Từ hôm nay, thực phẩm bẩn bị phạt tiền lên đến gấp 7 lần giá trị hàng hóa
Sự kiện - Ngày đăng : 06:29, 20/10/2018
Nghị định này được xem là có tính răn đe cao đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn, vì mức xử phạt rất cao, mức xử phạt tiền lên đến gấp 7 lần so với trị giá thực phẩm vi phạm.
Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy địnhmức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm được tăng lên đáng kể so với Nghị định 178 trước đây. Ngoài ra, nghị định này bỏ hình thức cảnh cáo đối với những trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, mà tất cả đều bị phạt hành chính bằng tiền.
Nghị định cũng quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung khi tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn… Các quy định luật pháp đưa ra không chỉ nhằm xử phạt mà còn tăng cường khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm an toàn, bảo vệ cho người dân.
Đánh giá về Nghị định 115/2018/NĐ-CP bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng nghị định mới này có tính răn đe mạnh đối với những những trường hợp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn.
Nghị định mới quy định rất rõ ràng về các hành vi xử phạt cũng như mức phạt tăng cao hơn đối với các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm. Đối với cá nhân có thể lên 100 triệu đồng, các cơ sở doanh nghiệp có thể mức phạt gấp đôi, thậm chí một số cơ sở bị phạt hàng tỉ đồng.
Đối với các doanh nghiệp, nếu tự công bố an toàn thựcphẩm nhưng không đúng với công bố sẽ bị thu hồi toàn bộ sản phẩm và bị phạt tiền.
"Nghị định này đang rất quyết liệttrong việc phòng chống thực phẩm bẩn để đảm bảo sức khỏe của người dân nhưng cũng tạo ra một sự thông thoáng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn”, bà Phong Lan nhấn mạnh.
Tuy nhiên bà Phong Lan cũng cho rằng một số quy định trong nghị định mới này cần phải thực hiện một cách mềm dẻo hơn để tạo ra sự đồng lòng và tâm phục khẩu phục của người vi phạm. Chẳng hạn nghị định quy định xử phạt những người sản xuất, chế biến thức ăn đường phố không mang găng tay bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng cần phải được thực hiện mềm dẻo. Trước khi xử phạt về hành vi này cần phải vận động, tuyên truyền cũng như cung cấp găng tay, nếu những trường hợp nào cố tình không thực hiện thì sẽ xử phạt như trên.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra gần 402.000 cơ sở, phát hiện trên 77.100 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử lý trên 24.600 cơ sở, trong đó phạt tiền 21.600 cơ sở với số tiền phạt hơn 42,5 tỉ đồng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn đình chỉ lưu hành sản phẩm đối với 195 cơ sở; 3.926 cơ sở phải tiêu hủy sản phẩm; tiêu hủy 3.821 loại thực phẩm không đảm bảo an toàn…
Các nội dung vi phạm chủ yếu được phát hiện là vi phạm ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, điều kiện vệ sinh cơ sở, không thực hiện công bố sản phẩm theo quy định. Tình trạng cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm như sản xuất mà không công bố sản phẩm, đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo quá mức… vẫn diễn ra thường xuyên.
Tình trạng bán hàng thực phẩm online, hàng xách tay, quảng cáo qua mạng xã hội, đặt hàng qua điện thoại… đang là hình thức khá phổ biến gây rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa nếu họ cố tình sản xuất, kinh doanh sản phẩm không đảm bảo an toàn.
Hồ Quang