Chuyển giao, sáp nhập, mua bán đại học tư thục: Thành công và thất bại

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:38, 24/10/2018

Mô hình đại học tư thục với hình thức mua bán, chuyển giao, sáp nhập đã có những kết quả trái ngược.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả nước có 65 trường ĐH tư thục (chiếm hơn 27,6% tổng số trường ĐH của cả nước), choàng gánh cho ngân sách nhà nước mỗi năm trên 60.000 tỉđồng. Tổng số sinh viên đang theo học các trường ĐH tư thục hiện nay gần 244.000 sinh viên, chiếm khoảng 13,8% số sinh viên cả nước. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, số sinh viên các trường ĐH tư thục phải đạt 40%.

Đây là mô hình đã được triển khai gần 30 năm nay và mang lại những lợi ích thiết thực, tuy nhiên trong thời gian gần đây, mô hình này đã bị xáo trộn bởi sự tham gia của các nhà đầu tư giáo dục trong việc mua bán, chuyển nhượng, sáp nhập giữa các trường. Sự thay đổi này đã tạo nên nhiều lo ngại trong giớigiáo dục.

Thời gian qua, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp đã hướng đến thị trường giáo dục. Cụ thể là Tập đoàn Thành Thành Công mua Trường ĐH Yersin, Trường Cao đẳng (CĐ) Sonadezi. Trường ĐH Thành Tây được chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Vicostone (VCS). Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường ĐH Gia Định thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Nguyễn Hoàng. Công ty cổ phần Đầu tư Hùng Hậu sau khi sở hữu Trường ĐH Văn Hiến cũng tiếp tục mua thêm 4 trường CĐ và trung cấp khác. Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM được bán lại cho nhóm cổ đông có ông Đặng Thành Tâm. Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn, Trường CĐ Việt Tiến (Đà Nẵng) cũng được chuyển sang chủ sở hữu mới.

Tuy nhiên, kết quả sau những cuộc mua bán, chuyển giao chủ sở hữu đã có những kết quả tiêu cực lẫn tích cực. Có nhiều trường đang trên đà phát triển khi đổi nhà đầu tư lại gặp rất nhiều bất cập. Có nhiều trường đang trong tình trạng khó khăn về tài chính lại được vực dậy bởi những kế hoạch đúng đắn của nhà đầu tư mới.

Dưới đây là những thống kê về sự thành bại của các trường sau khi được chuyển giao, sáp nhập:

Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM trước khi chuyển giao có quy mô hơn 10.000 sinh viên nhưng khi chuyển sang nhà đầu tư mới, nội bộ trường bị xáo trộn nhiều năm liền và dẫn tới bị đình chỉ tuyển sinh, giảng viên tháo chạy và ảnh hưởng lớn đến việc học của sinh viên. Hiện nay, trường chỉ có vài trăm sinh viên.

Trường ĐH Văn Hiến, năm 2010, trước tình hình khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất thiếu thốn, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) làm nhà đầu tư chiến lược của trường, với cam kết đầu tư 180 tỉđồng để xây dựng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, vài năm sau đó, những cam kết của nhà đầu tư vẫn chỉ trên giấy. Đến năm 2013, Công ty cổ phần Phát triển Hùng Hậu mua lại trường này.

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, với khoản nợ lên đến cả trăm tỉđồng cùng với tình hình tuyển sinh cũng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, chủ của ngôi trường đã quá lớn tuổi. Sau khi được chuyển giao cho Tập đoàn Nguyễn Hoàng, đến nay trường này đã có cơ sở vật chất khang trang, điều kiện học tập, giảng dạy của giảng viên được thay đổi theo hướng tốt hơn.

Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), từ chỗ bị đình chỉ tuyển sinh các ngành CĐ, quy mô sinh viên chỉ có vài trăm, không có cơ sở vật chất, nhưng từ khi chuyển sang chủ mới đã có cơ sở vật chất tốt hơn, quy mô đào tạo 6.000 - 7.000 sinh viên.

Với những con số về sự thành công, thất bại vừa nêu trên, cho thấy rõ ràng việc đầu tư vào giáo dục không chỉ cần nhà đầu tư có đủ nguồn tài chính, đủ tầm nhìn mà còn cần một chiến lược dài hạn. Đây là lĩnh vực đào tạo con người nên vấn đề lợi nhuận không thể là yếu tố đặt lên hàng đầu. Về phía nhà trường cũng cần cân nhắc kỹ khi quyết định sáp nhập, chuyển nhượng cho chủ đầu tư mới.

Tú Viên

nguyễn tuyết