TS Nguyễn Văn Lạng: 'Để xe máy chạy trong nội thành là sai lầm'
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 08:41, 04/06/2016
Trong buổi tiếp xúc riêng với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, TS Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao đổi về những giải pháp cho vấn đề giao thông tại các thành phố lớn. Một trong những giải pháp ông đưa ra là cấm xe trong các khu vực trung tâm thành phố.
Theo tiến sĩ Lạng, vấn đề giao thông tại các thành phố là một bài toán nan giải đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết tối ưu nhất mà chỉ là những cách chữa cháy tạm thời. Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng, phải dựa vào lợi thế địa hình, địa vật để bố trí hệ thống các đô thị, thành phố hay bố trí các cụm cảng, khu công nghiệp để đưa ra một hệ thống hạ tầng giao thông phù hợp.
Hiện nay, Việt Nam chủ yếu dựa trên 4 loại hình giao thông chính là đường bộ, đường thủy, đường sắt và hàng không. Theo nhận định của tiến sĩ Lạng, Việt Nam vẫn còn đang loay hoay chưa chọn được cho mình loại hình giao thông nào là chính. Nếu nói giao thông Việt Nam chủ yếu là đường bộ thì cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được, luôn trong tình trạng quá tải. Trong khi đó, đường thủy, đường sắt vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng và công suất, và đường hàng không thì chưa phổ biến cũng như không phải ai cũng có đièu kiện để sử dụng loại hình này.
Cấm dần xe máy theo kiểu “vết dầu loang”
Ông Lạng cho rằng để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở 2 thành phố lớn hiện nay cần thực hiện việc cấm xe máy trong nội thành TP.HCM và Hà Nội. Làm theo nguyên lý "vết dầu loang", tức là trước mắt chọn một vài phường ở trung tâm thành phố lớn có điều kiện thực hiện và sau đó sẽ mở rộng dần ra các khu vực lân cận. Đây cũng là đề xuất được ông gửi đến ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Hà Nội cho việc chỉnh trang đô thị tại Hà Nội.
Theo ông Lạng, đây là việc làm cần sự quyết liệt nhưng để làm được điều này cần có thời gian, lộ trình và phương tiện giao thông khác thay thế, xây dựng bãi giữ xe quanh khu vực cấm xe, có cơ chế chính sách để thực hiện, cũng như tăng cường các phương tiện di chuyển khác như xe buýt, xe điện, taxi, sau này là tàu điện ngầm...
Theo đó, trong lộ trình thực hiện, chính quyền cần thông báo trước một khoảng thời gian như trước vài tháng đến một năm sẽ cấm hoàn toàn xe máy trên các tuyến đường của vài phường trong vài quận trung tâm. Trong 1 năm đó phải chuẩn bị, sắp đặt các vấn đề về cơ sở hạ tầng, bên cạnh đó, ưu đãi cho các doanh nghiệp trong khu vực cấm xe máy.
Để xe máy lưu thông trong nội thành TP, theo tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, đây là một sai lầm. “Thế giới họ chỉ sử dụng xe máy nhiều ở những vùng quê, chứ không mang phương tiện xe máy vào các đô thị lớn, nếu có thì người ta sử dụng xe chạy điện hơn là xe chạy xăng. Còn ở VN thì ngược lại”, tiến sĩ Lạng chia sẻ.
Ông dẫn chứng: “Một TP có gần 5-7 triệu chiếc xe máy, thậm chí lên đến 10 triệu chiếc thì có mở rộng đường cũng không thể đáp ứng được. Kế đến là vấn đề ô nhiễm từ khí thải. Mặc dù chính phủ đưa ra các vấn đề giải quyết ô nhiễm như sử dụng xăng sinh học thì cũng không giải quyết được bài toán”.
“Hiện nay, người dân đã quen với việc chạy xe máy cho bất cứ việc gì, chỉ một đoạn đường năm bảy trăm mét cũng dùng xe máy. Đó là một nếp sinh hoạt sai, đáng lý phải tạo thói quen đi bộ là chính. Nói đến đi bộ thì cũng nói đến hè phố, lề đường. Ở các nước trên thế giới vì lề đường sạch sẽ, trống trải nên càng thuận tiện cho việc đi lại hơn, còn ở nước chúng ta thì chưa được như vậy, như một vòng luẩn quẩn: xe máy nhiều nên lấn chiếm lề đường để để xe, làm bãi gửi xe, đậu xe máy trước các của hàng… làm mất đi lề đường vốn dành cho việc đi bộ”.
Ông Lạng đưa ra quan điểm: “Tại TP.HCM và Hà Nội nếu người dân vẫn cứ chạy xe máy thì không bao giờ giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông. Trên thế giới cũng có nhiều quy định nhằm hạn chế ùn tắc giao thông ví dụ như xe hơi chỉ một người lái thì không được đi đường ưu tiên. Còn nước mình xe dù một người hay bốn người đều đổ ra đường như nhau. Vấn đề đặt ra là khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, xe chở hết trọng tải, chở đủ số ghế… thì sẽ hạn chế phần nào tình trạng kẹt xe”.
Ông Lạng cũng nhận định “bước đầu chắc chắn sẽ có phản đối, nhưng quyết liệt thực hiện thì dần mọi người sẽ thay đổi tư duy và nếp nghĩ”. Ông cũng đánh giá: “Hiện nay, người ta đang giải quyết bài toán giao thông như cách chữa cháy qua hình thức thổi phạt các lỗi vi phạm… Suy cho cùng vẫn là ý thức người dân chưa cao, vấn đề thực thi pháp luật chưa được thực hiện nghiêm túc, mức xử phạt còn nhẹ dẫn đến việc “nhờn luật”. Khi nào có đợt ra quân xử lý vi phạm giao thông, làm theo kiểu phong trào như tháng an toàn giao thông thì tình hình có vẻ ổn hơn, sau đó thì lại đâu vào đấy”.
Ngành đường sắt đang bị lãng quên cần đánh thức
Phân tích về giao thông tại Việt Nam, theo ông Lạng, nhìn tổng thể phải xác định hệ thống hạ tầng giao thông mang tính quyết định. Đầu tiên phải xem lợi thế của đất nước, địa hình, địa vật và việc bố trí các hệ thống đô thị, bố trí các cụm khu công nghiệp, các cảng hoặc nơi phát triển an sinh xã hội để mà phát triển hệ thống hạ tầng giao thông cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu.
Hệ thống hạ tầng giao thông thể hiện trước hết là nhà ga, bến tàu, bến cảng, hệ thống đường xá, kể cả đường không, đường bộ ,đường sắt… Việt Nam có phát triển nhưng chưa đồng bộ, chưa hoạch định ra chiến lược giao thông. Theo ý kiến của tiến sĩ, Việt Nam nên chọn ra loại hình giao thông nào là chính. Theo nhận định của ông, “tôi có cảm nhận giao thông chủ yếu là đường bộ, xe đạp, xe máy, xe trâu, máy cày, công nông, ô tô tải, ô tô con, container… chủ yếu đang sử dụng đường bộ. Hậu quả, trên 70% số vụ tai nạn giao thông ở VN là từ xe máy”.
Theo tiến sĩ, vận tải hàng hoá hiện nay bỏ qua một phương tiện cực kỳ quan trọng đó là tàu hoả. Đây là một phương tiện di chuyển hàng hoá hữu hiệu nhưng lại bị lãng quên. “Nước mình có hệ thống đường sắt nhưng rất tiếc sau nhiều năm vẫn chưa thể cải tiến, nâng cấp. Đúng ra trên trục quốc lộ Bắc Nam nên mở các nhà ga ở những ngã 3 để nối với các cảng. Như vậy toàn bộ hệ thống hàng hoá để xuất khẩu sẽ có chi phí cực kỳ rẻ, chỉ 1/2 so với chi phí nếu đi đường bộ mà không làm hư hại đường nhiều. Nhìn lại những nguyên nhân gây kẹt xe ngoài quốc lộ là do quá đông phương tiện di chuyển trên đường, trong đó xe container chiếm phần không nhỏ. Bên cạnh đó, hạ tầng không đáp ứng, chi phí thì cao, đó là chưa kể những tiêu cực trên đường. Nếu dùng tàu hoả thì có thể hạn chế được những điều đó”, ông nói.
“Có thể nói 70 - 80% người dân VN chọn phương tiện đường bộ. Đây là điều cần phải lưu ý, đã chọn đường bộ thì vận tải chia làm hai đoạn: vận tải hàng hóa (than, sắt, thép, xi măng...) và tất cả các sản phẩm nông nghiệp, nông sản hầu hết được vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ. Như vậy, với công nghệ kỹ thuật, kể cả việc quản lý chất lượng hệ thống đường như hiện nay là không đáp ứng được nhu cầu dẫn đến tình trạng quá tải”, ông Lạng nhận định.
Tiến sĩ Lạng cũng đã từng gửi thư lên lãnh đạo Thành phố Hà Nội hồi tháng 2 để đưa ra các ý kiến nhằm cải thiện môi trường và giao thông của Thủ đô. Báo điện tử Một Thế Giới xin đăng lại toàn bộ bức thư này.
Thảo Hương