Châu Âu lo lắng khi Trung Quốc thâu tóm hàng loạt cảng
Quốc tế - Ngày đăng : 16:41, 24/09/2018
Trung Quốc với sáng kiến Vành đai và Con đường đã tăng đáng kể đầu tư trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng hàng hải.
Những doanh nghiệp tiên phong của nước này như Tập đoàn vận tải biển Cosco, công ty thương cảng Trung Quốc (China Merchants Port Holdings) đẩy mạnh mua cổ phần hoặc ký thỏa thuận xây bến tại cảng biển nước ngoài.
Cosco đã bắt đầu khai thác cảng hàng hóa Piraeus tại Hy Lạp vào năm 2008, thời điểm quốc gia này gần như vỡ nợ. Bắc Kinh từ đó dần trở thành một thế lực lớn trong ngành kinh doanh cảng biển lục địa già.
Đến nay Trung Quốc đã có chỗ đứng ở ba cảng lớn nhất châu Âu, bao gồm cảng Euromax của Hà Lan (sở hữu 35% cổ phần), Antwerp của Bỉ (20% cổ phần) cùng với Hamburg của Đức (xây một bến mới tại đây).
Làn sóng đầu tư từ cường quốc châu Á quả thực có giúp một số cảng phát triển. Lấy ví dụ cảng Piraeus. Đầu tư năm 2016 của Trung Quốc làm thương mại tăng trưởng, khiến lượng container nhập vào cảng hàng hóa này tăng theo. Cảng Piraeus năm 2017 ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế tăng đến 92%.
Tuy nhiên, đầu tư không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Tại Israel, nơi Trung Quốc đang xây dựng hai cảng mới ở Haifa và Ashdod, học giả địa phương đã kêu gọi chính phủ đánh giá mức độ cường quốc châu Á tham gia vào nền kinh tế mà không ảnh hưởng an ninh quốc gia.
Một trong những người lên tiếng yêu cầu cân nhắc kỹ lưỡng có cựu đô đốc Hải quân Israel Shaul Chorev. Ông cho biết: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm cách dùng sức mạnh kinh tế, ngoại giao lẫn quân sự ngày càng tăng của mình để thiết lập ưu thế khu vực cũng như mở rộng ảnh hưởng quốc tế. Mục đích của Vành đai và Con đường là tạo ra liên kết mạnh mẽ với quốc gia khác, định hình lợi ích của họ sao cho phù hợp với Trung Quốc, ngăn chặn sự đối đầu hay chỉ trích cách tiếp cận của Trung Quốc với một số vấn đề nhạy cảm”.
Ông Frans-Paul van der Putten đến từ Viện Quan hệ quốc tế Hà Lan cũng cảnh báo mối lo Bắc Kinh tận dụng chỗ đứng của họ trong ngành kinh doanh cảng biển châu Âu nhằm gây ảnh hưởng chính trị với từng nước đang tăng cao.
Cựu tư lệnh hải quân Mỹ Gary Roughead cho biết hoạt động của Trung Quốc cũng khiến Washington phản ứng, vì chúng đe dọa đến thông tin và an ninh mạng.
Ông phân tích: “Nhà khai thác cảng Trung Quốc có thể theo dõi chặt chẽ tàu Mỹ, biết rõ hoạt động bảo trì, được phép tiếp xúc thiết bị đưa đến và ra khỏi điểm sửa chữa, tự do tương tác với thủy thủ đoàn trong thời gian dài”.
Chia sẻ quan điểm này, ông Chorev lưu ý cách tiếp cận “tích hợp quân sự vào dân sự” của Bắc Kinh chính là nguyên nhân khiến đầu tư vào cảng biển mà cường quốc châu Á đang tiến hành bị lo ngại đem đến tác động về an ninh.
Trung Quốc từ lâu đã bắt tay kết hợp những ngành công nghiệp dân sự với quốc phòng, với hy vọng chúng sẽ hỗ trợ nhau cùng có lợi. Công nghệ cùng với tài nguyên dân sự nhờ vậy có thể sự dụng cho mục đích quân sự.
Nhà nghiên cứu Trương Khiết của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc năm 2015 có nhắc đến “tiền dân sự, hậu quân sự” trong một bài viết, theo đó cảng thương mại sẽ được xây dựng với mục tiêu dần dần trở thành “điểm hỗ trợ chiến lược” có thể giúp nước này bảo vệ an ninh và kiểm soát các tuyến hàng hải chính yếu.
Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu an ninh nâng cao C4ADS (Mỹ) cho rằng đầu tư cảng là phương tiện để Trung Quốc tạo ảnh hưởng chính trị, kiềm chế nước khác, xây dựng cơ sở hạ tầng có ý nghĩa về dân sự lẫn quân sự, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hải quân tầm xa.
Cẩm Bình (theo SCMP)