Các ĐBQH băn khoăn về Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:39, 26/10/2018

“Nếu chúng ta làm không khéo và mở quá rộng phạm vi thông tin bí mật thì không ai dám làm gì cả, bởi vì người ta rất sợ vi phạm, thậm chí không ai dám tuyên truyền phổ biến”, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói.

Thảo luận về Luật Bảo vệ bí mật nhà nước tại Quốc hội, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) e ngại rằng luật này sẽ có tác động nhiều chiều, trong đó có những tác động ngoài ý muốn, tiêu cực đối với chính sách đẩy mạnh công nghệ 4.0 và công nghệ thông tin, xây dựng các đô thị thông minh...

Theo ông Nghĩa, đặc trưng của xã hội này là thông tin, phải phổ biến thật nhanh, thật rộng, tiện lợi, rẻ và thậm chí là miễn phí. Xã hội nào càng phổ biến được nhiều thông tin như vậy thì xã hội đó càng phát triển nhanh chóng và nó tăng năng suất lao động, làm tăng giá trị nên kinh tế.

“Nếu chúng ta làm không khéo và chúng ta mở quá rộng thì không ai dám làm gì cả, bởi vì người ta rất sợ vi phạm, thậm chí không ai dám tuyên truyền phổ biến”, ông Nghĩa nói.

Đại biểu này cũng cho rằng quy định phạm vi bí mật nhà nước quá rộng. “Thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, Nhà nước phải tuyên truyền, phổ biến để người ta học tập? Trong vấn đề tư pháp, khởi tố hoạt động điều tra, truy tố, xét xử không thể công khai tranh luận”, ông Nghĩa nói.

Bên cạnh đó, thông tin về vấn đề công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản là có nhiều thông tin phải phổ biến. Thông tin này không thuộc về nhà nước, vì các doanh nghiệp và người dân tự đi điều tra, khảo sát. Nếu phạm vi bí mật nhà nước thế này là lợi bất cập hại.

“Có nhiều thông tin về Việt Nam nhưng hiện nay nhiều lúc chúng tôi muốn có phải lấy ở nước ngoài. Ở nước ngoài họ điều tra, nghiên cứu, khảo sát rồi thông tin, về địa hình, địa chất, biển đảo, ở nước ngoài các vệ tinh sao chụp và đăng công khai lên, rất nhiều cái đó mà đưa vào đây là thuộc bí mật nhà nước thì có hợp lý không?”, ông Nghĩa nói.

Cùng với đó, đề thi, đáp án, thông tin đến kỳ thi quốc gia, đề thi và đáp án chỉ bí mật thứ nhất chưa hẳn là bí mật nhà nước. “Chúng ta phân biệt bí mật nhà nước, bí mật của các tổ chức, các cơ quan, của doanh nghiệp và của cá nhân. Đề thi, đáp án chỉ mật khi trước kỳ thi, sau kỳ thi không còn bí mật nữa nên đưa vào đây nhân dân đọc người ta thấy rất băn khoăn và e ngại”.

“Tôi e ngại, nếu như cộng đồng doanh nhân nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn với Việt Nam, khi người ta đọc luật này thì người ta hết sức ngần ngại khi chúng ta giao tiếp, hội thảo, đàm phán, thương lượng, gửi tài liệu qua các email…”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

ĐB Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên Huế) cũng cho rằng những thông tin về thân thế sự nghiệp của lãnh đạo nhà nước là tấm gương để mọi người học tập cần công khai, nếu để mật có thể dẫn đến bị các thế lực thù địch xuyên tạc và gây hiểu lầm. Do đó, về chính sách, cần quy định rõ vấn đề nào mật để tránh lạm dụng việc ban hành chủ trương chính sách mang tính nội bộ dẫn đến nguy cơ lợi ích nhóm.

Theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Điều 17 của Luật tiếp cận thông tin quy định cơ quan Nhà nước phải chủ động công khai cho nhân dân. So sánh với điều 7 của luật này thì rất chồng chéo. Ví dụ, những văn bản, thông tin thỏa thuận được trao đổi, ký kết giữa Việt Nam với nước ngoài, tổ chức quốc tế… được quy định là những thông tin mật. Nhưng trong Luật Tiếp cận thông tin thì Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thì phải công khai.

Khi Việt Nam chuẩn bị tham gia Hiệp định TPP, rất nhiều địa phương và doanh nghiệp có nói rằng trong khi doanh nghiệp các nước được tiếp cận những dự thảo về ký kết thì ở Việt Nam vẫn được đưa vào danh sách bí mật. Doanh nghiệp Việt Nam đã yếu đuối lại còn không được thông tin thì rất khó khăn cho việc chuẩn bị chiến lược phát triển, làm sao để hội nhập quốc tế.

“Trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, đất đai, 70% vụ khiếu nại tố cáo đang là vấn đề rất mắc mớ nhưng chúng ta lại đóng khung vào đây là bí mật. Quy định quá chung thế này thì những vụ như Thủ Thiêm hay các vụ mà người dân không tìm được bản đồ trước đây thì có lẽ không bao giờ giải quyết được về đất đai vì đưa vào bí mật hết”, bà Khánh nêu.

Còn theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): “Trước đây tôi giám sát việc liên quan đến xâm hại tình dục cháu bé ở Thủ Đức. Tôi gửi văn bản tới bệnh viện Từ Dũ, và Giám đốc Sở Y tế TP.HCM yêu cầu thông tin về giám định. Họ trả lời chỉ có cơ quan tố tụng mới có quyền, tôi lập tức đưa một văn bản đến Chủ tịch UBND TP.HCM nhưng cho đến ngày hôm nay, vẫn chưa nhận được bất kỳ một thông tin nào.

“Đối chiếu với Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, vấn đề bí mật đối với đại biểu Quốc hội như thế nào và các cơ quan sẽ thực hiện như thế nào. Đối với đại biểu Quốc hội cần phải có thông tin mới có khả năng để giám sát”, ông Nhưỡng nói.

Lam Thanh

Trí Lâm