Người được lấy phiếu tín nhiệm phải tự đánh giá có ‘tự diễn biến’ hay không
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:16, 01/10/2018
Người lấy phiếu tín nhiệm phải tự đánh giá
Theo đó, UBTVQH đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, chủ động của Ban Công tác đại biểu trong việc chuẩn bị hồ sơ các văn bản, tài liệu liên quan đến việc tổ chức triển khai lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 và các dự thảo văn bản hướng dẫn Hội đồng nhân dân về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu.
UBTVQH thống nhất, về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, giao Ban Công tác đại biểu có văn bản đề nghị người được lấy phiếu tín nhiệm chuẩn bị các văn bản theo quy định tại Nghị quyết 85/2014/QH13, gửi kèm theo mẫu.
Về báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm cần phải nêu thời gian báo cáo, tính từ thời điểm được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nội dung báo cáo phải súc tích, đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết 85/2014/QH13; có độ dài từ 4-5 trang, đánh máy và in trên giấy khổ A4.
Báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm cần bổ sung nội dung tự đánh giá, kiểm điểm về việc có hay không những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương (khóa 12).
Đồng thời, tự đánh giá, kiểm điểm về việcthực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24.11.2017 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Về kê khai tài sản, thu nhập, thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 của Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17.7.2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập và Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31.10.2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.
Thời điểm trình Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm vàođầu kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa14.
Đối với người đồng thời giữ nhiều chức vụ thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với chức vụ cao nhất.
Bên cạnh đó, UBTVQH nhất trí ban hành văn bản Hướng dẫn việc lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 để giúp Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố chuẩn bị chu đáo việc tổ chức triển khai lấy phiếu tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2018.
Giao Ban Công tác đại biểu tiếp tục rà soát các văn bản hướng dẫn liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, các ý kiến tại Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các khu vực, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn, đồng thời chuẩn bị bộ tài liệu các văn bản về việc thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm trên cơ sở kinh nghiệm các lần lấy phiếu tín nhiệm trước đây để gửi tới Hội đồng nhân dân tham khảo.
Chưa trình dự luật đặc khu
UBTVQH cơ bản thống nhất với Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, đồng thời, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp cho phù hợp.
Trong đó chú ý một số vấn đề như chưa trình dự án Luật Đơn vị hành chính -kinh tế đặc biệt để có thêm thời gian tiếp tục hoàn thiện. Rút 2 nội dung: dự án Luật Hành chính công; Báo cáo Kiểm toán quỹ bảo hiểm xã hội. Bổ sung dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trình Quốc hội cho ý kiến.
Bố trí Quốc hội thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018 (có truyền hình, phát thanh trực tiếp); thảo luận việc thực hiện Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, các công trình trọng điểm quốc gia cùng với các vấn đề về kinh tế - xã hội.
Không trình bày dự thảo nghị quyết trước khi biểu quyết thông qua (trừ nghị quyết chung của kỳ họp). Tiếp tục duy trì một số cải tiến về cách thức tiến hành kỳ họp như thông lệ. Thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian trình bày báo cáo, tờ trình tại hội trường. Bảo đảm sự cân đối giữa ưu điểm và hạn chế được đề cập trong báo cáo tóm tắt trình bày tại hội trường.
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu để có báo cáo chuyên đề hoặc thuyết trình về những vấn đề quan tâm; đồng thời, kết hợp thảo luận cùng với nội dung về kinh tế - xã hội.
Có văn bản yêu cầu các cơ quan cân nhắc, lựa chọn những nội dung thật cần thiết để đóng dấu mật và thể hiện thành tài liệu riêng.
Đối với nội dung về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đề nghị Ủy ban về các vấn đề Xã hội có văn bản chính thức trả lời Chính phủ.
Trên cơ sở một số cải tiến đã áp dụng trong thời gian vừa qua, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiến hành tổng hợp, tiếp tục nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội; khắc phục có hiệu quả các sự cố kỹ thuật, âm thanh tại hội trường.
Sau khi tiếp thu ý kiến tại phiên họp để chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội gửi xin ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội; đồng thời, tiếp tục phối hợp đôn đốc chuẩn bị nội dung và các điều kiện bảo đảm để phục vụ tốt kỳ họp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 28 (tháng 10.2018).
Lam Thanh