Các chuyên gia: Trạm BOT Cai Lậy cần được dời về đúng chỗ của nó
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 09:10, 12/12/2017
Trạm thu phí BOT Cai Lậy từ thời điểm hoạt động 1.8 đến nay đã liên tục vấp phải sự phản ứng của người dân. Nhiều chuyên gia, nhà kinh tế cũng cho rằng cần phải xem xét lại hoạt động của trạm thu phí này. Cho đến khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo vào ngày 4.12 yêu cầu trạm tạm dừng thu phí 1 - 2 tháng để Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa ra các phương án giải quyết thì tình hình mới ổn định.
Rõ ràng là khi đi đường tốt và phải trả tiền phí là điều không còn mới mẻ. Tuy nhiên, diễn biến tại trạm thu phí BOT Cai Lậy trong thời gian qua đã tạo ra xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân.
Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng phải làm rõ những góc khuất trong dự án BOT này. Trong đó, cần làm rõ vai trò của Bộ GTVT trong quản lý nhà nước về BOT và với riêng dự án Cai Lậy. Cần trả lời được những câu hỏi: Dự án này có minh bạch, có được ưu ái không? Vai trò, trách nhiệm của tỉnh Tiền Giang trong việc đặt trạm thu phí này như thế nào?
“Trạm thu phí BOT Cai Lậy có rất nhiều sơ hở, giám sát buông lỏng. Theo tôi sự phản đối của người dân là điều phải lắng nghe. Hoàn toàn hết sức nghiêm túc xem xét lại. Tôi rất hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị rút kinh nghiệm. Tại sao lại cho phép thực hiện một cách tùy tiện như vậy. Trạm BOT Cai Lậy là bài học chung cho tất cả. Cho nên tôi nghĩ việc này là việc rất nghiêm trọng, cần phải xem xét những lỗ hổng. Phải đưa ra xem xét quy hoạch lại từng điểm một, xem có hợp lý khi đặt trạm tại đó không, thu phí đến bao giờ, thu như thế nào”, ông Lê Đăng Doanh nói.
Dự án tuyến tránh Cai Lậy và tăng cường mặt đường quốc lộ 1 được thực hiện, trong đó có đề xuất của UBND tỉnh Tiền Giang để hạn chế ùn tắc giao thông khu vực thị xã Cai Lậy. Do không bố trí được nguồn vốn nên Chính phủ chỉ đạo cho Bộ GTVT kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT. Đến thời điểm này, các đơn vị vận tải, tài xế khu vực ĐBSCL đều cho rằng dự án xây dựng tuyến tránh Cai Lậy và vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy chưa minh bạch và chưa đúng quy định, cần phải di dời về đúng vị trí.
Ông Nguyễn Văn Bé Ba, Giám đốc Hợp tác xã Vận tải thủy bộ TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đồng tình với phương án 3 mà Bộ GTVT đưa ra. Đó là di dời trạm hiện nay về đặt trên tuyến tránh, Nhà nước hoàn trả phần kinh phí đầu tư trên quốc lộ 1 hiện hữu, có thực hiện điều tiết phân luồng giao thông…
“Phương án của tôi đưa ra dễ khả thi. Bây giờ dời trạm thu phí vào tuyến tránh, để cho không mất quyền lợi nhà đầu tư ở trước hai đầu của tuyến tránh làm bảng cấm, giống như thành phố Tân An: cấm các xe , xe tải, xe khách trên bao nhiêu tấn không được đi vào thị xã Cai Lậy. Ngoại trừ các chiếc xe này có nhu cầu ví dụ như chở hàng vào thị xã Cai Lậy hay phải vào xã Mỹ Phước Tây… thì cho vô. Còn nếu chạy xuyên qua bắt buộc phải vô đường tránh”.
Ông Nguyễn Phương Lam - Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ phân tích, từ các dự án thu phí theo hình thức BOT hay cụ thể từ trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang, có 2 vấn đề cần làm rõ mới có thể bàn phương án. Về khái niệm BOT là xây dựng, hoạt động thu phí và chuyển giao, bàn giao lại cho nhà nước. Vấn đề này xảy ra trên những dự án xây dựng mới. Thứ 2 là trên những quốc lộ hiện hữu phải được cải tạo, nâng cấp, đó là tiền từ ngân sách nhà nước. Nếu đã rõ như vậy, quốc lộ 1 dù có cải tạo nâng cấp thì tại sao giao cho dự án BOT thực hiện? Câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng từ Bộ GTVT.
Do vậy, để bàn tới những phương án mà Bộ GTVT đưa ra thì phải căn cứ trên 2 nội dung vừa nêu. Ông Nguyễn Phương Lam kiến nghị phải trả lại đúng bản chất của dự án BOT, tức là xây dựng tuyến đường tránh thì phải đặt trạm trên đó. Còn đối với quốc lộ 1 là người dân, doanh nghiệp đã trả phí thông qua phương tiện lưu thông thì nhà nước có trách nhiệm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp.
Đối với các phương án mà Bộ GTVT đưa ra đều có hướng muốn giải quyết vấn đề, mang tính tích cực. Tuy nhiên, phương án 1 và phương án 2 và ngay cả phương án 4 đều không khả thi và bất hợp lý.
Riêng phương án thứ 3, theo ông Nguyễn Phương Lam có phần khả thi hơn: “Dời trạm vào tuyến đường tránh. Phần bồi hoàn khoảng 300 tỉ trên tuyến quốc lộ 1 thì trả cho chủ đầu tư. Còn trên tuyến tránh thì nhà đầu tư khai thác thì cũng phải tính toán, thẩm định lại giá trị và mức phí là bao nhiêu. Chứ không thể nói dời sang tuyến tránh rồi cấm tất cả xe tải trọng lớn không được đi quốc lộ mà đi tuyến tránh. Cái đó phải minh bạch, công khai”.
Mâu thuẫn tại BOT Cai Lậy kéo dài như vậy do thiếu một cuộc đối thoại sòng phẳng và cầu thị thực sự giữa Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư và người dân nói chung. Chính vì thế, theo ý kiến của nhiều người dân ĐBSCL thì mấu chốt của trạm thu phí BOT Cai Lậy là đặt trạm sai vị trí. Vì thế, giải pháp căn cơ nhất chỉ có thể là di chuyển trạm vào tuyến tránh.
Theo VOV