Amazon, thương mại điện tử và vấn nạn hộp carton

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:29, 25/09/2018

Các công ty thương mại điện tử cần phải gửi các món hàng nhỏ trong những chiếc hộp lớn? Có nhất thiết cần phải như vậy không?

châu Âu trên trangBloomberg. Nơi khuôn viên trong khu căn hộ ông sinh sống ở Berlin có 8 thùng nhựa, mỗi thùng dành để chứa một loại rác thải khác nhau (người Đức cuồng tín về việc phân loại rác thải). Một trong số đó là chiếc thùng màu xanh da trời, dành riêng cho loại rác từ giấy và bìa carton.

Nó được dọn sạch vào mỗi thứ tư và lại đầy ắp ngay ngày hôm sau. Chính bởi vậy, Leonid Bershidsky và vợ ông ấy luôn ngó chừng chiếc thùng, để khi thấy trống thì mang ngay các hộp carton, vốn dùng để chứa các sản phẩm được mua từ Amazon và các cửa hàng trực tuyến khác. Không chỉ riêng Bershidsky, những người hàng xóm của ông cũng làm tương tự như vậy.

Đây là dấu hiệu của thời đại. Smithers Pira, một công ty nghiên cứu về đóng gói, giấy và chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp in, ước tính rằng các công ty thương mại điện tử trên toàn cầu sử dụng 20 tỷ đô la các vật liệu đóng gói carton mỗi năm và dự đoán thị trường này sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 14,3%, kéo dài đến năm 2022. Con số này vượt trội so với tốc độ tăng trưởng 2,9% trong tổng thể ngành công nghiệp bao bì.

Vấn đề là các công ty thương mại điện tử chưa thực sự tối ưu hóa việc đóng gói để hướng đến tính bền vững và thuận tiện cho khách hàng, mặc dù luôn tuyên bố đi theo hướng này. Họ thường sử dụng các thùng carton không hiệu quả, và đẩy trách nhiệm tái chế cho khách hàng. Điều đó làm cho ngành công nghiệp tái chế khó khăn hơn và các bãi rác chịu thêm gánh nặng từ vật liệu đóng gói. Trừ khi họ khắc phục vấn đề này sớm, còn không, các nhà quản lý nên can thiệp để đẩy mọi việc đi đúng hướng.

Những người điều hành tại Bartscherer & Co. Recycling GmbH, công ty quản lý chiếc thùng chứa rác màu xanh trong sân khu căn hộ nơi Bershidsky sống, nhận thấy rằng mọi thứ đang thay đổi.

Martin Lange, Giám đốc điều hành của công ty, cho biết: “Trong vài năm qua, tỷ lệ bao bì và vật liệu đóng gói trong các thùng rác đã tăng lên đáng kể; còn tỷ lệ báo và tạp chí thì sụt giảm. Trong ngành công nghiệp tái chế, các thùng carton được thu mua với giá rẻ hơn so với báo và tạp chí. Điều đó có nghĩa là lượng rác thải trong thùng chứa màu xanh có giá trị ít hơn vài năm trước và ngành công nghiệp thu gom rác phải hoạt động hiệu quả hơn để duy trì lợi nhuận trong điều kiện chi phí vận chuyển cao và tiền lương công nhân tăng do tình trạng thiếu lao động”

Trước thời đại thương mại điện tử, phần lớn bao bì trong đó các sản phẩm đến từ các nhà sản xuất được thu gom tập trung bởi các nhà bán lẻ. Bây giờ, theo Kyla Fisher, một nhà quản lý tại Viện Bao bì và môi trường Hoa Kỳ (American Institure for Packaging and Enviroment – Ameripen), “những hiểu biết từ các nhà phân tích trong ngành cho thấy lượng rác thải carton gom được qua hệ thống thu rác tái chế đã tăng 30 – 40%”.

Một phần nhờ sự thay đổi quan trọng này, tỷ lệ tái chế carton đã giảm xuống còn 88,8% vào năm ngoái từ 92,9% năm 1999, theo Hiệp hội Bao bì và Lâm nghiệp Hoa Kỳ. Không có số liệu thống kê tương tự ở Đức, nhưng chỉ bằng cách quan sát những gì diễn ra nơi mình ở, Leonid Bershidsky nhận thấy: Khi thùng rác màu xanh đầy, một số người hàng xóm của ông sẽ nhồi những chiếc hộp carton Amazon vào thùng đen, vốn được phân loại để chuyển đến bãi chôn lấp hoặc nhà máy đốt.

Khi có nhiều công ty thương mại điện tử, việc người dùng nhận được nhiều kiện hàng hơn là điều không thể tránh khỏi. Tuy vậy điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể nhận tùy ý bao nhiêu cũng được.

Theo Fisher, Amazon là đơn vị thiết lập nên những tiêu chuẩn trong đóng gói, điều này chủ yếu bởi họ là một công ty lớn trong ngành. Thế nhưng Amazon cũng khét tiếng với việc đặt những món hàng nhỏ trong những chiếc hộp lớn. Trong nhiều trường hợp, theo lẽ thông thường, với một món hàng nhỏ, chúng ta nghĩ rằng công nhân đóng gói nên để trong chiếc hộp nhỏ tương ứng nhưng thực tế không phải như vậy. Tại sao thế? Không có câu trả lời cụ thể nhưng một số người cho rằng sở dĩ Amazon làm vậy là để tối ưu hóa kích thước các hộp đựng hàng, qua đó, họ có khả năng lấp đầy xe tải giao hàng nhiều nhất có thể.

Các công ty thương mại chưa chú ý tối ưu hóa việc đóng gói.

Bản thân Amazon chưa bao giờ giải thích chính xác cách hệ thống đóng gói của họ hoạt động ra sao. Leonid Bershidsky đã hỏi công ty về điều này, nhưng thông tin cụ thể duy nhất mà ông có được đó là, Amazon chia sẻ rằng họ sử dụng “hơn 30 loại hộp có kích cỡ khác nhau” và công ty luôn quan tâm đến những đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này để cắt giảm rác thải; đồng thời trong 10 năm qua, nỗ lực “Bao bì không thất vọng” đã loại bỏ hơn 244.000 tấn nguyên liệu đóng gói và tiết kiệm 500 triệu hộp carton”.

Theo Bershidsky, những con số này vô nghĩa bởi nó không nêu rõ khối lượng bao bì mà Amazon đã sử dụng trong 10 năm – và bên cạnh đó, với tư cách là một khách hàng, ông thấy thật khó để tin rằng việc cắt giảm bao bì rác thải đang thật sự diễn ra.

Trong khi Leonid Bershidsky đang viết bài báo này, ông nhận được hai kiện hàng từ Amazon. Một là chiếc webcam, vốn đã được đóng gói khá chắc chắn bởi nhà sản xuất gốc là Microsoft, sau đó lại được đặt trong một chiếc hộp carton lớn và chèn giữa đó nhiều giấy gói. Điều này làm ông Bershidsky không thể hiểu nổi. Kiện hàng thứ hai chứa chiếc quần pajama dành cho trẻ em đặt trong một cái hộp mà Bershidsky cho rằng có thể dư sức xếp 5 chiếc pajama như vậy.

Những trải nghiệm như trên không hề xa lạ với một khách hàng Amazon lâu năm như Leonid Bershidsky.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Amazon cũng như các công ty thương mại điện tử thường đặt món hàng nhỏ trong chiếc hộp lớn và chèn giữa đó là giấy, bọc bong bóng khí, mút xốp … mà đôi khi, tiền bao bì và các vật liệu chèn đệm này lại đặt hơn cả vật dụng được mua?

Theo Sealed Air, công ty đóng gói phát minh ra bọc bong bóng, 20% đơn hàng trả lại trong thương mại điện tử là do hàng bị hỏng trong quá trình vận chuyển. Khi hàng bị hỏng như vậy, chi phí thay thế “có thể gấp 17 lần chi phí vận chuyển ban đầu”.

Bên cạnh đó, cũng theo Sealed Air, 58% người Mỹ cho rằng việc nhận sản phẩm bị hư hỏng sẽ tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với nhà bán lẻ. Điều này có nghĩa là Amazon và những công ty khác buộc phải thận trọng. Họ chấp nhận dùng thùng carton lớn hơn và nhiều vật liệu chèn đệm hơn. Trong trường hợp này, cái mục đích chính họ hướng đến là giảm thiểu hư hỏng, thiệt hại vận chuyển, chứ không phải là cắt giảm vật liệu đóng gói.

Hiện thương mại điện tử đạt 23% doanh số bán lẻ ở Trung Quốc, 9% ở Hoa Kỳ và gần 8% ở Đức. Với sự phát triển ngày càng tăng, thương mại điện tử không chỉ phá vỡ ngành bán lẻ truyền thống, nó còn gây khó chịu cho toàn bộ hệ sinh thái, từ các nhà sản xuất, nhà bán lẻ truyền thống, người dùng cho đến những đơn vị tái chế bao bì rác thải. Những thói quen tiêu dùng, sinh hoạt được hình thành trong nhiều thập kỷ qua buộc phải thay đổi. Nhưng việc này không dễ thực hiện một sớm một chiều.

Theo Fisher, khi các nhân tố trong hệ sinh thái làm việc nhịp nhàng với nhau để đảm bảo sử dụng tối ưu hóa các nguồn lực thì điều này sẽ làm giảm những tác động đến môi trường. Dĩ nhiên mọi thứ cần thời gian bởi dù sao thì thương mại điện tử cũng chỉ là một phương pháp phân phối mới mới nổi lên gần đây.

Điều này ám chỉ rằng cứ để bàn tay thị trường điều tiết và chính quyền không cần can thiệp. Thế nhưng Leonid Bershidsky không chắc chắn về điều đó. Ông cho rằng, với gần 1 nghìn tỷ đô la vốn hóa thị trường, Amazon có thể làm nhiều hơn để trợ giúp cho việc tái chế mớ bao bì nó tạo ra ở bất cứ nơi nào nó vận chuyển.

Amazon cũng nên cởi mở hơn về những gì công ty làm để giảm chất thải bao bì, và sự cởi mở như vậy hiếm khi đến mà không có sự can thiệp điều chỉnh từ pháp luật. Việc thiết lập tiêu chuẩn đóng gói cho các nhà sản xuất bán hàng qua internet, dù tự bán hay bán qua các nền tảng trung gian, đều rất có ý nghĩa. Mặc dù các tiêu chuẩn có thể hình thành thông qua quá trình tự điều chỉnh, nhưng cũng hoàn toàn tự nhiên khi các chính phủ để tâm đến vấn đề này.

Trong khi chờ đợi điều đó xảy ra, vợ chồng Leonid Bershidsky vẫn ngó chừng những chiếc thùng rác màu xanh ngay khi nhân viên của Bartscherer rời đi để đổ xô đến với những chiếc hộp carton Amazon trên tay.

Đức Tâm(theo Bloomberg)

Anh Đủ