Năm 2025 sẽ số hóa toàn bộ dữ liệu tài chính công

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 21:40, 26/09/2018

Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái tài chính số.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đưa ra tại hội thảo - triển lãm Vietnam Finance 2018 dộ Bộ Tài chính tổ chức ngày 26.9. Với chủ đề “Chuyển đổi số trong ngành Tài chính”, Vietnam Finance 2018 đã giới thiệu về lộ trình đầu tư, lộ trình thực hiện công tác chuyển đổi số ngành yài chính, cũng như trao đổi kinh nghiệm, phương hướng áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong nước và quốc tế giúp tăng cường hiệu quả, minh bạch trong quản lý tài chính, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ đắc lực cho nền kinh tế số.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu khai mạc Vietnam Finance 2018

Thứ trưởng Vũ Thị Mai đánh giá Chính phủ trên toàn cầu đang nhận ra tầm quan trọng của Chính phủ số, bước phát triển cao hơn sau Chính phủ điện tử. Chính phủ số đầu tư vào các công nghệ mới thời kỳ cách mạng công nghiệp4.0 để hợp lý hóa hoặc loại bỏ các quy trình, từ đó cho phép Chính phủ có khả năng đổi mới công tác quản lý và dịch vụ công, mang lại tính hiệu quả, hiệu lực cao hơn cho Chính phủ.

"Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái tài chính số. Ngành tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức", Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định.

Từ định hướng trên, Bộ Tài chính xác định năm 2018 là năm khởi đầu, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số ngành tài chính trong một chương trình, mục tiêu dài hạn. Theo đó, từ đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin toàn ngành tài chính nhằm tiếp cận một cách nhanh nhất với cách mạng công nghiệp 4.0 như: Áp dụng công nghệ ảo hóa máy chủ nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư phần cứng; triển khai công nghệ phân tích dữ liệu lớn; bước đầu ứng dụng công nghệ mạng xã hội, công nghệ di động trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thuế điện tử, hải quan điện tử, hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, hệ thống một cửa quốc gia hải quan ASEAN… Ngành tài chính đã bước đầu tiếp cận với giai đoạn phát triển đầu tiên của Chính phủ số, đó là giai đoạn xây dựng Chính phủ điện tử và Tài chính điện tử.

Để ngành tài chính thực hiện chuyển đổi số thành công, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho rằng cần phải làm rõ được các yêu cầu về nghiệp vụ gắn với giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, định hướng đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Tài chính trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như xu hướng ứng dụng công nghệ 4.0 trên thế giới và bài học kinh nghiệm của các nước…

Tại Vietnam Finance 2018, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Thành Hưng cũng cho biết, những gì Việt Nam cần phải hành động để chuẩn bị và chủ động thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 chính là quá trình chuyển đổi số, hay nói cách khác, tiến hành tốt việc chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam chủ động và thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 hướng tới một quốc gia số hay quốc gia thông minh. Chuyển đổi số phải được coi là sự phát triển về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất, cụ thể trong kinh doanh, đó là sự thay đổi về mô hình kinh doanh chứ không chỉ là thúc đẩy sản xuất hay mở rộng phạm vi kinh doanh.

Tuyết Nhung

tuyetnhung