Răng mà thương mà nhớ: Chút tình xin gửi quê hương
Văn hóa - Ngày đăng : 16:04, 20/09/2018
Tác giả sinh ra tại Quế Sơn, một vùng quê nghèo của tỉnh Quảng Nam, rồi vào Sài Gòn dấn thân với nghề báo. Bên cạnh những tác phẩm báo chí nóng hổi dồn dập tính mang tính thời sự,phần còn lại Lê Công Sơn vẫn dành những tình cảm trìu mến nhất cho quê hương cố xứ qua những con chữ dịu dàng quay quắt nỗi nhớ.
Tác giả, nhà báo Lê Công Sơn
Nỗi nhớ đó cuối cùng cũngđã được nhà báo Lê Công Sơn “cụ thể hóa” bằng một cuốn tạp bútRăng mà thương mà nhớ, sách do Saigon Books và NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 7.2018
Với Răng mà thương mà nhớcủa Lê Công Sơn, người đọc sẽ liên tục bắt gặp những câu chữ đậm chất quê với chùm “sở hữu từ”: xóm tôi, làng tôi, nhà tôi, quê tôi, ngoại tôi..., rồi trong bến quê, tình quê, thằng nhà quê... với tần số lớn cứ vang lên trong da diết. Quê hương bao la trong hình ảnh ruộng đồng đồi núi và cả những trò chơi con trẻ ngay cả khi viết về ký ức thị thành, vẫn thấy đâu đó ẩn hiện…
“Quê nhà của tôi trước mặt là núi non xanh mướt tầm mắt, phía sau có dòng sông nhỏ êm ả, hiền hòa quanh năm. Những buổi trưa trên đường đến trường, cả đám trẻ tranh thủ loi nhoi ngụp lặn trong dòng nước trong veo, mát rượi. Cứ tưởng mọi kỷ niệm xa ngái của thời đi học: bắn bi, đánh lộn, tắm sông, mót khoai, sợ ma… cùng biết bao trò chơi trong không gian thoáng đãng của đêm trăng quê hương sẽ không bao giờ còn được gặp lại nữa. Thời gian và công việc ở phố như dòng thác cuốn trôi tuổi thơ của tôi lạc mất lúc nào không biết, chỉ còn lại đây đó nỗi nhớ thương ray rứt khôn nguôi mỗi lúc đêm về”, Lê Công Sơn chia sẻ.
Tác giả tặng sách cho nhà báo Giản Thanh Sơn (trái)
Từng đi đông tây, lặn lội khắp nơi khắp chốn, nhất là qua những lần tham gia nhiều công tác thiện nguyện, cuộc sống tạo cho anh nhiều cung bậc cảm xúc, khi mọi thứ lắng lại thì là dịp anh lại trải lòng cùng với con chữ, trở về ngày còn nghèo khó ở quê nhà. Đó là sự đau đáu về tuổi thơ cơ cực: “Mười sáu tuổi đầu, ba mất sớm, mình phải gánh vác tất cả công việc đồng áng: cắt lúa, gánh phân, tuốt lúa, càybừa… tưởng chừng gánh nặng gia đình đè lên đầu không lớn nổi. Kia là năm cánh cửa lớn và bốn cánh cửa sổ nhỏ bằng gỗ mua được bằng những đồng tiền của tháng lương đi làm đầu tiên.
Lê Công Sơn bùi ngùi về những điều đã qua, những điều đã mất, những ký ức đẹp đẽ về một vùng quê: “Từ chợ Đông Phú chở bằng xe đạp về mà mấy lần suýt ngãngửa dưới chân cầu Dốc Mỡn. Bậc thềm cửa phía trước nhà còn xin má làm nhô ra rộng rãi để buổi chiều đi làm về ngoại ngồi cho đỡ mỏi. Vậy mà, giờ ngoại cũng đã đi xa.. Cái sân nhỏ chỉ mấy chục bao xi măng cho tới ngày ra trường mới về làm được…Tất cả giờ thành dĩ vãng. Mỗi lần có dịp thăm bà con, lại hay bần thần đứng trước cảnh cũ người xưa. Nơi đã từng gắn bó những năm tháng tuổi thơ, một thời vô cùng khó nhọc để hôm nay bước đầu thành người”.
Nói về những bàicủa Lê Công Sơn trong Răng mà thương mà nhớ,nhà báo–nhà thơ Lê Minh Quốc viết: “Trong những người viết báo trẻ hiện nay, tôi đã nhìn thấy ở đồng nghiệp Lê Công Sơn tố chất của một người luôn nỗ lực “vượt lên chính mình”. Anh từng bước tiếp cận với nhiều mảng đề tài gai góc về văn hóa, văn nghệ. Và đã có những bài viết công phu, cố gắng chuyển tải thông tin mới học thuật mà anh chịu khó ghi chép, cảm nhận, phản ánh với tư cách một nhà báo. Âu cũng là một tín hiệu đáng mừng, khi Lê Công Sơn - một nhà báo vẫn còn giữ được tư duy ngày đang mất dần: “Đi và viết”,
Sách cũng đến tay nhiều đồng nghiệp
Trong cuốn tạp bút, tác giả Lê Công Sơn còn dành khá nhiều thơ viết về đứa con trai rất mực yêu quýcủa mình như: Làm cha, Con đã lớn khôn, Mây đi học… trong đó có những hình ảnh dễ thương: “Muốn như diều căng gió/Mây phải… đi học thôi”. Một số bài thơ của Lê Công Sơn được các nhạc sĩ phổ nhạc cũng tạo ra sự đa dạng cho tạp bút đầu tay để có nhiều sắc màu hơn cùng những câu chuyện kết có hậu khá ly kỳ bắt đầu từ một chuyến đi tàu lậu “bất đắc dĩ” để làm “anh hùng cứu mỹ nhân:” dẫn đến cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa mẹ con cô bé Sirô, nhân vật xưng tôi và cha con ông soát vé tàu… (Đi tàu chui)… Nhiều tiểu phẩm vui: “Phây” với chả … “búc”, Vợ chồng quen hơi, Bà xa tui num bờ… gì?... được tác giả cố tình chen giữa tạo ra “khoảng trống thư giãn” cho độc giả sau những cảm xúc “sâu nặng ân tình đất và người, cũng là sự sáng tạo đáng quý ở Lê Công Sơn.
Cuốn sách đầu tay của nhà Lê Công Sơn đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm của bạn đọc và đồng nghiệp. Một phần trong số tiền bán được sách dành cho các suất học bổng trị giá 80 triệu đồng, tặng lại cho "mấy đứa học học trò nghèo ở ngoài quê".
Tiểu Vũ