Dự thảo xe công: Sếp DNNN được dùng xe 920 triệu đồng

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:55, 10/10/2018

Các chức danh gồm: thứ trưởng, tổng cục trưởng, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế nhà nước... sẽ được sử dụng xe ô tô với giá tối đa là 920 triệu đồng.

Bộ Tài chính mới đâycông bố, xin ý kiến các đơn vị về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô. Lần này, dự thảo quy định rõ kinh phí, tiêu chuẩn được sử dụng xe công.

Cụ thể, các chức danh sẽ được bố trí xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan, đi công tác với mức giá 920 triệu đồng/xe bao gồm: phó trưởng ban của Đảng ở Trung ương, phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, phó chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội, phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, phó chánh án tòa án nhân dân tối cao, phó tổng kiểm toán nhà nước, thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, thứ trưởng, phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, tổng cục trưởng, phó các đoàn thể Trung ương, bí thư thường trực Trung ương Đoàn và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên.

Ngoài ra, quy định này còn áp dụng cho các chức danh khác như phó bí thưtỉnh ủy, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân, trưởng đoàn đại biểu quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trừ Hà Nội và TP.HCM ), chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế nhà nước do Thủ tướng quyết định thành lập.

Trường hợp các chức danh nêu trên quyết định áp dụng khoán kinh phí thì thực hiện theo quy định khoán. Trong trường hợp này, định mức xeđược xác định như sau: văn phòng bộ, cơ quan trung ương 3 xe ô tô; văn phòng tổng cục 1 xe ô tô; văn phòng UBND, văn phòng HĐND cấp tỉnh 1 xe ô tô; văn phòng các tập đoàn kinh tế 1 xe ô tô. Số xe này tính là xe chức danh với giá 920 triệu đồng để phục vụ chung cho các chức danh lãnh đạo, không tính trong định mức xe phục vụ công tác chung như dự thảo trước đây.

Đối với xe ô tô phục vụ công tác chung, sẽ điều chỉnh giảm định mức sử dụng xe phục vụ công tác chung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, ngoạitrừ các cơ quan, tổ chức, đơn vị đóng tại địa bàn miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung quy định trường hợp các chức danh tự nguyện nhận khoán kinh phí phục vụ đưa đón từ nơi ở đến cơ quan thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, UBND cấp tỉnh, hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế căn cứ tình hình thực tế, phương án nhận khoán và số lượng chức danh nhận khoán kinh phí.

Đây là điểm khác biệt lớn nhất của dự thảo Nghị định ô tô công lần này so với dự thảo được Bộ Tài chính lấy ý kiến vào tháng 6.2017. Có thể thấy, dự thảo lần này đã mở rộng hơn rất nhiều trong việc quy định các chức danh được bố trí xe công đưa đón.

Dự thảo Nghị định cũng mở rộng mô hình khoán xe theo hướng quy định chế độ khoán bắt buộc đối với các chức danh ở các đơn vị dưới cấp sở, cấp cục (như các chi cục, trung tâm...). Đồng thời, quy định phương thức khoán linh hoạt, thuận tiện và giao quyền cho các bộ, ngành, địa phương xem xét, quyết định nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của bộ, ngành, địa phương.

Sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành và có hiệu lực sẽ phát sinh lượng xe ô tô công dôi dư. Dự thảo quy định xe dôi dư được xử lý theo các hình thức xử lý tài sản quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có hình thức bán, thanh lý. Việc bán, thanh lý xe ô tô công chỉ được thực hiện theo phương thức bán đấu giá (không bán chỉ định).

Tuyết Nhung

tuyetnhung