Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Hội An biết cách phát triển du lịch, còn Huế thì không

Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 08:25, 11/08/2018

Là người có nhiều nghiên cứu về lịch sử triều Nguyễn và văn hóa của cố đô Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã có khá nhiều công trình được xuất bản trong và ngoài nước. Ông đã dành cho báo điện tử Một Thế Giới bài phỏng vấn về thực trạng ngành du lịch Thừa Thiên-Huế hiện nay, mà theo ông có những vấn đề cần phải sáng tỏ.
Nhà văn La Hường và nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - Ảnh: NVCC

- Được biết ông chỉ là người chuyên về nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế chứ chưa từng là người chuyên về lĩnh vực du lịch Huế thì những nhận xét của ông về du lịch Huế liệu có tính thực tiễn không?

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Tôi không trực tiếp ở trong một cơ quan quản lý hay kinh doanh du lịch nào cả. Nhưng tôi và KTS Nguyễn Trọng Huấn từ đầu những năm 80 đã viết đề án phát triển du lịch Huế. Tôi viết sách hướng dẫn du lịch Huế, làm hướng dẫn viên không chuyên cho nhiều đoàn du lịch trong nước và ngoài nước, nghiên cứu viết nhiều bài về các tuyến du lịch, có tham luận trong nhiều hội thảo về du lịch, cũng có dạy về du lịch ở Huế và TP.HCM, viết nhiều bài về du lịch Huế cho Tạp chí du lịch Việt Nam, Tạp chí Du lịch TP.HCM, Tạp chí Du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng. Cho nên nhận xét của tôi về du lịch Huế chưa bao giờ bị xem thường cả. Những bài viết của tôi đã góp phần phản biện những thông tin sai về du lịch Huế và giải mã những bí ẩn tồn tại cả thế kỷ qua. Tất cả những bài viết của tôi về du lịch Thừa Thiên-Huế (TT-H) đã được gom lại vào một quyển sách và sẽ xuất bản trong thời gian sắp tới.

- Những cơ sở và đóng góp nào của ông cho ngành du lịch Huế?

- Thứ nhất là tôi đã viết sách hướng dẫn du lịch Huế. Ví dụ như sách Hướng dẫn đi thăm Kinh thành xuất bản bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp. Từ năm 1996, cuốn sách này đã được đưa lên mạng của UNESCO tại Pháp. Và hàng chục cuốn sách phục vụ du lịch Huế như Chín đời chúa và mười ba đời vua Nguyễn, Chuyện các ông hoàng triều Nguyễn, Chuyện các quan triều Nguyễn, Bốn trăm năm chùa Thiên Mụ, Chuyện tình và thơ tình xứ Huế. Trong 70 đầu sách của tôi đã xuất bản có ít nhất một nửa trực tiếp phục vụ du lịch (xem bản kê dưới đây) và hàng chục bài viết về du lịch đăng trong các cuốn lịch sử và triều Nguyễn, Huế xưa khác của tôi.

- Là nhà nghiên cứu về lịch sử văn hóa Huế và đã có nhiều đóng góp cho du lịch Huế, xin ông cho biết ý kiến của ông về công nghiệp du lịch TT-H hiện nay như thế nào? Di tích, di sản có mối liên quan thế nào đối với sự phát triển của ngành du lịch TT-H?

- Công nghiệp du lịch Huế vì quá dựa vào việc khai thác hoàng thành Huế, lăng mộ các vua Nguyễn mà không chú ý đến việc khai thác nguồn tài nguyên du lịch vô giá của cảnh quan, môi trường, sông biển, núi non, đầm phá, truyền thống văn hóa và đặc biệt là du lịch tâm linh của Huế. Cho nên du lịch Huế hầu như dậm chân tại chỗ.

Khai thác du lịch ở tại Hoàng thành và các lăng mộ chỉ quan tâm đến việc bán vé vào xem di tích chứ không hiểu rằng Hoàng thành Huế cũng như lăng mộ các vua Nguyễn chỉ là nguồn tài nguyên của cha ông để lại, khi đưa vào làm du lịch thì phải có đầu tư về cảnh quan, tạo không khí tâm linh, những sản phẩm liên quan. Vì thế doanh thu ở các địa điểm này rất hạn chế dù giá vé vào xem di tích rất cao. Ví dụ tạo cảnh quan ở một ngôi lăng làm sao cho du khách trước khi vào lăng có bước chuyển tiếp từ cuộc sống đời thường đi vào một nơi mang tính tâm linh, vừa tạo ra không khí trầm mặc cho du khách, vừa kéo dài thời gian du khách phải bỏ ra cho một chuyến thăm lăng góp phần kéo dài thời gian du khách ở lại Huế lâu hơn.

Trình độ của cán bộ quản lý phát triển du lịch và người làm du lịch ở TT-H rất hạn chế. Đó là chưa nói đến tình hình người làm du lịch Huế tự làm hại nhau chứ không phối hợp để giúp nhau cùng phát triển. Đó là một nhược điểm khi đất nước Việt Nam bước vào thời kỳ công nghiệp 4.0

Lãnh đạo của tỉnh TT-H chưa bao giờ khẳng định được việc phát triển du lịch Huế đi theo con đường nào, chưa xác định được thế mạnh của Huế là gì, đặc điểm khác biệt của Huế với các địa phương khác như thế nào... Do đó, sự phát triển của du lịch Huế tự phát là chính chứ không theo một phương hướng khai thác thế mạnh nhất của Huế, chưa tìm được phương thức phát triển du lịch ở thành phố cố đô. Hội An thành công vì Hội An sớm tìm được phương thức khai thác đô thị cổ của mình.

Sai lầm nặng nhất của lãnh đạo TT-H về du lịch Huế là: Cơ cấu bộ máy các công ty du lịch chính của tỉnh kém chất lượng nên dù khai thác những cơ sở tốt nhất về du lịch ở Huế nhưng kinh doanh vẫn thiếu hiệu quả. Để hỗ trợ cho các công ty này, có lúc tỉnh hạn chế sự phát triển của các đơn vị khác đến kinh doanh du lịch ở Huế để dành thuận lợi cho các công ty của tỉnh TT-H. Đến như thế vẫn không có kết quả thì thay vì tổ chức lại bộ máy gồm những người có tài, có kinh nghiệm làm du lịch thì tỉnh TT-H lại đem bán tháo với giá rẻ mạt cho Bitexco tất cả các cơ sở du lịch ở những vị trí vàng mà dân Huế đã bao đời nay mới tạo dựng nên, như KS Hương Giang chẳng hạn. Đây là một sai lầm tỉnh TT-H phải nghiêm túc nhận sai lầm và thỉnh cầu biện pháp sửa chữa.

- Ông có nhận xét gì về việc quản lý và phát huy giá trị di sản Huế hiện nay?

- Trong câu trả lời vừa rồi tôi cũng đã đề cập qua một chút về nội dung của câu trả lời câu hỏi này. Ở đây tôi xin nhấn mạnh thêm: Lãnh đạo cũng như người thực hiện phát triển du lịch Huế rất ngại gặp gỡ, trao đổi hay tham khảo ý kiến của những người am hiểu về du lịch Huế ở trên khắp đất nước, đặc biệt là ở Hà Nội, TP.HCM và cả ở Huế. Lãnh đạo TT-H mời những công ty, những tổ chức du lịch quốc tế làm cố vấn là một việc rất tốt. Nhưng khi họ hỏi thế mạnh của du lịch Huế là gì, phương hướng phát triển du lịch Huế là gì thì lãnh đạo TT-H không trả lời được. Nguyên tắc là mình phải cho ngoại quốc biết thế mạnh tài nguyên đặc biệt của mình, mình kêu gọi thế giới giúp mình phát triển nguồn tài nguyên đó như thế nào? Họ có thể giúp cho mình để tự phát triển được không? Hiện nay ngoại quốc bỏ tiền ra thực hiện những việc trên TT-H nhiều chuyện chỉ có hại chứ không có lợi. Ví dụ như Hàn Quốc giúp làm đường gỗ lim bên bờ nam sông Hương hiện nay.

Đường gỗ lim đang được xây dựng phá vỡ cảnh quan bên bờ nam sông Hương - Ảnh: NĐX

Huế là trung tâm du lịch, hằng ngày có hàng ngàn du khách đi ngang qua trước Trường Quốc học có một kiến trúc tiêu biểu của Huế bên sông Hương nhưng không ai biết đó là di tích gì? Ở tại Huế, ngay cơ quan nhà nước cũng gọi đó là Bia Quốc học. Chỉ một việc nhỏ dựng đó một tấm bảng viết rõ đó là Đài Chiến sĩ trận vong do vua Khải Định lập nên từ năm 1917 để tưởng niệm những người Việt Nam và người Pháp ở Đông Dương đã giúp Pháp trong Thế chiến thứ nhất 1914-1918. Đó là một di tích lịch sử nhưng cho đến nay vẫn chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm cả. Hằng ngày có hàng ngàn người đi tham quan lăng Khải Định đi qua đi về lăng mộ nghệ sĩ điêu khắc quốc tế Điềm Phùng Thị, nhưng không hề có một tấm bảng báo dựng bên đường cho du khách biết ở đó có ngôi lăng của người nữ điêu khắc quốc tế. Có thể nói nêu ra tất cả những thờ ơ, trình độ kém cỏi của ngành du lịch Huế, nhiều trang sách mới kê hết. Do trình độ hạn chế như thế, cho nên còn biết bao nguồn tài nguyên du lịch Huế nằm ngay trước mắt chưa hề được đưa vào khai thác. Ví dụ như cồn Hến, hai bên bờ sông Như Ý (sông Thọ Lộc), sông Hương, các khu nhà vườn…

- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này.

Qua buổi trao đổi này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã có những chia sẻ của một người nặng lòng với xứ sở thần kinh với những thực trạng của ngành du lịch TT-H bấy lâu nay vẫn bị đánh giá là chậm phát triển. Và mong muốn của ông cũng là mong muốn của những người yêu Huế làm sao để phát triển du lịch Huế xứng đáng với tiềm năng du lịch hiện có.

34 đầu sách phục vụ du lịch TT-H của Nguyễn Đắc Xuân

1. Hương Giang cố sự, Sông Hương Huế, 1986

2. Những bí ẩn về cựu Hoàng đế Duy Tân, Sở VHTT BTT 1987, Thuận Hóa (tái bản) 1997

3. Chuyện cũ Cố đô, Thuận Hóa (tái bản) 1989

4-6. Chuyện các bà trong cung Nguyễn (3 tập), Nxb Thuận Hóa 1989, 1994, 1997

7. Chuyện các ông hoàng triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa 1994

8. Hướng dẫn đi thăm kinh thành (11A và 11B) (song ngữ Việt-Pháp và Việt-Anh), Nxb Thuận Hóa 1990 (cuốn này đã được cơ quan UNESCO tại Paris đưa lên Internet từ năm 1996)

9. Histoire d’amour des dames dans le Palais des Nguyen, Bửu Ý dịch, Nxb The Gioi, 1993

10. Cố đô Huế - Bí ẩn và khám phá, Nxb Thuận Hóa, 1994

11. Chuyện ba vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân, Nxb Thuận Hóa, 1995

12. Chín đời Chúa và mười ba đời vua Nguyễn, Nxb Thuận Hóa. 1997

13. Princes, Seigneurs et Empereurs des Nguyên, Nxb The Gioi, 1996

14. Văn hoá cố đô, Nxb Thuân Hóa. 1997

15. Bốn trăm năm chùa Thiên Mụ, Nxb Thuận Hóa 1998

16. Chuyện tình và Thơ tình xứ Huế, Nxb Thuận Hóa 1998

17. Một trăm năm chợ Đông Ba, Nxb Thuận Hóa 1999

18. Môt trăm năm khách sạn Saigon Morin Huế, Huế 2000

19-24. Hỏi đáp về triều Nguyễn và Huế xưa, 6 tập Nxb Trẻ, TP.HCM 2000 đên 2002

25. Chuyện các quan triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa 2001

26. Lễ tết ăn chơi trong cung Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, 2004,

27. Vua Hàm Nghi - một tâm hồn Việt ở chốn lưu đày, Nxb Thuận Hóa, 2008, bổ sung tái bản 2014

28. Hỏi chuyện đời bà “thứ phi” Mộng Điệp với cựu hoàng Bảo Đại, Nxb Thuận Hóa, 2008

29. 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế Nxb Trẻ, 2009, Giải Bạc sách toàn quốc năm 2010

30. Nhánh tùng vườn An Hiên, Nxb Thuận Hóa, 2010

31-32. Nghiên cứu triều Nguyễn và Huế xưa (2 tập), Nxb Thuận Hóa, Huế 2011, 2012

32. Một trăm năm vui buồn Hoàng hậu Nam Phương, Nxb Thuận Hóa 2014

33. Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế, Thuận Hóa 2014

34. Thiền Lâm ngôi chùa lịch s- Thiền viện lớn nhất ở xứ Đàng Trong, Nxb Thuận Hóa 2017

Hạ Lan (ghi)