Khuyến cáo về ‘chất nhờn ma quái’ mà nhiều học sinh mê thích
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:58, 05/10/2018
Liên tiếp ngộ độc vì đồ chơi “chất nhờn ma quái”
Cô Nguyễn Thanh Nữ, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Tân (xã Bình Tân, H.Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) cho biết sức khỏe của những em học sinh bị ngộ độc, dị ứng với đồ chơi “chất nhờn ma quái” đã ổn định và các em đã đi học bình thường trở lại.
Trước đó trong 2 ngày 13.9 và 18.9, tại trường này đã có 38 học sinh của các lớp 6/1, 6/2 và 8/2 bị choáng, nhức đầu, buồn nôn, mệt, mặt mũi nhợt nhạt. Tất cả các học sinh đều được đưa đến Trạm y tế xã Bình Tân cấp cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện đa khoa khu vực Gò Công (TX.Gò Công, tỉnh Tiền Giang) điều trị.
Điều đáng chú ý là trong 38 học sinh bị ngộ độc ngày 18.9 có 16 em của các lớp 6/1 và 6/2 đã bị ngộ độc lần 1 vào ngày 13.9. Cô Nữ cho biết, sau khi xảy ra vụ 19 học sinh bị ngộ độc lần thứ 2 vào ngày 18.9 thì Trung tâm Y tế H.Gò Công Tây phối hợp với UBND và Trạm y tế xã Bình Tân xuống trường kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân gây ngộ độc tập thể đối với học sinh.
Lúc này giáo viên các khối lớp 6 đến 9 đều nói có ngửi thấy mùi thuốc trừ sâu từ bên ngoài hắt vào trường. Nhưng trong quá trình điều tra dịch tễ tại trường thì các cán bộ y tế không phát hiện mùi thuốc trừ sâu. Vì vậy đoàn kiểm tra đưa ra nhận định: các em học sinh bị ngộ độc với hiện tượng nhạy cảm hóa chất không rõ nguồn gốc, không có dấu hiệu của các triệu chứng ngộ độc thực phẩm.
Trường THCS Bình Tân, nơi xảy ra liên tiếp 2 vụ ngộ độc “chất nhờn ma quái”- Ảnh: Thanh Anh
“Ngay sau khi có kết luận của đoàn kiểm tra y tế, tôi và các giáo viên cố gắng tâm tình, gặng hỏi các học sinh bi ngộ độc xem buổi sáng trước khi vào trường thì các em có sử dụng thức ăn gì lạ hay không? Cuối cùng các em khai thật, không có em nào sử dụng thức ăn lạ mà chỉ mua món đồ chơi làm bằng chất dẻo mà các em hay gọi là “chất nhờn ma quái” do những người lạ mặt bán trước cổng trường, đem vào trường chơi thì sau đó bị dị ứng”, cô Nữ kể. Sau khi có được thông tin từ các học sinh, Ban giám hiệu Trường THCS Bình Tân lập tức thông báo sự việc đến UBND xã, Phòng GD&ĐT và ngành Y tế H.Gò Công Tây.
Và những ngày qua, những người lạ mặt bán “chất nhờn ma quái” cho học sinh đã biến mất, sau khi nghe được thông tin hàng loạt học sinh Trường THCS Bình Tân bị ngộ độc do sử dụng chất này. Theo cô Ngô Thị Kim Hương, Trưởng Phòng GD&ĐT H.Gò Công Tây, Phòng đã phối hợp với ngành y tế huyện khuyến cáo các trường học, phụ huynh học sinh và học sinh phải hết sức cẩn trọng, không sử dụng những đồ chơi lạ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, bày bán trôi nổi trước cổng trường học.
Khuyến cáo kinh hãi
Theo khảo sát của PV, lâu nay đồ chơi bằng chất dẻo có tên gọi “chất nhờn ma quái” hay còn gọi là “xà lam” xuất phát từ tên gọi Slime được các học sinh ở nhiều địa phương, đặc biệt là học sinh cấp tiểu học và THCS rất ưa thích, do có nhiều màu sắc bắt mắt và có thể sử dụng để chế tác thành nhiều hình thù theo ý thích của người chơi. Tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), nhiều học sinh tiểu học thường mua “chất nhờn ma quái” từ các người bán hàng rong trước cổng trường. Và nhiều học sinh THCS còn tự mua nguyên liệu về chế biến thành “chất nhờn ma quái” để chơi.
Em P.T.A., học sinh lớp 7 của 1 trường THCS trên địa bàn P.1, TP.Mỹ Tho, kể: “Trước đây con và các bạn hay mua “xà lam” của những người bán hàng rong trước cổng trường, giá từ 20.000 - 50.000 đồng/bịch. Nhưng sau đó tụi con bị nổi mẩn, ngứa, nên không mua của hàng rong nữa. Con và mấy bạn lên mạng tìm hiểu, rồi tự mua bột, keo, các loại màu nước, kem đánh răng… về chế ra “chất nhờn ma quái” để chơi, thấy an toàn hơn, nên bạn này chỉ dẫn cho bạn kia tự chế tạo”.
Võ Quốc, 1 người có thâm niên buôn bán hóa chất, cảnh báo: “xà lam” trôi nổi hết sức nguy hiểm! Theo lời Quốc, trước khi xảy ra vụ việc nhiều học sinh ở Gò Công Tây bị ngộ độc, dị ứng với “chất nhờn ma quái” thì có thông tin nhiều trẻ em ở các địa phương đã bị ngộ độc với loại đồ chơi này. Quốc cho biết, “xà lam” có độ dẻo, đàn hồi tốt của cao su nhưng lại mềm như nước, nên trẻ em rất ưa thích khi dùng để tạo hình, nặn đồ vật theo ý muốn.
Chất “xà lam” tự làm- Ảnh: báo Thanh Niên
Nếu “xà lam” được chế tạo từ những chất tự nhiên như bột thực phẩm, hồ dán, kem đánh răng, màu thực phẩm… thì sẽ an toàn. Đối với các nhà sản xuất đồ chơi trẻ em có uy tín thì họ sử dụng những hóa chất chuẩn, trên hộp đồ chơi có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần cấu tạo rõ ràng, nên sẽ không độc hại, nhưng loại này có giá khá cao, trên 100.000 đồng/hộp.
Còn “xà lam” do những người mua bán hàng rong trước cổng trường bán thì phần lớn do họ tự chế từ kinh nghiệm bản thân hoặc tự chỉ dẫn nhau chế tạo, có giá thành rất rẻ, nên thu hút được nhiều học sinh. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là những người làm “xà lam tự chế” bán rong do hám lợi, thiếu hiểu biết về hóa chất, nên họ thường sử dụng những hóa chất không rõ nguồn gốc và nhiều độc tính vượt mức an toàn, dẫn đến tình trạng người sử dụng bị dị ứng, ngộ độc như các học sinh ở Gò Công Tây.
“Phần lớn người tự chế “xà lam” bán rong thường sử dụng chất hóa học Boron hay hợp chất của nó là Borax với liều lượng rất cao, vì tạo được độ kết dính nhiều hơn. Chính chất này làm cho trẻ em khi sử dụng sẽ bị nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, chuột rút. Ngoài ra các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc và nhiều loại hóa chất khác được trộn vào món đồ chơi này còn có thể gây nguy cơ bị bỏng tay, dị ứng, mẩn ngứa… cho người sử dụng. Điều cần hết sức lưu ý là chất “xà lam” bán trôi nổi có màu càng sáng thì độc tính càng mạnh”, Quốc khẳng định.
Anh Quốc còn cho biết thêm, hiện nay trên thị trường đã xuất hiện các loại “xà lam” làm bằng Natri Hidrocacbonat, Natri Bicacbonat (hay còn gọi là baking soda), có rắc kim tuyến. Đây là loại đồ chơi rất nguy hiểm đối với trẻ em vì baking soda có tính kiềm cao, có đặc tính mài mòn, ăn mòn da, gây ngứa và làm viêm da. Trong khi đó kim tuyến có thể gây tổn thương gan, thận, dễ gây nhiễm trùng miệng, mũi, đường hô hấp khi trẻ dụi mắt, đưa tay lên miệng, mũi.
1 bác sĩ Nhi khoa ở Mỹ Tho đưa ra khuyến cáo: đồ chơi trẻ em bằng chất dẻo với nhiều màu sắc dùng để nhào nặn tạo hình đều có chứa nhiều chất hóa học. Vì vậy sau khi cho trẻ chơi “chất nhờn ma quái” thì các phụ huynh phải buộc trẻ rửa sạch tay trước khi ăn uống. Nếu trẻ chơi đùa với “xà lam” rồi quên rửa tay thì nguy cơ ngộ độc do các loại hóa chất trong món đồ chơi này gây ra sẽ là chuyện khó tránh khỏi.
Thanh Anh