“Mua quan bán chức” làm hỏng hết thế hệ này đến thế hệ khác
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 12:14, 15/09/2015
Tuy nhiên trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này chỉ quy định 7 loại tội phạm được đưa vào, còn 5 loại nữa không được đặt ra. Theo ông Lê Truyền, Công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng có nội dung khuyến khích hình sự hóa các tội phạm tham nhũng. Vì thế trong bối cảnh hiện nay, dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi cũng cần quan tâm đến vấn đề này.
“Tôi rất quan tâm đến cụm từ hình sự hóa. Tình trạng tham nhũng ở nước ta còn rất nhiều và nặng nề. Việc xử lý nhiều nơi chưa nghiêm, gây bức xúc trong nhân dân. Vì thế người dân rất mong muốn xử lý nghiêm loại tội phạm này. Cá nhân tôi cũng đề nghị xem xét những vấn đề có liên quan đến tội tham nhũng để quy định trong Luật Hình sự lần này một cách chính xác và đầy đủ, thể hiện sự nghiêm minh luật pháp”- ông Lê Truyền nói.
Ông Lê Truyền dẫn ra quy định nêu trong dự thảo Bộ luật Hình sự về tội phạm hình sự là tội phạm gây nguy hiểm cho xã hội về tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội… “Nếu nguy hiểm cho xã hội, bây giờ việc “mua quan bán chức” có nguy hiểm đến xã hội hay không? Việc “mua quan bán chức” bây giờ giống như một hoạt động ngầm. Chúng ta khui ra ít hơn rất nhiều so với trên thực tế. Việc này hiện nay khá phổ biến và đang có hướng ngày càng phát triển. Sự nguy hiểm của loại tội phạm này là nó có mức độ lan tỏa rộng, nguy hiểm đến con người, đến xã hội và đến một công việc quan trọng là công tác tổ chức cán bộ của cả hệ thống. Nếu nói việc “mua quan bán chức” là một đầu tư thì người ta phải thu hồi vốn, sớm có lời. Như thế thì hỏng hết thế hệ này đến thế hệ khác nếu bập vào con đường này. Theo tôi đó là một loại tội rất mới trong thực tiễn mà chúng ta cần phải xử lý triệt để”- ông Truyền nói.
Ông Truyền cho rằng trong tội mua bán chức vụ, cũng cần quy định tội môi giới mua bán chức vụ. Hiện nay trong bối cảnh mới, lực lượng môi giới này đang gây ra nhiễu loạn cho xã hội, điều hành người có quyền gắn với người có tiền để tạo ra một lực lượng gây nhũng loạn trong xã hội. Đó là một tội mới nên đặt nó trong tội hình sự.
“Nếu không quan tâm đến vấn đề này thì sẽ dẫn đến việc lạm dụng quyền lực. Quyền lực sẽ trở thành một thứ để đem ra mua bán, trao đổi. Trong khi đó hiện nay quyền lực và kiểm soát quyền lực là một vấn đề rất lớn, nếu để hiện tượng này tiếp tục xảy ra thì không thể giám sát được quyền lực”- ông Truyền trăn trở.