Nguồn cung heo hơi sẽ cạn kiệt sau 'lời kêu gọi giảm giá'
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:28, 26/10/2018
Ngày 26.10, các công ty chăn nuôi lớn tiếp tục giảm giá heo hơi ở các tỉnh phía Nam, về mức trung bình 50.000 đồng/kg; trong khi heo của dân nuôi giảm ngang với các tỉnh phía Bắc, giao động từ 45.000-48.000 đồng/kg.
Giám đốc phụ trách chăn nuôi một công ty ở Đồng Nai nói việc các doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh giảm giá thêm 500 đồng/kg heo hơi là “hưởng ứng” lời kêu gọi giảm giá của Bộ nông và phát triển nông thôn.
Tuy nhiên, với người chăn nuôi, việc giảm giá heo là tình thế bắt buộc, nghĩa là hoàn toàn bị ảnh hưởng của thông tin từ cuộc họp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đưa giá heo về giá 45.000, điều này làm cho các trại lo ngại và tranh thủ bán khi còn được giá.
Theo khảo sát, hiện nay các trại của dân đang bán ồ ạt đàn heo, làm thị trường càng rơi vào đà đi xuống, trong khi các chủ lò mổ, khách hàng, thương lái càng dựa vào việc nhiều trại gọi bán heo để có nhiều lựa chọn và ép giá lại các trại khiến giá liên tục giảm.
“Thị trường rơi vào tình trạng giảm giá nhanh, giá xuống liên tục, giá cả lộn xộn. Các trại của dân đến tuổi bán thì tranh nhau gọi khách bán, các trại có heo còn nhỏ, khoảng 95-100 kg cũng lo ngại nên liên tục gọi bán heo!”, ông Nguyễn Minh Trung, chủ trại heo 250 nái ở Xuân Lộc, Đồng Nai chia sẽ.
Tình trạng bán tống tháo đàn heo, theo phân tích của giới chăn nuôi, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến thị trường trong một vài tháng tới do tổng đàn heo của Việt Nam đang rơi vào thiếu hụt thực sự.
Nghĩa là, từ cuối năm 2016 đến tận tháng 4.2018, người chăn nuôi đồng loạt giảm đàn. Số liệu đàn heo cả nước giảm 6,3% đến tháng 6.2018 so với cùng kỳ 2017 ở mức hơn 27 triệu con mà Cục chăn nuôi đưa ra mới đây, theo một số công ty chăn nuôi lớn là chưa thật sự chính xác, do đó có thể còn giảm hơn nữa. Nay, người dân lo ngại nhà nước can thiệp giá lại tiếp tục bán tháo đàn heo càng làm nguồn cung hụt nhanh.
“Trước đây nông dân thường để heo đến tuổi xuất chuồng (hơn 100kg trở lên) mới bán, còn bây giờ heo chỉ mới đạt trọng lượng 80-90kg họ đã kêu bán, điều này khiến nguồn cung sẽ hụt trước 1 tháng”, đại diện công ty chăn nuôi ở Bình Dương phân tích.
Với phân tích trên, nhiều dự báo cho rằng cuối tháng 11 trở đi là thời điểm sẽ xảy ra thiếu heo, lúc đó giá cả lại tiếp tục biến động và nếu nhà nước tiếp tục yêu cầu các công ty lớn giảm giá thì cũng khó mang lại hiệu quả.
Do đó, thay vì yêu cầu doanh nghiệp, người chăn nuôi chia sẽ khó khăn, Bộ Nông nghiệp cần có chính sách chuẩn bị nguồn cung từ lúc này, ví như kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương công bố giảm thuế nhập khẩu thịt để thúc đẩy nhập khẩu.
Đây là giải pháp tình thế, có thể gây tổn hại thêm cho người chăn nuôi, nhưng ít ra cũng có thể giải quyết tạm thời thị trường. Còn lâu dài, với vai trò là đầu tàu, Bộ Nông nghiệp phải đứng về nông dân, doanh nghiệp chứ không thể ép họ hy sinh lợi ích mãi được.
Bảo Anh