Sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến sẽ Mỹ - Nhật?

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 13:36, 26/09/2018

Khi cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc còn đang căng thẳng leo thang, chưa có hồi kết thì các chuyên gia phân tích dự báo, sang năm 2019 tới, Mỹ sẽ tiếp tục tuyên chiến với Nhật Bản.

Theo Bloomberg, trong lịch sử giữa hai nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản cũng đã từng nổ ra chiến tranh thương mại, kéo dài suốt những năm 80-90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, khi đó quy mô và mức độ ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu chưa mạnh mẽ và sâu rộng như hiện nay.

Trước thềm cuộc gặp gỡ bên lề cuộc họp của Đại hội đồng LHQ ở thành phố New York giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, dự kiến vào ngày 26.9 tới, một dung rất quan trọng đang được chờ đợi thảo luận là vấn đề xe hơi. Theo hãng tin AFP, sắc thuế Mỹ đánh lên xe hơi của Nhật xuất bán sang Mỹ sẽ là trọng tâm cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật.

Ngay lập tức giới phân tích đang đặt các câu hỏi, trong bối cảnh Washington đang áp khoản thuế nhập khẩu lên tới 250 tỷ USD, đánh vào hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc thì liệu Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Mỹ có tránh được “cơn thịnh nộ” của Tổng thống Donald Trump? Và nếu có thì thời điểm xảy ra cuộc chiến tranh thương mại tương tự giữađôi bên sẽ là lúc nào?

Điều này là có cơ sở bởi trước đó, ông Trump từng than phiền là Mỹ trong nhiều thập kỷ đã bị Nhật Bản cạnh tranh “không công bằng” và ông từng dọa sẽ buộc Tokyo “phải trả giá” cho hiện tượng xuất siêu. Tuy nhiên, trên thực tế theo Reuters, cán cân thương mại Mỹ-Nhật chỉ bất lợi cho Mỹ có 68 tỷ USD (số liệu năm ngoái). Trong khi đó, nếu so sánh với các đối tác khác về mức độ thâm hụt cán cân thương mại thì Nhật Bản chỉ xếp thứ ba, sau Trung Quốc (375 tỷ USD) và Mexico (71 tỷ USD). Thậm chí tính đến hết tháng 7.2018, thâm thủng Mỹ - Nhật đã giảm xuống chỉ còn 40 tỷ USD.

Trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, Washington là bên khiêu chiến theo như cái cách mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố là “Trung Quốc đã tiến hành chiến tranh thương mại chống kinh tế Mỹ từ nhiều chục năm nay và đến lúc này, Mỹ quyết tâm chiến thắng và sẽ đánh thắng”. Ông Mike Pompeo cũng yêu cầu “buộc Bắc Kinh phải hành xử như một cường quốc, minh bạch trong lĩnh vực thương mại và thượng tôn pháp luật”.

Theo chuyên gia kinh tế Harumi Taguchi thuộc Viện tư vấn IHS Markit, một khi tìm được sự nhượng bộ của Trung Quốc và Mexico, ông Donald Trump sẽ nhìn sang Nhật Bản cho dù Nhật Bản là một quốc gia phát triển, nơi chính phủ không can thiệp vào các chính sách sản xuất để bảo trợ xuất khẩu, cũng như không sử dụng các biện pháp hành chính để bảo hộ thị trường… Tuy nhiên, hình ảnh hàng chục triệu chiếc xe hơi của Nhật tràn ngập trên đường phố Mỹ đã làm ông chủ Nhà Trắng “cảm thấy khó chịu”, nhất là xe Mỹ bán sang Nhật lại quá ít do không cạnh tranh được.

“Nếu bị áp thuế xe hơi ở mức 25%, thì GDP của Nhật Bản sẽ mất từ 0,4 đến 0,5% - điều này thực sự sẽ là thảm họa đối với nền kinh tế”, bà Harumi Taguchi nhận định.

Trước đó, đàm phán song phương Mỹ - Nhật lần thứ nhất diễn ra vào tháng 8.2018 tại Washington và lần hai diễn ra hôm 24.9 tại New York. Mục tiêu của Tokyo luôn là ưu tiên cho một thỏa thuận đa phương và hy vọng kéo được Mỹ quay trở lại bản Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mới.

Theo các chuyên gia, một khi xảy ra tình huống bị áp thuế xe hơi, Tokyo sẽ có ba phương án để xoa dịu ông Trump nhưng đều chỉ là tạm thời, không bền vững như mua thật nhiều vũ khí của Mỹ; tăng đầu tư sản xuất xe hơi tại Mỹ và buộc phải chấp nhận một loạt nhượng bộ, nhất là về nông nghiệp. Tuy nhiên 2 mặt hàng nông sản là gạo và thịt bò lại vốn đặc biệt “nhạy cảm” đối với chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe khi nông dân là cử tri truyền thống của đảng Tự do Dân chủ (LDP), nơi ông Abe là Chủ tịch.

Kim Long/Nông nghiệp Việt Nam

NNVN