Tập đoàn Trung Nguyên làm rõ việc bãi nhiệm bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:50, 22/09/2018

Ngày 21.9.2018, Tập đoàn Trung Nguyên đã có bản thông cáo dài 8 trang gửi cho báo chí. Trong đó, Tập đoàn Trung Nguyên cho biết ngày 21.9.2018, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đã ra quyết định về việc “Bãi nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo”.
          

Cụ thể, thông cáo nêu: Căn cứ Luật doanh nghiệp năm 2014, căn cứ quyền & nghĩa vụ của chức danh Tổng giám đốc và Bản án phúc thẩm ngày 20.9.2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM, nên ngày 21.9.2018, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đã ban hành quyết định số 06/2018/QĐBN-TGĐ về việc “Bãi nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo”.

Thông cáo cũng giải thích phần nào về nguyên nhân khiến 2 bên không thể tiếp tục gắn bó với nhau. Theo thông cáo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, đồng thời cũng là nhà sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ nhận thấy để đưa Trung Nguyên phát triển nhanh hơn, rộng khắp hơn, mạnh mẽ hơn ở tầm vóc toàn cầu, cạnh tranh với thế giới và hội tụ được những con người có đủ tầm vóc hiểu về Sách Lược Tâm luôn coi trọng “Khác biệt, Đặc biệt và đi đến tính Duy nhất”.

Những quan điểm nêu trên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ gặp phải những mâu thuẫn gay gắt về quan điểm và triết lý kinh doanh của bà Lê Hoàng Diệp Thảo - nguyên Phó tổng giám đốc thường trực. Theo thông cáo, những khác biệt lớn trong tầm nhìn, nhận thức của bà Lê Hoàng Diệp Thảo khiến Trung Nguyên không thể phát triển lớn mạnh nếu bà Thảo tiếp tục quản lý, điều hành tập đoàn Trung Nguyên theo lối tư duy chỉ kinh doanh tận thu lợi nhuận đơn thuần mà không gắn với những ý nghĩa lớn lao phụng sự cho cộng đồng xã hội.

Mâu thuẫn quan điểm kinh doanh không thể giải quyết được, gây khó khăn rất lớn cho việc điều hành hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Trung Nguyên, nên ngày 13.4.2015, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã ban hành quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Theo thông cáo của Tập đoàn Trung Nguyên, bà Thảo không tuân thủ quyết định này mà còn muốn lật ngược tình thế bằng việc tuyên bố ông Đặng Lê Nguyên Vũ mất năng lực hành vi dân sự. Ngày 6.5.2015, bà Thảo đã nộp đơn ra Tòa án Nhân dân Quận 3 với nội dung “khẩn thiết yêu cầu Tòa án nhân dân quận 3 thực hiện mọi thủ tục theo quy định của pháp luật để công nhận mất năng lực hành vi dân sự đối với ông Đặng Lê Nguyên Vũ" để cho  bà Lê Hoàng Diệp Thảo được quyền giám hộ theo Điều 62 BLDS. 

Sau khi Tòa án nhân dân Quận 3 đã đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự này, bà Thảo đã chuyển qua phương án ly hôn và nộp Đơn vào ngày 17.11.2015 để yêu cầu Tòa án TP.HCM phân chia tài sản của vợ chồng 50/50. Mặt khác, bà Thảo giành quyền nuôi con và đề nghị Tòa án buộc ông Đặng Lê Nguyên Vũ  phải chia cho 04 người con, mỗi người 5% cổ phần của riêng của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Thông cáo cho rằng mục đích phân chia như vậy là để bà Thảo có thể chiếm đa số cổ phần trong các công ty thuộc Tập đoàn, nhằm để bà Thảo quyết định toàn bộ các vấn đề của Trung Nguyên. Thông cáo nhấn mạnh: "Điều này thể hiện sự dã tâm của bà Thảo khi dùng mọi thủ đoạn để giành bằng được quyền quản lý, điều hành Tập đoàn Trung Nguyên".

Theo thông cáo, kể từ khi vụ án “yêu cầu tuyên bố công dân mất năng lực hành vi dân sự” bị Tòa án có thẩm quyền đình chỉ giải quyết, bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn tiếp tục tạo dư luận, gây hoang mang về việc cho rằng ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người mất năng lực hành vi dân sự. Vì vậy, ngày 13.7.2017, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã yêu cầu Viện pháp y Tâm thần Trung ương/ Bộ Y tế giám định sức khỏe tâm thần đã có kết luận số 48/17/GĐSKTT ngày 17.7.2017 về việc giám định sức khỏe tâm thần với kết luận: “tại thời điểm giám định đối tượng Đặng Lê Nguyên Vũ không có bệnh tâm thần, đối tượng đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.

Cả 4 bệnh viện hàng đầu trong nước, gồm có: Bệnh viện đại học Y dược, Bệnh viện Pháp – Việt, Bệnh viện tâm thần trung ương II và Viện pháp y tâm thần trung ương đều xác định ông Đặng Lê Nguyên Vũ hoàn toàn khỏe mạnh, có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Bên cạnh đó, tập đoàn Trung Nguyên cũng gửi đến báo chí thông cáo nêu một loạt sai phạm của bà Lê Hoàng Diệp Thảo bao gồm.

- Ngày 16.10.2015, tại Trụ sở Tập đoàn Trung Nguyên số 82-84 Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cùng cộng sự đã chiếm đoạt 12 con dấu và 23 Giấy đăng ký kinh doanh của tất cả các Công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, làm cho toàn bộ hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên bị ngưng trệ do không có con dấu để giao dịch. (Vụ việc đã được Tòa án TP.HCM tuyên xử buộc bà Thảo phải hoàn trả con dấu và Giấy phép kinh doanh cho Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên theo Bản án sơ thẩm số 310/2018/KDTM-ST ngày 21.3.2018 về việc tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty).

- Bà Thảo giả mạo chữ ký của ông Đặng Lê Nguyên Vũ để chuyển nhượng bất hợp pháp toàn bộ tài sản (7,5 triệu cổ phần) của Công ty Trung Nguyen Singapore PTE.LTD sang cho cá nhân mình làm chủ sở hữu với giá 01 SGD (1 đô la Singapore). (Vụ án đang được Tòa án tối cao Singapore thụ lý giải quyết trên cơ sở kết luận giám định chữ ký giả mạo ngày 7.4.2016 của Cơ quan giám định Singapore).

- Ngày 13.5.2016, bà Thảo đã chiếm giữ trái phép nhà máy cà phê của Tập đoàn Trung Nguyên tại Bắc Giang, để tự ý sản xuất, kinh doanh mà không tuân thủ quyết định của Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT, Hội đồng quản trị và Đại Hội đồng cổ đông...

Vụ bãi nhiệm tốn nhiều giấy mực

Ngày 13.4.2015, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã ban hành quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty Cổ phần Tập Đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Ngày 22.9.2017, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP.HCM chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn tuyên hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh của bà Thảo vì lý do Quyết định bãi nhiệm ghi chức danh “Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc” và Bản án nhận định rằng Chủ tịch Hội đồng quản trị không có quyền bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc.

Không hài lòng với bản án sơ thẩm này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đã thực hiện quyền kháng cáo Bản án sơ thẩm. Đồng thời, thể hiện sự hợp tác và tuân thủ pháp luật theo Bản án sơ thẩm, nên ngày 9.10.2017, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên ra quyết định về việc thu hồi và hủy bỏ quyết định ngày 13.4.2015 vì ghi sai chức danh “Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc”.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 22.9.2017, đại diện ủy quyền của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên và đại diện ủy quyền của ông Đặng Lê Nguyên Vũ cùng các Luật sư đã yêu cầu Tòa án đình chỉ việc khởi kiện của nguyên đơn vì đối tượng khởi kiện là Quyết định ngày 13.4.2015 đã bị thu hồi và hủy bỏ từ ngày 09.10.2017 nhưng vì nguyên đơn không đồng ý rút yêu cầu khởi kiện nên Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã giữ nguyên Bản án sơ thẩm về việc thu hồi và hủy bỏ Quyết định ngày 13.4.2015 vì không có cơ sở để đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn theo kháng cáo của các bị đơn.

Hôm qua 21.9.2018, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập Đoàn Trung Nguyên đã ban hành quyết định số 06/2018/QĐBN-TGĐ về việc “Bãi nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo”.

Tú Anh

   

Anh Tú