HĐND TP.HCM thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng

Sự kiện - Ngày đăng : 18:21, 08/10/2018

Chiều 8.10, kỳ họp thứ 10 (kỳ họp bất thường) HĐND TP.HCM khoá IX đã chính thức bế mạc. Tại kỳ họp này, HĐND TP.HCM đã xem xét, quyết định và thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng đối với việc phát triển TP.HCM.
          

TP.HCM thông qua 5 tờ trình quan trọng

Tại kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 5 tờ trình của UBND TP.HCM gồm: tờ trình về quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công (đợt 1/2018); việc ban hành quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TP.HCM; kiến nghị phân cấp thẩm quyền quyết định bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn TP.HCM theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31.12.2017 của Chính phủ.

Cùng với đó là thông qua cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn TP.HCM và quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm A (dự án đầu tư xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc, Vũ kịch tại Quận 2).

Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, Nhà hát Giao hưởng, Nhạc, Vũ kịch là một dự án, một thiết chế văn hoá đã được lãnh đạo thành phố các thời kỳ ấp ủ, được đề cập trong nhiều Nghị quyết của Thành ủy.

Do đó, bà Tâm đề nghị UBND TP.HCM, các ngành chức năng khẩn trương triển khai, nghiêm túc, cầu thị lắng nghe ý kiến nhân dân, các chuyên gia, đặc biệt là các nhà quản lý trong ngành văn hoá, nghệ thuật, các văn nghệ sĩ để có một nhà hát xứng tầm của TP.HCM và khu vực. Nhà hát này phải có chất lượng thiết kế, xây dựng tốt nhất, đảm bảo tốt nhất, hợp lý nhất các công năng để mang tầm thế kỷ cả về kỹ thuật và mỹ thuật, thiết kế kiến trúc công trình.

Được biết, công trình này có quy mô 1.700 chỗ, có hai khán phòng gồm khán phòng lớn 1.200 chỗ và khán phòng nhỏ 500 chỗ và được xây dựng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).

Trong khi đó, đối với đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn TP.HCM, bà Tâm đề nghị UBND TP.HCM cần chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, tạo sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh, sự ủng hộ của các doanh nghiệp để có kinh nghiệm, nguồn lực triển khai rộng rãi hơn trong thời gian tới.

Nói rõ hơn về đề án này, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết việc UBND TP.HCM trình thí điểm thực hiện ở 5 huyện ngoại thành là bởi theo điều tra của Bộ Y tế về giám sát dinh dưỡng năm 2015 trẻ em dưới 5 tuổi của toàn TP.HCM thì suy dinh dưỡng thể thấp còi là 64%, thừa cân béo phì là 11%. Trong kết quả điều tra này, Bộ Y tế kết luận tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi ở ngoại thành TP.HCM chiếm tỷ lệ cao hơn nội thành. Cụ thể, nhẹ cân là 4,6% trẻ em ngoại thành so với 3,5% trẻ em nội thành, thấp còi là 7,5% ở ngoại thành so với 5,4% nội thành. Tuy nhiên, với ý kiến góp ý của đại biểu, UBND TP.HCM sẽ chỉ đạo các sở ngành mở rộng ở một số quận huyện dành cho đối tượng học sinh lớp 1.

Các đại biểu đã thông qua 5 tờ trình quan trọng liên quan đến việc triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội

TP.HCM sẽ mời các chuyên gia đầu ngành về làm việc

Phát biểu bế mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị các cấp chính quyền TP.HCM có kế hoạch triển khai đồng bộ các biện pháp để đưa các Nghị quyết vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực, nhất là có giải pháp tạo nguồn để đầu tư, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa nâng cao chất lượng sống nhân dân, với nhiều chương trình, chính sách an sinh xã hội thiết thực.

Theo bà Tâm, chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội và là năm thứ ba trong kế hoạch 5 năm thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Vì vậy, UBND TP.HM cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành tập trung hoàn thành các báo cáo, đề án, tờ trình còn lại đảm bảo chất lượng, kịp thời trình HĐND tại kỳ họp cuối năm 2018 của HĐND TP.HCM để có thời gian triển khai thực hiện.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, nhất là thanh tra công vụ, kịp thời phát hiện những điển hình sáng tạo, làm việc có trách nhiệm, hiệu quả, động viên, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng kịp thời, tạo động lực, niềm tin trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Cạnh đó, UBND TP.HCM cần phát hiện những sai sót, hạn chế để chấn chỉnh, hỗ trợ, giúp đỡ đơn vị, cá nhân khắc phục, làm tốt hơn nhiệm vụ; kiên quyết xử lý nghiêm minh những khuyết điểm, vi phạm đến mức phải xử lý, góp phần tích cực hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế, văn hoá, xã hội năm 2018.

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng nói rằng UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch, chủ động tổ chức nghiên cứu các nội dung, đề án được giao. Đến nay, UBND TP.HCM đã trình và được HĐND TP.HCM thảo luận, thông qua 8 nội dung và tại kỳ họp này là 5 nội dung.

“Trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội, UBND TP.HCM sẽ tập trung triển khai có hiệu quả các Nghị quyết đã được HĐND TP.HCM thông qua, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

TP.HCM sẽ mời chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực theo các chính sách thu hút đã được HĐND TP.HCM thông qua để nghiên cứu, đề xuất tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách mới, vượt trội hơn quy định pháp luật hiện nay và phù hợp với đặc thù của một đô thị đặc biệt mà Nghị quyết 54 đã cho phép để TP.HCM có sự bứt phá trong quá trình phát triển.

Ngoài ra, UBND TP.HCM tiếp tục rà soát tất cả các lĩnh vực để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh các Nghị định, Thông tư theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho TP.HCM chủ động thực hiện các quy trình, thủ tục phù hợp với khả năng và tình hình thực tiễn của thành phố”, ông Phong nói.

Ngoài ra, ông Phong cũng thông tin TP.HCM sẽ chủ động đăng ký làm việc với Chính phủ trong quý 1/2019 để đánh giá sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Nghị cũng như kiến nghị Chính phủ tiếp tục phân cấp, phân quyền cho TP.HCM trên các lĩnh vực. Đồng thời, đề xuất một số vấn đề liên quan đến tài chính, ngân sách theo đúng tinh thần Nghị quyết 54 của Quốc hội, giúp TP.HCM chủ động trong thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước và có thêm nhiều nguồn lực để đầu tư đồng bộ, hiện đại cơ sở hạ tầng, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của nhân dân, thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.

Phan Diệu

   

Phan Diệu