Nhận diện được tế bào gốc tạo xương và mô sụn ở người
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:06, 24/09/2018
Phát hiện này sẽ cho phép phát triển các phương pháp mới để điều trị gãy xương, tổn thương khớp và loãng xương.
Trong một thời gian khá dài, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu cái gọi là tế bào gốc trung mô. Trong quá trình phát triển tiếp theo, những tế bào này tạo ra không chỉ các tế bào xương và sụn, mà cả các tế bào mô mỡ, một số tế bào cơ và mạch máu. Nhiệm vụ tiếp theo của các nhà khoa học là xác định những tế bào gốc trung mô biến hóa thành tế bào xương và tế bào sụn.
Trong năm 2015, các nhà nghiên cứu Michael Longaker và Charles Chan cùng các đồng nghiệp đã giải quyết vấn đề này ở những con chuột trong phòng thí nghiệm nhờ những con chuột biến đổi gien khiến mỗi loại tế bào gốc trung mô được đánh dấu bằng một protein phát sáng riêng. Sau khi theo dõi các tế bào khác nhau, các nhà nghiên cứu đã xác định được những tế bào hình thành bộ xương chuột. Sau đó, họ xác định được những gien hoạt động trong các tế bào này.
Gần đây, nhóm khoa học đó tiếp tục thực hiện nghiên cứu này với các tế bào người. Thật khó để làm điều này, vì không có cách nào để tạo ra người có các tế bào trung mô với protein phát sáng một cách cụ thể. Nhưng các nhà khoa học đã có thể xác định được trong phôi người, các tế bào mang hoạt tính di truyền tương ứng với các tế bào gốc hình thành bộ xương ở chuột.
Bằng cách sử dụng các mảnh xương, cắt ra ở những bệnh nhân lớn tuổi trong các ca phẫu thuật thay thế khớp hông hoặc khớp gối, các nhà khoa học đã xác nhận được kết quả nghiên cứu của mình. Họ đã trích xuất các tế bào có hoạt tính di truyền cần thiết rồi cấy chúng trong các đĩa Petri. Và những tế bào này đã phát triển thành tế bào xương và sụn đúng như thử nghiệm.
Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện của họ trong tương lai sẽ đóng góp vào việc điều trị gãy xương, tổn thương khớp và loãng xương.
Vũ Trung Hương