Thuế nước ngọt ở Mỹ làm nghĩ đến thịt chó gây tranh cãi ở VN
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:12, 20/09/2018
Một ý kiến của Mỹ cho rằng thuế không phải là một bài học về dinh dưỡng trừ phi nó đồng hành cùng một chiến dịch mạnh mẽ vận động về sức khỏe cho toàn dân.
Người Mỹ, theo một nghiên cứu khảo sát năm 2012, khẳng định gần một nửa người Mỹ đều uống nước ngọt ít nhất một lần mỗi ngày, dầu biết rằng nước ngọt “có hại đối với họ.”
Uống nước ngọt ngoài vấn đề gây béo phì nói chung, còn có liên quan đến tiểu đường tuýp 2, đau tim, các vấn đề về loãng xương, và – nghiên cứu gần đây nhất cho thấy – liên quan đến bệnh Alzheimer’s.
Bên Việt Nam, nước ngọt được quảng cáo hà rầm trên phương tiện đang có tác dụng mạnh nhất là truyền hình. Chưa kể là quảng cáo không trung thực về nguyên liệu chế biến nước ngọt – qua hình ảnh chụp bên các đồi trà xanh mướt. Làm như Bộ Y tế không biết rằng dân số tốc độ đô thị hóa đang nhanh, không biết rằng đô thị hóa thường có liên quan đến béo phì.
Nước ngọt ở nông thôn càng là thứ hấp dẫn trẻ em hơn thứ gì hết. Đâu thấy bộ cảnh báo về các sự xúi giục uống nước ngọt. Mẫu quảng cáo sô-cô-la đưa ra chiêu bài cho đủ năng lượng một ngày. Nhưng sô-cô-la không cung cấp năng lượng gì mấy mà chính đường bên trong sô-cô-la ấy là thủ phạm gây béo phì học đường.
Thậm chí có hãng kem đánh răng còn xúi trẻ ăn bánh kẹo ban đêm và hãy yên tâm vì đã có thứ trị sâu răng. Ăn bánh kẹo ban đêm lúc cơ thể không hoạt động, năng lượng thừa ấy kem đánh răng không đốt được. Và hãng kem cũng dư ý thức điều đó.
Đã vậy, các loại máy “trị” béo phì ngang nhiên dùng photoshop để lừa đảo bán hàng. Máy thần thánh đến độ không đầy một spot quảng cáo mà eo các bà, bụng các ông đã thon lại đủ tiêu chuẩn đi thi vòng hai. Việc dùng photoshop lừa đảo người tiêu dùng qua quảng cáo bị Pháp phạt nặng từ lâu.
Hơn nữa, nếu như người Mỹ trước khi đánh thuế đã nghiên cứu khảo sát. Từ kết quả khảo sát, đưa ra biện pháp đóng thuế. Những người bán nước ngọt chắc chắn sẽ cho đó là không khả thi, nhưng vẫn đề xuất giải pháp là vận động giáo dục lâu dài. Thời gian lâu dài ấy đủ để họ kiếm lợi và về sau họ phải tìm giải pháp để thuế không làm nản lòng người dùng sản phẩm.
Khác với Mỹ, Việt Nam vừa đưa ra vấn đề không ăn thịt chó, không khảo sát gì cả. Cũng không đánh thuế mà “cấm” ăn cho nó mau.
Sức khỏe của người dân là vấn đề tiêu thụ đường đã không thấy ai quan tâm. Thịt chó chẳng nguy hại gì trừ phi con vi khuẩn tả tập tành để sống cho được trong mắm tôm như có thời nó bị nghi là sống trong mắm tôm. Nhưng cấm mà không có lực lượng chấp pháp, chẳng ăn thua gì. Cũng như cấm để chó mèo tè bậy ngoài đường, chủ sẽ bị phạt. Những người để chó mèo tè bậy, có khi họ cũng vậy. Cả chó lẫn người đều có hình thức chế tài, vậy mà chuyện cứ tiếp diễn như phim truyền hình không chỉ nhiều tập mà rất nhiều tập thời nay.
Khởi Thức