SCIC trong 'Siêu ủy ban' là dạng nhà nước trong nhà nước
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:41, 21/09/2018
"Siêu ủyban" chấm dứt tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi"
Trao đổi vấn đề Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (được gọi là Siêu ủy ban) tại tọa đàm "Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị" mới đây, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc thành lập Siêu ủy ban là cần thiết. Dự thảo Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ kế hoạch -Đầu tư soạn thảo đã quy định rõ ràng đầy đủ, cụ thể quyền và trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.
Ủy ban nên tập trung quản lý về vốn chứ không có trách nhiệm, chức năng quản lý nhà nước, do đó sẽ chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như trước đây ở các bộ. Vấn đề hiện nay là chờ đợi việc vận hành Ủy ban trong thời gian tới ra sao. Về quyền,Ủy ban đã có, và quan trọng khâu thực hiện cần làm tốt, rõ ràng, minh bạch từ đó gây được uy tín. Tuy nhiên, ông Phùng Văn Hùng e ngại khi Ủy ban ở tầm trực thuộc Chính phủ sẽ hơi “lép vế” dù trên thực tế là Siêu ủy ban quản lý hơn 5 triệu tỉ đồng vốn của DNNN.
Ông Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch -Đầu tư) cho rằngviệc thành lập Siêu ủy ban quản lý khối lượng rất lớn tài sản của Nhà nước nổi lên hai mục đích quan trọng.
Đầu tiên là Ủy ban sẽ khắc phục tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, khi lâu nay các bộ ngành vừa ban hành chính sách đồng thời làm nhiệm vụ quản lý các doanh nghiệp. Ngoài ra, "Siêu ủyban" còn giúp sử dụng, quản lý nguồn vốn của Nhà nước một cách hiệu quả.
Chính vì vậy, trong dự thảo Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã giao chức năng, nhiệm vụ cho Ủy ban là đảm bảo an toàn, phát triển vốn nhà nước. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định nên nhấn mạnh tính chủ động của Ủy ban. Bởi nếu không tạo cơ chế để Ủy ban hoạt động chủ động, chịu trách nhiệm sẽ rất khó. Chủ động thể hiện ở việc ra quyết định phù hợp hay trong xử lý vấn đề nhanh gọn.
SCIC trong "Siêu ủyban": E ngại cách quản lý
TS Lưu Bích Hồ cho rằng việc đưa Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trực thuộc Ủy ban là đúng đắn, cần làm thế nào để phát huy vai trò của SCIC mà vẫn đảm bảo tính thống nhất của Ủy ban. Công cụ là SCIC cần bố trí ra sao vì theo dự thảo Nghị định vẫn giao cho SCIC đại diện quyền chủ sở hữu của các doanh nghiệp chuyển giao từ các bộ ngành. Như vậy, Ủy ban là đại diện chủ sở hữu của các doanh nghiệp chuyển về Ủy ban, trong Ủy ban lại có một đại diện chủ sở hữu khác đại diện cho doanh nghiệp. Vô hình trung tạo nên "một nhà nước trong một nhà nước".
Mặt khác, đặt ra trách nhiệm của SCIC với công việc chung thế nào khi chịu trách nhiệm quyền đại diện chủ sở hữu cho một số lượng doanh nghiệp chuyển từ các bộ ngành. Vai trò của Ủy ban đối với các doanh nghiệp SCIC làm đại diện chủ sở hữu thế nào. Đó là những vấn đề cần làm rõ, minh bạch để Ủy ban hoạt động tốt, SCIC phát huy tác dụng là công cụ giúp Ủy ban thực hiện việc quản lý vốn nhà nước trong đầu tư kinh doanh hiệu quả.
Về e ngại Ủy ban khó quản nổi 19 tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn cùng lúc chuyển giao về, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biếtcác cơ chế chính sách của các bộ ngành ban hành hiện nay đã đủ các khung khổ pháp lý cần thiết để Ủy ban “có thể duy nhất là người thực hiện”. Trước đây, các bộ thực hiện xảy ra tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, hiện nay Ủy ban với vai trò đại diện chủ sở hữu có thể yêu cầu doanh nghiệp thực hiện, doanh nghiệp nào không thực hiện sẽ bị xử lý mà không phải đợi ý kiến các bộ ngành.
Việc SCIC trực thuộc Ủy ban, được coi là công cụ của Ủy ban về đầu tư, kinh doanh vốn nghĩa là trong 18 tập đoàn, tổng công ty còn lại khi triển khai các dự án lớn, thiếu vốn thì SCIC phải là “đơn vị đưa nguồn vốn mồi”. Sẽ khác với hiện nay khi không đưa về một mối, chẳng hạn SCIC đầu tư vào lĩnh vực điện nhưng ngành điện đã thực hiện nên không còn dư địa, gây chồng chéo. SCIC có trách nhiệm là một trong những doanh nghiệp đưa “vốn mồi” và quản trị các dự án này thay cho Ủy ban và chịu trách nhiệm trước Ủy ban về vấn đề đầu tư vốn.
Mặt khác, SCIC là đơn vị giúp cho Ủy ban, Chính phủ tiếp nhận những doanh nghiệp cổ phần hóa nhỏ, DNNN không cần nắm giữ và chịu trách nhiệm trước Ủy ban. Tốc độ thoái vốn do SCIC thực hiện thường nhanh hơn bởi là doanh nghiệp nên có nguồn lực để thuê các chuyên gia tốt. Ngoài ra là tính trách nhiệm “một mình làm, một mình chịu trách nhiệm”, còn các bộ ngành nếu thực hiện gặp vướng sẽ báo cáo Chính phủ nên tính trách nhiệm khó hơn. Bản thân SCIC thời gian qua cũng đã xây dựng được quy trình thoái vốn đảm bảo đúng quy định pháp luật, công khai minh bạch theo thị trường nên tốc độ thoái vốn nhanh hơn. Tới đây quan trọng nhất là xử lý mối quan hệ giữa SCIC với các tập đoàn khác làm sao để nguồn lực không bị chồng chéo, phát huy hiệu quả.
Trong thời gian tới Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu áp dụng công nghệ thông tin để quản lý các doanh nghiệp như vậy mới nắm bắt nhanh thông tin, đảm bảo chính xác, công khai minh bạch…
Ông Đặng Quyến Tiến cho biếtvề phía Bộ Tài chính luôn sẵn sàng đồng hành cùng Ủy ban trong xây dựng cơ chế tài chính. Vừa qua Bộ Tài chính đã giúp Ủy ban xây dựng dự thảo Quyết định ban hành quy chế chuyển giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tuyết Nhung