Trung Quốc và câu chuyện tiền thách cưới đắt đỏ
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:10, 01/10/2018
Cụ thể, ở Da’anliu, một làng nông nghiệp nhỏ bên ngoài Bắc Kinh, tiền thách cưới, hay còn gọi là lễ nạp tài – khoản phí mà gia đình chú rể trả trước cho cô dâu trước đám cưới của họ – gần đây đã vượt mốc 30.000 đôla Mỹ (USD), tương ứng khoảng hơn 660 triệu đồng. Đây là khoản chi cực kỳ cao cho một ngôi làng nơi thu nhập trung bình là 2.900 USD mỗi năm. Trước tình trạng này, mùa hè năm nay, các quan chức địa phương ra yêu cầu rằng tiền thách cưới và các chi phí đám cưới liên quan không được vượt quá 2.900 USD. Nếu ai vi phạm sẽ bị coi là kẻ buôn người.
Các biện pháp hành chính quan chức ngôi làng Da’anliu thực hiện nhanh chóng lan truyền ở Trung Quốc và gần đây được các phương tiện truyền thông nước ngoài đưa tin. Câu chuyện tiền thách cưới vượt quá mức kiểm soát càng làm cho người dân và quan chức Trung Quốc thêm lo lắng về tỷ lệ kết hôn và sinh con ngày càng giảm ở quốc gia này. Không ở đâu nỗi lo sợ lớn như ở khu vực nông thôn, nơi có hàng triệu người độc thân do không cưới được vợ. Trong bối cảnh như vậy, tiền thách cưới cao và những người phụ nữ đưa ra mức thách cao như vậy dễ dàng trở thành đối tượng bị đem ra đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng hôn nhân ở đất nước đông dân nhất thế giới.
Tuy vậy, sự thật phức tạp hơn. Cần hiểu, tiền thách cưới đã tồn tại ở Trung Quốc từ xa xưa nơi khi hôn nhân có mặt. Theo truyền thống, các gia đình giàu có sẽ trao những khoản tiền lớn như một một dấu hiệu của uy tín; và thường thì số tiền này được trả lại cho gia đình chú rể, hoặc cho cặp vợ chồng dưới dạng của cải cho cho gia đình mới. Đối với các gia đình có thu nhập thấp hơn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, tiền thách cưới được xem như khoản đền bù cho sự phục vụ trong tương lai của cô dâu đối với gia đình nhà chồng và không được hoàn trả dưới bất kỳ hình thức có ý nghĩa nào. Xét một cách tương đối, tiền thách cưới ở nông thông thường cao hơn so với thành thị.
Sự biến động chính trị, văn hóa và kinh tế dưới thời Mao Trạch Đông trong nhiều thập kỷ đã phá hủy phần lớn nền văn hóa truyền thống của Trung Quốc, nhưng tiền thách cưới vẫn tồn tại. Không những vậy, thời nay, người dân ở vùng nông thôn Trung Quốc còn phàn nàn về tình trạng lạm phát tiền thách cưới, tương tự như đã từng xảy ra trong những năm 1980. Vào năm 2013, China Vanke Co. Ltd., một nhà phát triển bất động sản lớn của Trung Quốc, và SINA Corp., nhà phát triển mạng xã hội Sina Weibo, đã tạo ra một bản đồ quốc gia về tiền thách cưới và bản đồ này nhanh chóng được làm truyền trực tuyến.
Lập gia đình luôn là một cột mốc quan trọng trong đời người. Và ai lập gia đình, hẳn đều quan tâm đến tiền thách cưới. Bởi vậy, không lạ khi ngày nay, những câu chuyện, tin tức, blog và các bài đăng trên mạng xã hội về tiền thách cưới và những chủ đề liên quan luôn là một phần không thể hiếu của Internet Trung Quốc. Tiền thách cưới lên đến hàng trăm nghìn đôla không phải là hiếm, thậm chí còn cao hơn với những gia đình giàu có.
Đâu là nguyên nhân của vấn đề trên? Yếu tố dễ thấy là chính sách một con cùng truyền thống trọng nam hơn nữ đã làm cho mất cân bằng giới tính của trẻ sơ sinh ngày càng tăng. Ở vùng nông thôn của Trung Quốc, nơi được gọi là “những ngôi làng độc thân”, tỷ lệ bé trai: bé gái tương ứng là 150: 100. Ít nhất về mặt lý thuyết, nam nhiều, nữ ít càng làm tăng giá trị của người phụ nữ trong hôn nhân.
Bên cạnh đó, cuộc cải cách kinh tế bắt đầu vào những năm 1970 cho phép hàng triệu phụ nữ rời vùng nông thôn và thoát khỏi các cuộc hôn nhân mà họ được kỳ vọng sẽ phục vụ cho gia đình nhà chồng. Một số di cư sang làm việc cho các nhà máy ven biển đang bùng nổ của Trung Quốc. Một số thậm chí đã chọn di cư để kết hôn, thường là đến những vùng giàu có với triển vọng kinh tế tốt hơn và giấy phép cư trú khó khăn để giúp gia đình họ có được nền tảng giáo dục và những dịch vụ đô thị khác tốt hơn.
Làn sóng di chuyển xã hội nêu trên đến vào thời điểm không thích hợp cho các gia đình nông thôn. Việc tháo dỡ mạng lưới an toàn xã hội của Trung Quốc bắt đầu vào những năm 1980 và đẩy phần lớn dân số nông thôn Trung Quốc không có lương hưu. Ở một chừng mực nhất định, đây không phải là thay đổi lớn. Theo truyền thống Trung Quốc, một gia đình thường giữ lạ một người con trai để lo cho gia tộc. Và khi người này lấy vợ, nàng dâu sẽ chuyển về sống cùng với nhà chồng. Khi cô gái về nhà chồng, cha mẹ cô mất một người phụng dưỡng. Và điều này, một cách tự nhiên, làm không ít gia đình xem tiền thách cưới thực chất như một khoản lương hưu.
Quay lại câu chuyện của làng Da’anliu nêu trên. Liệu giải pháp hành chính mà chính quyền đưa ra sẽ phát huy tác dụng? Theo Adam Minter, tác giả bài viết này trên trangBloomberg, giải pháp của chính quyền sẽ tạo ra tác dụng ngược; đồng thời thúc đẩy các giao dịch ngầm. Và khi giao dịch ngầm diễn ra, tiền thách cưới có thể sẽ còn cao hơn do bao gồm thêm cả các khoản phí rủi ro khác.
Đối với Da’anliu và các thị trấn khác vốn đang lo lắng về cách giải quyết vấn nạn tỷ lệ kết hôn giảm, lựa chọn tốt hơn là để chính quyền trung ương giải quyết các nguyên nhân cơ bản thúc đẩy chi phí tăng cao. Một khởi đầu tốt sẽ là một luật đảm bảo quyền người phụ nữ về tài sản hôn nhân trong trường hợp ly dị. Luật pháp hiện tại của Trung Quốc không đưa ra quy định như vậy, và do đó không khuyến khích kết hôn, mặt khác, thúc đẩy tiền thách cưới cao hơn.
Tiếp theo, Trung Quốc cần cải cách hệ thống đăng ký hộ khẩu cổ xưa của mình để những lợi ích hợp lý từ kinh tế – chứ không phải là lợi ích thu được từ hôn nhân – thúc đẩy tính di động xã hội. Cuối cùng, cần có nỗ lực phối hợp toàn quốc để thu hẹp khoảng cách rộng lớn giữa giáo dục nông thôn và thành thị. Điều này giúp phụ nữ yên tâm ở gần nhà hơn. Nếu Trung Quốc muốn giảm chi phí đám cưới ở nông thôn, điều đầu tiên quốc gia này cần làm là giúp cho việc kết hôn dễ dàng hơn.
Đức Tâm(theo Bloomberg)