Bác thông tin dịch tả lợn châu Phi đã vào Việt Nam

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:38, 30/09/2018

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ NN-PTNN, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã bác thông tin này và cho rằng không có chuyện dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại một trang trại lợn tại Nam Định.

Cụ thể, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, sau khi có thông tin về virus lạ, nghi là dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Nam Định, Bộ đã yêu cầu tiến hành lấy mẫu trên 3 con lợn bị bệnh và mang đi kiểm nghiệm bằng các phương pháp hiện đại nhất thế giới hiện nay. Kết quả kiểm nghiệm tại 4 đơn vị đều cho thấy các mẫu kiểm tra âm tính với virus dịch tả châu Phi.

“Nguyên nhân chính gây ra bệnh cho lợn là tai xanh và tiêu chảy. Tôi khẳng định, đến giờ này Việt Nam chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi”, Thứ trưởng xác nhận.

Mặc dù dịch bệnh chưa lan sang Việt Nam, song lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho hay đang hết sức đề cao cảnh giác. Hiện nay, bệnh này chưa có thuốc đặc trị và có dấu hiệu lan rộng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là ngay tại Trung Quốc, trong đó có các tỉnh tiếp giáp với Lạng Sơn.

Chính vì vậy, giải pháp tốt nhất của Việt Nam lúc này là phòng bệnh. Tất cả các khu vực có nghi ngờ xuất hiện dịch bệnh, Bộ NN-PTNT đều yêu cầu kiểm nghiệm. Bộ cũng đã yêu cầu ngừng nhập khẩu thịt lợn của một số nước xuất hiện dịch bệnh. Hiện tại, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ khu vực biên giới, cửa khẩu ở cả ba tuyến: đường bộ, đường biển, đường hàng không.

Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10.9.2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP - bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người), với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 500.000 con.

Cũng theo OIE và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), từ đầu tháng 8.2018 đến ngày 9.9.2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang) với tổng số hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Nguy cơ bệnh DTLCP từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có chăn nuôi lợn với số lượng lớn là rất cao.

Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín (như đã được phát hiện tại sân bay đến của Hàn Quốc) cũng có thể đưa vi rút bệnh DTLCP xâm nhiễm vào Việt Nam.

Trước tình hình nêu trên, để chủ động phòng, chống, ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhiễm vào nước ta, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp phòng dịch.

Đó là nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới; Tổ chức triển khai tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn…

Trường hợp đàn lợn nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì cần lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh.

Lam Thanh

Trí Lâm