Bản đồ tử vong toàn cầu: 71% ca tử vong do bệnh không lây nhiễm
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:52, 22/09/2018
Báo cáo do nhiều nhà khoa học tên tuổi thực hiện, có tên Đếm ngược các bệnh không lây nhiễm vào năm 2030 (NCD Countdown 2030), được xem là một trong những nghiên cứu chi tiết nhất trong lịch sử về NCD.
Báo cáo đánh giá thực trạng NCD trên thế giới và khả năng 186 quốc gia hoàn thành mục tiêu do Liên Hiệp Quốc đề ra về khả năng kiểm soát NCD vào năm 2030.
Theo nghiên cứu, vào năm 2016 trong 56,9 triệu ca tử vong trên toàn cầu có 40,5 triệu ca (71%) do NCD. Trong đó, 1,7 triệu ca (4% tử vong vì NCD) xảy ra ở người trẻ dưới 30 tuổi, 15,2 triệu ca (38%) từ 30 – 70 tuổi và 23,6 triệu ca (58%) ở người 70 tuổi và lớn hơn.
Có đến 32,2 triệu ca tử vong vì NCD (80%) do 4 bệnh ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp mạn tính và đái tháo đường, 20% còn lại do những NCD khác.
Hàn Quốc là quốc gia tốt nhất về kiểm soát NCD ở phái nữ khi chỉ 4,7% nữ giới có nguy cơ tử vong vì NCD trước 70 tuổi. Ở cực ngược lại, Sierra Leone là quốc gia tệ nhất khi tỷ lệ này lên đến 32,6%.
Ở phái nam, Iceland là quốc gia đầu bảng khi chỉ 9,9% nam giới có nguy cơ chết sớm trước 70 tuổi. Ngược lại, Mông Cổ là quốc gia cuối bảng khi có tỷ lệ này là 38,8%.
GS Majid Ezzati, người chủ trì nghiên cứu, nói: “NCD là nguyên nhân gây chết sớm ở phần lớn quốc gia. Nghèo đói, tình trạng tiếp thị rượu và thuốc lá không kiểm soát, hệ thống chăm sóc y tế yếu kém đã biến các bệnh mạn tính thành nguy cơ cho sức khỏe con người nhiều hơn những kẻ thù truyền thống như vi khuẩn và virus”.
Các chuyên gia quan ngại khi phần lớn quốc gia không thể đạt được mục tiêu cắt giảm số người chết sớm vì NCD của Liên Hiệp Quốc.
Cách đây 3 năm, Liên Hiệp Quốc yêu cầu các quốc gia cắt giảm số người chết sớm vì 4 bệnh NCD chủ chốt (ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp mạn tính và đái tháo đường) vào năm 2030. Nhưng đến nay, theo nghiên cứu, chỉ 35 quốc gia tiếp cận được mục tiêu này ở nữ giới và 30 quốc gia tiếp cận được ở nam giới. Một số quốc gia tiếp cận tốt được cả hai phái là Đan Mạch, New Zealand, Na Uy và Hàn Quốc.
Với Việt Nam, nghiên cứu đánh giá 11,5% phụ nữ và 23,4% nam giới từ 30 – 70 tuổi có nguy cơ tử vong vì NCD và sau năm 2040 mới có thể đạt mục tiêu do Liên Hiệp Quốc đề ra.
Châu Giang(theo Lancet/DailyMail)