Thành nhà Hồ ‘đệ nhị’ bị lãng quên, 52 tỉ đồng trùng tu vẫn nằm trên giấy

Du lịch - Ngày đăng : 11:23, 16/10/2018

Được phê duyệt trùng tu với kinh phí lên tới 52 tỉ đồng, nhưng 5 năm trôi qua dự án vẫn nằm trên giấy, khiến di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật đền thờ Nguyễn Văn Nghi - được ví như Thành nhà Hồ "đệ nhị" bị lãng quên, xuống cấp.

Khu di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật đền thờ Nguyễn Văn Nghi tọa tạc tại 1 cánh đồng mênh mông lúa tại xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ngôi đền được xây dựng năm 1617 (niên hiệu Hoàng Định thứ 18 đời vua Lê Kính Tông (1600 - 1619).

Đền thờ Nguyễn Văn Nghi ở xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Đây là ngôi đền cổ có niên đại trên 500 năm, được xây dựng chủ yếu bằng gỗ và đá có lối kiến trúc độc đáo bậc nhất cả nước. Ngôi đền còn được ví giống như Thành nhà Hồ "đệ nhị" được xây trên diện tích hơn 26.000 m2 bao gồm 2 vòng thành khép kín thành đất (thành ngoại), thành đá (thành nội), gần giống như di sản thế giới Thành nhà Hồ (thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

Ngoài ra, đền còn có nhóm tượng chầu từ ngoài cổng vào trong như chó, voi, ngựa, tượng hình tướng sĩ, bia đá ghi công trạng, giếng ngọc... được làm bằng đá xanh nguyên khối, tạc khắc theo lối tả thực rất sinh động.

Đền thờ Thái phó Nguyễn Văn Nghi, người có công truyền dạy kiến thức cho hai vị vua Lê Anh Tông và Lê Thế Tông (dưới thời Lê Trung Hưng). Năm 1990, ngôi đền được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia.

Trải qua hơn 500 năm với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi đền gần như đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn 1 ngôi nhà để thờ Nguyễn Văn Nghi, tuy nhiên ngôi đền đã xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào khi mà cột nhà bị mối mọt, đầu nối bị bung chốt…

Nhìn từ ngoài vào, di tích này đang bị bủa vây bởi cỏ và cây dại, cỏ cây mọc um tùm khắp nơi, từ trên cổng thành, tường thành, quanh tượng đá, giếng nước…

Mặc dù năm 2014, di tích này đã được UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định phê duyệt trùng tu, sửa chữa với tổng kinh phí 52,6 tỉ đồng. Thế nhưng sau 5 năm được phê duyệt, dự án vẫn nằm "trên giấy", còn di tích ngày càng xuống cấp.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, cho biết dự án do sở làm chủ đầu tư, trong năm nay Trung ương hỗ trợ về cho địa phương được hơn 1 tỉ đồng để trùng tu. "Dự án trùng tu có nguồn vốn lớn, tuy nhiên hiện nguồn bố trí chưa có nên dự án vẫn chưa triển khai được"- ông Phương thông tin.

Một số hình ảnh về ngôi đền được ví như Thành nhà Hồ "đệ nhị" ở Thanh Hóa đang xuống cấp nghiêm trọng:

Ngôi đền được ví như Thành nhà Hồ "đệ nhị" ở Thanh Hóa này tọa lạc tại một khu đất bằng phẳng, bao quanh bởi cánh đồng mênh mông lúa.

Đường vào đền có chó đá chầu 2 bên, nền đường được lát đá xanh nguyên khối

Ngôi đền được xây dựng cách đây hơn 500 năm, để thờ Thái phó Nguyễn Văn Nghi, người có công dạy 2 vị vua Lê Anh Tông và Lê Thế Tông. Đây là ngôi nhà thờ còn sót lại trong quần thể di tích lịch sử văn hóa kiến trúc độc đáo này

Điểm đặc biệt của ngôi đền là tường thành nội và các công trình khác như giếng, tượng... được làm chủ yếu bằng đá xanh

Trải qua hơn 500 năm, cổng thành và các tượng bằng đá vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Tuy nhiên, tường thành đã bị cỏ cây, rêu xanh mọc um tùm, các bức tượng mốc xanh

Tượng voi phục bị bủa vây bởi cây dại

Đường vào giếng ngọc đá bong tróc hết, cỏ cây xâm lấn hết cả lối đi

Giếng ngọc trông mất đi vẻ đẹp cổ kính bởi lá cây bao quanh lâu ngày không được dọn dẹp

Đường vào một bia đá trong di tích cũng xuống cấp nghiêm trọng

Cây dại bủa vây sát bia đá ghi công trạng

Đền chính còn sót lại hiện cũng đang xuống cấp

Các cột, kèo cũng đã bị mục, mối mọt xâm hại

Cảnh nhếch nhác bên hông ngôi đền thờ Thái phó Nguyễn Văn Nghi.

Theo Thanh Tuấn - NLĐ

NLD