Trung Quốc muốn phóng 'mặt trăng giả' lên trời để thay đèn đường

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:07, 18/10/2018

Trung Quốc có kế hoạch phóng một vệ tinh đóng vai trò là một nguồn sáng nhân tạo thay thế những cây đèn đường đã quá quen thuộc.

Theo dự án, ánh sáng tạo ra bởi vệ tinh sáng gấp 8 lần Mặt trăng và có thể điều chỉnh để chiếu sáng khu vực có đường kính 10 - 80km. Vệ tinh dự kiến sẽ được sử dụng cho Thành Đô, một trong 3thành phố đông dân nhất ở miền Tây Trung Quốc với khoảng 14,5 triệu người.

“Mặt trăng nhân tạo” là sản phẩm do Viện Nghiên cứu khoa học hàng không - công nghệ vi điện tử Thành Đô (Casc) nghiên cứu. Chủ tịch Casc Ngô Xuân Phong cho biết dự án đã được tiến hành thử nghiệm từ vài năm trước và công nghệ đã đủ phát triển để phóng vệ tinh vào năm 2020.

Tờ Nhân dân Nhật báo cho biết dự án lấy ý tưởng từ một họa sĩ người Pháp, người đã tưởng tượng “treo một dây chuyền bằng gương lên Trái đất để có thể phản chiếu ánh sáng mặt trời lên đường phố Paris quanh năm”. Hiện vẫn chưa rõ chính quyền Thành Đô hay cơ quan trung ương có phê duyệt dự án hay không, nhưng đã xuất hiện lo ngại về tác động của loại ánh sáng do vệ tinh tạo ra đối với đời sống của động vật hoang dã trong khu vực được chiếu sáng.

Khả năng thực hiện việc phóng “Mặt trăng nhân tạo” vẫn cần được xem xét. Trước đó giới khoa học cũng có một số ý tưởng tương tự dù mục tiêu và công nghệ khác nhau.

Năm 2013, ba chiếc gương lớn điều khiển bằng máy tính đã được lắp bên trên thị trấn Rjukan của Na Uy nhằm theo dõi sự di chuyển của Mặt trời cũng như phản chiếu ánh sáng xuống quảng trường thị trấn.

Vào những năm cuối 1990, một nhóm nhà thiên văn cùng kỹsư người Nga phóng thành công một vệ tinh phản chiếu ánh sáng Mặt trời về Trái đất, chiếu sáng phần bán cầu về đêm trong thời gian ngắn.

Cẩm Bình (theo The Guardian, Mirror)

Cẩm Bình