền lại đổ ra quá nhiều tiền xây tượng.

Nhà báo Krishma Upadhyay, người đã lập một cuộc vận động chữ ký tập thể phản đối kế hoạch xây tượng vua, nói “Đó là tiền dân đóng thuế, và tôi bảo đảm mọi người đều muốn số tiền đó được sử dụng để cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục và thức ăn".

Bích Ngọc (theo Guardian)

Trần Trí