Nhà nông Mỹ thêm nỗi lo về ‘một nước Nga đang trổi dậy’
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:34, 26/09/2018
Ông cũng giúp cho Nga trở thành một cường quốc xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới lần đầu tiên kể từ những năm cuối cùng của các Nga hoàng.
Đâu chừng cả chục năm qua, nhà nông Mishurov thay thế thiết bị luống tuổi của Nga bằng hàng chục chiếc máy công nghệ cao của John Deere, hãng nông cụ Mỹ và các hãng khác, và bắt đầu ứng dụng các loại phân và giống mới nhiều lợi thế hơn. Ông ấy mua và thuê nhiều đất hơn từ các người hàng xóm và dòng họ, cuối cùng có được gần 1.457ha nhờ tận dụng giá đất nói chung là thấp ở Nga.
Và cũng như nhiều nhà nông ở Mỹ, ông thường làm việc cả tuần và ngủ nghê rất ít, nhất là trong mùa gặt.
Khác biệt lớn giữa ông Mishurov và một nông gia trên vùng Đồng bằng lớn của Mỹ: chi phí của Nga thấp hơn, và chủ yếu tính bằng đồng rúp, khiến cho doanh số bán ra nước ngoài – tính bằng đô la Mỹ – càng lên giá hơn.
Qua nhiều năm giá ngũ cốc ở Nga sụt thê thảm, nông nghiệp của Nga hiện đang phát triển mạnh. Nước này đã xuất khẩu hơn 40 triệu tấn lúa mì trong năm thời vụ kết thúc vào tháng 6, cao hơn năm trước khoảng 50%, và là mức cao nhất đối với bất kỳ nước nào trong một phần tư thế kỷ vừa qua. Nga đã soán ngôi cường quốc xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới của Mỹ năm 2016, và một lần nữa đả bại Mỹ năm 2018.
Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng của Nga là một trong những điểm áp lực đe dọa nền nông nghiệp Mỹ vốn đang đối diện với làn sóng lớn hơn bao giờ hết trong việc đóng cửa các nông trại ở Mỹ kể từ những năm 1980. Một nạn cung mãn ngũ cốc toàn cầu đã đẩy giá xuống còn khoảng một nửa so với năm 2012, khi giá đạt đỉnh, khiến cho khó có thể chuyển lợi nhuận thành đô la.
Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cùng các nước khác có thể khiến lúa mì Nga thậm chí còn hấp dẫn hơn, nếu như những nước mua lớn trả đũa thuế quan đối với ngũ cốc của Mỹ. Trung Quốc đã áp 25% thuế lên lúa mì Mỹ, nhưng các hạn chế nhập khẩu từ Nga của Trung Quốc còn chưa cho Moscow tận dụng lợi thế, theo Swithun Still, giám đốc Commodities SA đóng trụ sở tại Thụy Sĩ, đang buôn ngũ cốc Nga.
Hiện tại, “không phải là chiến tranh thương mại mà là kinh tế học” đang giúp cho lúa mì Nga cạnh tranh, thậm chí ở những nơi ở sát bên Mỹ như Mexico, ông Still nói. “Ngũ cốc Nga vừa tốt hơn vừa rẻ hơn.”
Nhà nông Nga càng được mùa khi thu nhập từ xuất khẩu chuyển đổi thành đồng rúp. Kể từ khi đồng tiền Nga mất giá, một đô la hiện nay chuyển đổi thành gấp hai lần đồng rúp so với năm 2014. Nga có một lợi thế tương tự đối với đồng euro và các đồng tiền khác. Nhà nông Nga có thể trang trải chi phí tại nhà để tiếp tục canh tác, và cũng là đối thủ cạnh tranh của phương Tây về giá cả.
Sự trổi dậy về xuất khẩu nông nghiệp của Nga, trong đó có ngũ cốc, các và thịt, là một phần trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế khỏi dầu thô. Dầu và khí đã từng là nguồn của một nửa tiền thu ngân sách liên bang. Với giá dầu giảm 25% so với giá hồi năm 2014 – đang phục hồi hơn 60% – xuất khẩu chỉ còn chiếm 40% ngân sách.
“Với giá dầu giảm, ngũ cốc đã đi đầu. Ngũ cốc là dầu của chúng tôi,” cựu bộ trưởng nông nghiệp Aleksandr Tkachev nói vào năm 2016.
Lúa mì giá rẻ của Nga đang đẩy ngũ cốc Mỹ và châu Âu ra khỏi các nước phụ thuộc nhập khẩu ở Trung Đông và Bắc Phi, nơi Kremlin đã đẩy mạnh ảnh hưởng về mặt quân sự và ngoại giao trong mấy năm gần đây.
Xuất khẩu nông nghiệp đạt 20,7 tỷ USD năm 2017, vượt qua cả ngành vũ khí vốn là ngành thu đứng thứ hai của Nga. Lúa mì chiếm khoảng ¼ tổng số.
Nga thu hoạch một diện tích lúa mì gần gấp đôi Mỹ trong năm kết thúc thời vụ vào tháng 6, theo bộ Nông nghiệp Mỹ. Nhà nông mỹ thấy ít cơ hội sinh lợi, canh tác vùng lúa mì nhỏ nhất từ khi được ghi chép cách đây một thế kỷ. Sản lượng lúa mì Mỹ giảm 25% trong năm.
Nông trại của nhà nông Mishurov nằm trên một thảo nguyên màu mỡ ở phía nam nước Nga. Khu vực này là nơi sản xuất ngũ cốc lớn nhất của nước này – một rổ bánh mì nổi tiếng với đất đen giàu khoáng và khí hậu ôn hòa.
Năm nay đã 46, ông đã dành tuổi thanh niên và những năm đầu tuổi 20 lái một chiếc máy kéo rệu rã phải duy tu động cơ hàng năm và khiến cho đôi bàn tay chai sần. nạn thiếu tiền có nghĩa là công nhân được trả lương bằng các bao bột mì, lúa mì hoặc đường, và chuyện chè chén trở nên phổ biến.
Đầu thế kỷ 20, Nga đã từng là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Nhưng sau đó tình hình sản xuất ở các nông trang tập thể không hiệu quả. Vào những năm 1970, Liên Xô phải nhập khẩu ngũ cốc.
Các nông trang tập thể sa sút sau khi Liên Xô không còn nữa vào năm 1991, thường được quản lý bởi những người chủ cũ không có kỹ năng kinh doanh và thiếu tiền đầu tư.
“Không ai chịu trách nhiệm,” ông Mishurov nói. “Họ không thể thích nghi với nền kinh tế thị trường. Họ chỉ quen làm theo chỉ thị.”
Nông trang viên làm việc chỉ để “hết thời gian trong ngày cho tới lúc về nhà,” Andrei Burdin, một nhà nông ở làng bên cạnh canh tác phần đất một thời là một phần của nông trang tập thể “Bình minh của chủ nghĩa Cộng sản”. “Canh tác đã đi vào đường cùng.”
Nga bỏ ngỏ thị trường đất vào cuối những năm 1990, nhưng các nhà đầu tư mới và các nhà quản lý có xu hướng xa rời đất và không thích rủi ro, các nông dân cho biết.
Nhà nông Mishurov làm việc như một nhà nông học tại một tập đoàn trồng trọt, nhớ lại là mình đã nói với một giám đốc điều hành vào đầu những năm 2000 rằng sử dụng thuốc trừ sâu có thể tăng sản lượng lúa mạch lên khoảng ¼.
“Không, Vova, đã đủ rồi,” vị giám đốc trả lời. “Tại sao tôi phải thuyết phục ai đó kiếm thêm tiền?” ông Mishurov nói.
Ông tự mình ra riêng vào giữa năm 2000. Lúc đầu, ông ghép đất với những người bà con và dùng bất kỳ thiết thiết bị gì mà ông có thể mó tới. Hiện nay, ông trồng lúa mì, lúa mạch, củ cải, bắp, hoa hướng dương, đậu Hà Lan và các loại cây trồng khác.
Burdin, 43, bắt đầu canh tác khoảng 101ha vào năm 2005 với một máy kéo và máy trồng cà xịch cà đụi. Ông đầu tư các khoản lợi ban đầu vào các chiếc xe hiệu quả hơn và phân bón tốt hơn, và mở rộng nông trại bằng đất thuê từ hàng xóm.
“Khi chúng tôi kiếm được những đồng tiền đầu tiên, tôi không mua một chiếc Mercedes hoặc một căn hộ,” ông nói. “Tôi dùng tiền đầu tư vào vụ tới.”
Lúc đầu, ông mua thiết bị Nga, nhưng sau đó nâng cấp lên bằng những máy kéo John Deere và máy liên hợp, mà người Nga gọi là zelyonaya tekhnika, hoặc “máy xanh.” Nhà nông Burdin cho biết ông thử kết hợp máy John Deere với một máy Nga và thấy rằng nó tăng được năng suất lên khoảng 1/3 tại cùng một vùng.
Ông cũng mua thêm một máy trồng Vaderstad AB của Thụy Điển để bắn hạt vào đất ở độ sâu và khoảng cách tối ưu, cải thiện năng suất. Hiện nay ông canh tác khoảng 1.500ha.
Hồi tháng tư, khi gieo giống bằng máy trồng, nhà nông Burdin đùa với các tá điền về thiết bị của những ngày xưa. Ông nhớ lại từng làm việc với bình phun thuốc trừ sâu làm ông ướt đẫm vì hóa chất. Ông nói ông chỉ có thể làm việc khoảng bốn giờ mỗi lần trước khi nghĩ vì sợ ảnh hưởng sức khỏe. Hiện nay máy phun thuốc của ông có thể đo bao nhiêu thuốc phải phun và phun ở đâu, nhờ vậy mà chi phí giảm.
Giá đất trong vùng mà các ông Mishurov và Burdin sống tương đối thấp hơn nhiều đối với các đối thủ nước ngoài. Bình quân, đất trồng trọt ở Romania, một thành viên EU trên Biển Đen, gần gấp ba lần, trong khi đất trồng trọt ở Iowa và Kansas gấp hơn năm lần, theo khảo sát năm 2017 của SovEcon, cơ quan đóng trụ sở ở Moscow chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn, phân tích và dự báo về nông nghiệp Nga.
Ông Burdin cho rằng giống và phân Nga còn rẻ hơn các nhãn hàng phương Tây, mặc dầu chúng đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Ông mua giống lúa mì từ một viên nông nghiệp nhà nước, và có thể trồng những hạt giống được sản xuất từ các loại cây trồng đó trong mùa tới. Nhiều nhà nông Mỹ sử dụng các loại giống đắt tiền, năng suất cao, có patăng từ các công ty như Bayer AG hoặc DowDupont, vốn không cho lấy hạt mùa trước làm giống mùa sau, buộc nhà nông mua các loại giống mới hàng năm.
Chi phí vận chuyển trong vùng cũng thấp. Nông sản gần cảng Biển Đen và giá xăng dầu thấp hơn nhiều so với bên Tây Âu. Ông Burdin và ông Mishurov tự vận chuyển bằng đội xe riêng đưa ngũ cốc đến cảng Novorossiysk cách khoảng 320km.
Các công ty tư nhân và nhà nước đã hiện đại hóa các bến ngũ cốc trong những năm gần đây và tăng công suất. Nông gia có thể sử dụng một ứng dụng trên smartphone để đặt xe tải vận chuyển ngũ cốc thay vì hệ thống xe tải cũ phải xếp hàng chờ mất nhiều ngày.
Bội thu đang làm căng thẳng cơ sở hạ tầng. Việc thuê xe bốc dỡ ngũ cốc quá tải, và nông gia thường được giao trễ một vài ngày sau thời gian yêu cầu, ông Burdin cho hay.
Xuất khẩu “thậm chí có thể cao hơn nữa nếu họ tìm ra cách để tải nhiều hơn,” ông nói. Nga xem đó là một ưu tiên. Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh cho các quan chức giải quyết các nghẽn cổ chai hạ tầng gây phương hại cho xuất khẩu. Các vùng nội địa xa, các khoảng cách lớn và thiếu xe goòng và xi lô cản trở ngũ cốc được đưa ra thị trường bên ngoài.
Một trong những bến cảng lớn nhất ở Novorossiysk đang hoàn thành hiện đại hóa năm nay sau ba năm khởi công sẽ tăng gấp đôi công suất. Các công ty khác công bố kế hoạch xây dựng hoặc mở rộng các bến cảng trên Biển Đen, Biển Baltic ở phía bắc và ở viễn đông. Các quan chức cho biết việc mở rộng tại các cảng có thể tăng khả năng xuất khẩu ngũ cốc lên 50% – đến 7,5 triệu tấn mỗi tháng vào năm 2020.
Các quan chức chính phủ đánh giá cao tầm quan trọng của trợ cấp nhà nước, bao gồm các khoản vay rẻ tiền để giúp nhà nông thay thế thiết bị cũ. Các nhà phân tích và nông gia cho rằng nỗ lực hỗ trợ nông nghiệp của nhà nước đã có và thiếu. Các khoản trợ cấp thường đến với các công ty kết nối tốt, đầu tư cơ sở hạ tầng chậm và quan liêu và các quan chức thường trông đợi hối lộ.
“Nhà nông được tự do kinh doanh theo cách mà họ cho là hiệu quả nhất,” Andrei Sizov Jr., giám đốc điều hành SovEcon, nói. “Vai trò của nhà nước khá im lìm trong suốt mười năm qua, và điều đó tốt cho ngành.”
Các công ty nông nghiệp khổng lồ, các tập đoàn thường được các tỷ phú hoặc những người thân cận với giới chóp bu liên bang và vùng tạo dựng ra, đã mở rộng đất đai còn hơn các nông trại phương tây. Các nông trại cá thể lớn hơn 100.000ha chiếm khoảng 13% tổng diện tích trồng trọt ở Nga, theo ông Sizov.
Nhà nông Mishurov hiện nay đủ khả năng để sưu tập và khôi phục một nửa tá xe Xô Viết cổ điển và đi nghĩ ở Maldives và Thái Lan, mặc dầu ông cho biết ông thích ở nhà hơn.
Những ngôi làng nghèo ở đây tùy thuộc vào sự hào phóng của những nhà nông giàu hơn. Ông Mishurov sử dụng mười tá điền, ba bảo vệ và một đầu bếp lo chuyện nấu ăn cho người làm. “Như thế đã là nhiều đối với diện tích của chúng tôi. Nhưng chúng tôi cố gắng giữ công ăn việc làm cho làng,” ông nói.
Trần Bích(theo WSJ)