Kết thúc thượng đỉnh liên Triều: Mỹ sẵn sàng khôi phục đàm phán phi hạt nhân hóa
Quốc tế - Ngày đăng : 12:59, 20/09/2018
Kết thúc hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần ba trong năm nay, nhà lãnh đạo Kim Jong-un chấp thuận tháo dỡ một khu thử động cơ tên lửa cùng bệ phóng tọa lạc tại Dongchang-ri dưới sự giám sát của chuyên gia nước ngoài, đồng thời ngỏ ý đóng cửa một cơ sở hạt nhân nếu Mỹ có hành động thiện chí đáp lại.
Dựa trên những gì mà Tổng thống Donald Trump gọi là “tiến bộ to lớn” này, ông Pompeo đã mời Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho gặp gỡ vào tuần tới tại New York. Hai quan chức đều có kế hoạch tham dự một cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở thành phố này.
Ngoại trưởng Mỹ trong tuyên bố còn cho biết nước này đã mời đại diện của phía Bình Nhưỡng gặp ông Stephen Biegun, đặc phát viên của Washington về Triều Tiên, tại Vienna (Áo) lúc sớm nhất có thể.
“Việc này sẽ đánh dấu sự khởi đầu của quá trình đàm phán nhằm thay đổi quan hệ Mỹ -Triều thông qua giải trừ hạt nhân Triều Tiên một cách nhanh chóng, dự kiến hoàn thành vào tháng 1.2021, như nhà lãnh đạo Kim cam kết, cũng như nhằm xây dựng một chế độ hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”, theo Ngoại trưởng Pompeo.
Ông Pompeo còn đánh giá quyết định cho phép thanh sát viên quốc tế chứng kiến quá trình dỡ bỏ cơ sở tên lửa Dongchang-ri của nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng là một bước đi hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng.
Theo giáo sư Stephan Haggard đến từ đại học California, tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo cho thấy Mỹ thực sự muốn khôi phục đàm phán với Triều Tiên.
Giáo sư cho biết thêm: “Chúng ta chưa biết được Mỹ liệu có sẵn sàng nhượng bộ để giữ động lực thúc đẩy đàm phán hay không. Mỹ có ý tưởng khá tốt về bản chất những bước đi (phi hạt nhân hóa) mà họ mong muốn, nhưng lại ít thể hiện rõ sẽ làm gì để đáp lễ. Xác định đàm phán là nhằm mục đích thay đổi Mỹ -Triều cho thấy hai nước sẽ có chương trình bàn luận rộng lớn hơn”.
Ông Daniel Russel, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á, đánh giá động thái đặt ra thời hạn tháng 1.2021 (khi nhiệm kỳ của Tổng thống Trump kết thúc) là tín hiệu nhắc nhở Bình Nhưỡng không thể trốn tránh chuyện giải trừ hạt nhân mãi mãi, vì Washington sẽ không chờ đợi vô thời hạn.
Còn đó nhiều lo ngại
Hiện tại vẫn tồn tại không ít lo ngại xoay quanh kết quả mà hai miền Triều Tiên đạt được qua thượng đỉnh lần ba. Trang Reuters dẫn lời hai quan chức Mỹ cấp cao cảnh báo nhà lãnh đạo Kim đang cố chia rẽ Washington và Seoul.
Hàn -Triều vừa nhất trí tại hợp tác kinh tế bằng nhiều hoạt động cụ thể như kết nối đường giao thông, mở lại khu công nghiệp chung cùng với một dự án du lịch. Quan chức Mỹ cho rằng diễn biến này có thể làm giảm sức ép gây ra bởi các lệnh trừng phạt nhắm vào Bình Nhưỡng và khiến lực lượng quân Mỹ đóng tại Hàn Quốc không còn lý do ở lại.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung-han chỉ trích Tổng thống Moon Jae-in chấp nhận vi phạm các lệnh trừng phạt để theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Trong khi đó, nhà phân tích Bruce Bennett của tổ chức RAND Corporation chiến lược của ông Moon có nguy cơ làm cho Seoul bất hòa với Washington.
Cẩm Bình (theo Reuters, SCMP)