Bí mật ở Bhutan, vương quốc hạnh phúc nhất thế giới

Du lịch - Ngày đăng : 12:05, 24/09/2018

"5 năm với 8 lần đặt chân tới Bhutan, ấn tượng trong tôi về miền đất này là sự thay da đổi thịt nhiều lần, chỉ có nhịp sống chầm chậm của người dân nơi đây là nguyên vẹn", nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.

Bhutan là đất nước Phật giáo nhỏ xinh nằm khép mình trên dãy Himalaya, được ví von là “vương quốc hạnh phúc” hay “Thụy Sĩ của phương Đông”.

Vương quốc này là nơi duy nhất trên thế giới định hướng, đánh giá phát triển bằng chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia (Gross National Happines - GNH).

Đất nước hiếu khách

Mùa xuân năm 2013 là dấu mốc đầu tiên trong chuyến hành trình 5 năm đặt chân tới Bhutan của tôi. Ngày đó, tôi đi đường bộ từ Ấn Độ qua cửa khẩu Phuentsoling, lên Thimphu của Bhutan.

Có thể nói, chặng đường này rất đặc biệt bởi tôi được chứng kiến sự khác biệt lớn giữa một Ấn Độ đông đúc, chật chội với một Bhutan thanh bình trên dãy Himalaya.

Vương quốc Rồng Sấm yên bình, con người luôn hòa hợp với thiên nhiên.

Ngày đầu tiên tới Bhutan, điều khiến tôi ấn tượng là phong tục, kiến trúc và ẩm thực độc đáo của vương quốc này. Trải nghiệm lạ lẫm này có thể so sánh với cảm giác như bước vào một thế giới khác. Bhutan trong tôi ngày đó là một thế giới không có thật, tồn tại giữa cuộc sống hối hả đời thường.

Tới Bhutan nhiều lần, tình cảm của tôi với đất nước này cũng ngày một lớn thêm. Lý do tôi dành nhiều thời gian gắn bó với mảnh đất này là vì khi hiểu sâu hơn về văn hóa con người của Bhutan, tôi càng trân trọng những tình cảm mộc mạc của người dân nơi đây.

Người dân Bhutan có lối sống đơn giản nhưng họ luôn cảm thấy hạnh phúc.

Người Bhutan tử tế, tốt bụng và đặc biệt hiếu khách. Họ yêu môi trường, trân trọng mọi giá trị của tự nhiên và các giá trị văn hóa dân tộc. Họ tử tế với muông thú và hệ thực vật, không câu cá, không chặt cây, không hút thuốc, không dùng hóa chất trong nông nghiệp...

Người Bhutan gìn giữ bản sắc qua việc mặc quốc phục hàng ngày khi đi làm, đi học. Các công trình kiến trúc cổ của Bhutan luôn được bảo tồn nguyên vẹn. Người dân vương quốc này vẫn duy trì các lễ hội truyền thống lâu đời như lễ hội him hạc, lễ hội Jakar, lễ hội rước tranh Phật...

Những điệu múa trong các lễ hội truyền thống của Bhutan rất đa dạng và nhiều sắc màu.

5 năm qua, dù đến Bhutan lần đầu hay lần thứ 8, lòng tôi vẫn háo hức một niềm hân hoan đón nhận những bất ngờ mới mẻ. Đất nước này luôn đem đến cho những vị khách phương xa cảm giác nhẹ nhàng và an yên.

Số đông du khách trở về từ Bhutan đều cảm thấy cơ thể được thanh lọc do ăn chay trong bầu không khí thanh tịnh, nhẹ nhàng. Tinh thần mỗi người cũng sảng khoái hơn bởi được hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ, tiếp xúc với những người dân sống chân chất, tình cảm và ít sự đòi hỏi, sân si.

Để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mùa lúa ở miền đông Bhutan, du khách nên đến đây vào tháng 10.

Qua những lần trực tiếp trải nghiệm, đối với tôi, xã hội Bhutan thay đổi nhiều. Viễn thông, đường xá, các phương tiện giải trí... phát triển, lượng khách du lịch đến nơi đây tăng gấp nhiều lần dù mức phí du lịch gần như cao nhất thế giới.

Nếu có mặt ở đây, không khó khăn để bạn bắt gặp khoảnh khắc các "tay máy" tò mò tìm đến Bhutan và ghi lại những bước chuyển mình về văn hóa, xã hội của vương quốc được xem là thiên đường nơi hạ giới.

Bí mật nơi hạnh phúc nhất thế giới

Diện mạo đô thị của thủ đô Thimphu là sự thay đổi rõ nét nhất sau khi Bhutan mở cửa với thế giới. Nhiều nhà bê tông và chung cư được xây dựng, thành phố mở rộng gấp đôi so với lần đầu tôi ghé tới đất nước này.

Tuy nhiên, có một điều chưa từng thay đổi ở Bhutan, đó là nhịp sống chậm của người dân nơi đây. Chính điều này cũng là lý do khiến tôi quay trở lại Bhutan nhiều lần, đi khắp ngóc ngách của vương quốc này để tìm hiểu về bí mật giúp nơi đây trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Một lớp học giản dị ở làng Sengor, tỉnh Mongar, miền đông Bhutan.

Lý do người Bhutan cảm thấy hạnh phúc là gì? Phải chăng do nước này ít dân và được chính phủ bao cấp hầu hết nhu cầu của đời sống? Nếu chưa từng đến đây, chắc hẳn bạn sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi trên như tôi.

Nhưng thực ra, người Bhutan hạnh phúc chỉ đơn giản vì họ không có nhiều nhu cầu cá nhân. Văn hóa Phật giáo Kim Cang Thừa và lối sống chan hòa với thiên nhiên tạo cho họ tính cách không cạnh tranh, sân si và không bao giờ nghĩ sẽ làm gì xấu với người khác.

Phật giáo là tôn giáo chính ở quốc gia này.

Hạnh phúc của người dân nước này đơn giản là hài lòng với những gì họ đang có. Bhutan có môi trường sống trong lành, nền nông nghiệp không hóa chất. Người dân không phải trả chi phí giáo dục và y tế. Nhà cửa của họ được chính quyền hỗ trợ xây dựng.

Nhà nước Bhutan quản lý quốc gia theo các chỉ số hạnh phúc như mức độ hài lòng cuộc sống của người dân, sự tăng trưởng kinh tế, chỉ số bảo vệ môi trường, bản sắc văn hóa và chỉ số quản trị tốt của chính quyền. Những chỉ số quản lý cuộc sống dân cư của người Bhutan tạo nên sự khác biệt so với các quốc gia khác.

Góc khuất phía sau hào quang

Khi Bhutan nổi tiếng là vương quốc hạnh phúc nhất thế giới, không ít người thắc mắc liệu có tồn tại những mảng tối trong xã hội ở đất nước này không?

Thực tế, quốc gia nào cũng có góc khuất, Bhutan không ngoại lệ. Ở các tỉnh thành lớn của nước này, có rất nhiều công nhân và thương nhân Ấn Độ, Nepal, cũng như chuyên gia Tây phương sang làm việc. Điều này tạo nên phần nào sự lộn xộn nhỏ trong xã hội hiện đại nơi đây.

Ở Bhutan, thỉnh thoảng có một vài vụ việc liên quan đến xâm phạm tài sản người dân, cũng có những vụ tham nhũng trong các cơ sở tôn giáo. Tuy nhiên, tỷ lệ này rất hiếm.

Trong cảm nhận của tôi, một vị khách gắn bó nhiều năm với Bhutan, người dân nước này thật sự mãn nguyện với thiên nhiên hùng tráng, trong lành mà họ sở hữu cũng như các giá trị văn hóa, đời sống mà họ đang duy trì.

Thiên nhiên hài hòa bản sắc dân tộc

Làng Gangtey (thung lũng Phobjikha) và thung lũng Bumthang là 2 điểm đến ít được khai thác trong các tour du lịch tới Bhutan, nhưng thu hút sự quan tâm của nhiều du khách khi ghé thăm quốc gia này.

Làng Gangtey sở hữu sông băng đẹp nhất Bhutan. Vào mùa đông, du khách sẽ được ngắm những chú sáo cổ đen, người bạn từ thiên nhiên, thân thuộc với dân làng Gangtey.

Xuân về trên thung lũng Bumthang thơ mộng.

Bumthang (miền Trung Bhutan) là một trong những thung lũng đẹp và lớn nhất nước này. Nơi đây cũng là thánh địa Phật giáo quan trọng, trung tâm lưu giữ văn hóa truyền thống của Bhutan.

Nhiều tu viện và chùa cổ lâu đời nhất Bhutan đều tập trung ở Bumthang. Không chỉ vậy, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, những ngôi làng thanh bình bên dòng sông hài hòa với nét huyền bí của các tu viện trên sườn núi tạo nên vẻ quyến rũ đặc biệt cho Bumthang.

Khắp vương quốc Bhutan đi đâu cũng thấy tu viện và pháo đài.

Không chỉ sở hữu cảnh quan thơ mộng, tuyệt sắc hay những con người với tính cách ôn hoà, nhắc đến Bhutan, người ta còn nghĩ đến các lễ hội đa sắc màu. Đất nước này có nhiều lễ hội văn hóa truyền thống diễn ra quanh năm ở mọi vùng miền.

Một trong những điểm độc đáo của các lễ hội trên vương quốc Rồng Sấm chính là điệu múa mặt nạ. Các vị sư thể hiện điệu múa này theo nội dung truyền kỳ về các vị Bồ Tát hay chư vị thần Bảo Hộ... Cùng với đó là các điệu múa hát dân gian sử dụng nhạc cụ truyền thống được thiếu nữ và trẻ em địa phương thể hiện.

Người dân Bhutan luôn hào hứng với các lễ hội truyền thống.

Với những người bản địa, các lễ hội cũng là dịp ăn mừng, nhận phước lành và cầu nguyện sức khỏe, hạnh phúc cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Một vài lưu ý khi du lịch tại Bhutan

Để phát triển du lịch, Bhutan ấn định lệ phí tối thiểu một ngày cho mỗi du khách.

Các tháng cao điểm như tháng 3 hay tháng 10, mức phí là 250 USD/người mỗi ngày. Vào tháng 6 và tháng 12, mức phí là 200 USD/người mỗi ngày. Giá ấn định này đã bao gồm dịch vụ lưu trú, ăn uống, phí đi lại và phí trả cho hướng dẫn viên du lịch.

Giá vé bay đến Bhutan thường khá cao, khoảng 18 triệu đồng trở lên. Vì vậy, du khách không nên đi ngắn ngày, sẽ lãng phí. Thời gian hợp lý cho một chuyến đi tới Bhutan thường vào khoảng từ 7-9 ngày.

Theo Nguyễn Thanh Hải/ Zing

Zing