CEO Trần Văn Chín: Điều khiến tôi hạnh phúc là giảm bớt được gánh nặng cho xã hội
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 08:18, 06/02/2019
"Mặc dù sau 10 năm không phát triển được thương hiệu xe máy Việt, nhưng tôi tin New VMC đã góp phần vào việc điều tiết thị trường làm cho các thương hiệu xe máy Honda, Suzuki, Yamaha, SYM phải giảm giá xuống mức phù hợp, tạo điều kiện cho nhiều người có cơ hội mua chiếc xe máy mà mình yêu thích", Trần Văn Chín kể lại.
Và khi thị trường xe máy đạt độ bão hòa cũng như việc các thương hiệu Việt Nam trong ngành chưa đủ sức cạnh tranh với các tên tuổi lớn, Trần Văn Chín đã rút chân và chuyển sang đầu tư các mảng kinh doanh khác mà trong đó, Công ty CP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật VMCTech - đơn vị cung cấp các giải pháp công nghệ phù hợp vào thi công các công trình hạ tầng - thành viên non trẻ nhất của VMC Group chính là đứa con tinh thần mà anh tâm huyết nhất.
Tôi được biết VMCTech đã theo đuổi về giải pháp chống ngập 4 năm nay và chính anh đã đề xuất giải pháp đầu tư hồ điều tiết ngầm vừa đảm bảo chống ngập, vừa tiết kiệm quỹ đất rất được thành phố quan tâm. Anh có thể nói rõ hơn về dự án này?
- Để nói về điều này, tôi xin nói về xa hơn về vấn đề ngập lụt đô thị. Đô thị hóa là một nhu cầu bắt buộc phải diễn ra đối với các nước có nền kinh tế đang phát triển và cùng với quá trình đô thị hóa thì các giải pháp cho thoát nước, chống ngập luôn luôn phải phát triển đồng bộ. Tuy nhiên, tình trạng ngập lụt hiện nay tại TP.HCM và các thành phố lớn khác trên cả nước là một vấn đề rất nóng, gây ra rất nhiều tổn thất và hệ lụy cho nền kinh tế cũng như đời sống của mỗi người dân. Để giải quyết thực trạng này, chúng ta cần phải có sự chung tay thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và sự đầu tư của Nhà nước, của các địa phương, doanh nghiệp và cả từ ý thức của từng người.
Hiện VMCtech có đề xuất giải pháp xây dựng hồ điều tiết ngầm bằng Modul Crosswave, là giải pháp mà Nhật Bản đã áp dụng trong nhiều năm qua, thể hiện được chức năng điều tiết nước mưa, ngắt dòng chảy tràn tạo ra hiệu quả giảm ngập cục bộ do mưa.
Lợi ích của giải pháp này chính là thời gian thi công nhanh chóng, bề mặt địa điểm lắp đặt sẽ được hoàn trả và tiếp tục sử dụng cho các công năng khác như xây dựng công viên, bãi đậu xe... Đồng thời, nếu trong tương lai, khi tại vị trí hồ cần xây dựng một công trình khác thì tất cả các tấm Modul Crosswave hoàn toàn có thể tái sử dụng, phần chi phí mất đi chỉ là chi phí tái lập mặt bằng. Ưu điềm này là điều mà hồ ngầm xây dựng bằng bê tông không thể so sánh được, hay các hồ hở sẽ làm mất đi diện tích đất cần sử dụng.
Nhân nói về việc chống ngập, anh có thể nhận định vì sao bao năm qua việc chống ngập của TP.HCM vẫn không thực hiện được toàn diện không?
- TP.HCM là nơi chịu nhiều ảnh hưởng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, khiến mực nước biển ngày càng dâng cao trong khi cao độ nền lại bị sụt lún do quá trình đô thị hóa như đã nói ở trên. Ngoài ra, trong quá trình đô thị hóa đó, không thể tránh khỏi một vấn đề khác đó chính là mặt phủ mái nhà, mặt phủ bê tông, mặt phủ đường nhựa tăng cao sẽ làm giảm diện tích thấm nước tự nhiên... Điều này dẫn đến hệ lụy là gây ngập cục bộ do mưa khi hệ thống cống không thể tải nổi áp lực. Đặc biệt hơn, TP.HCM hiện có hơn 10 triệu công dân sinh sống nhưng hệ thống cống ngầm thì rất cũ kỹ, vốn được thiết kế ban đầu cho một đô thị vài trăm ngàn dân, qua nhiều lần cải tạo nâng cấp, song song với sự gia tăng dân số, nên không thể đồng bộ và hiện đã quá tải.
Chống ngập tại TP.HCM là câu chuyện lâu dài và có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tính khả thi. Tôi xin lấy ví dụ về hiện trạng cống ngầm tại TP.HCM luôn trong tình trạng đầy rác thải ứ đọng, khiến cho hệ thống cống vốn đã không đủ sức hoạt động đáp ứng nhu cầu chung lại càng quá tải hơn.
Anh Trần Văn Chín tại một cuộc họp với TP.HCM
Vậy còn ứng dụng công nghệ khoan ngầm Robot và ứng dụng công nghệ hệ thống đậu xe thông minh mà VMCtech đề xuất cụ thể như thế nào?
- Hiện nay, công nghệ khoan ngầm dẫn hướng HDD hay còn được biết đến với cái tên "khoan ngầm Robot" đã được VMCtech chứng minh cho lãnh đạo TP.HCM và các sở ban ngành về tính hiệu quả vượt trội so với phương pháp đào hở như không phải đào cắt mặt đường, gây giảm ô nhiễm môi trường, không gây kẹt xe, thời gian thi công nhanh, lợi ích kinh tế cao hơn...
Và lãnh đạo UBND TP.HCM cũng đã quyết liệt hơn với vấn đề cần phải giảm thiểu các “lô cốt" bằng việc ra Quyết định số 30 ngày 4.9.2018, trong đó yêu cầu các cơ quan hữu trách phải ứng dụng công nghệ HDD vào các biện pháp thi công hạ tầng kỹ thuật ngầm ngay từ đầu. Bên cạnh đó là danh sách các tuyến đường cấm đào.
Như vậy theo tôi, tính đến 2019 thì công nghệ thi công khoan ngầm kéo ống HDD mà chúng tôi đưa đến thị trường đã đạt được một số thắng lợi nhất định.
Về hệ thống đậu xe thông minh, theo tôi lợi ích và sự cần thiết đã quá rõ ràng và cấp bách, tuy nhiên hiện quỹ đất công quy hoạch cho hệ thống đậu xe chưa có nên vẫn trong giai đoạn đề xuất.
Vì sao anh lại quyết định phát triển các công nghệ này tại Việt Nam lúc này và vì sao anh không quan tâm đến các mảng khác có khả năng sinh lợi cao hơn và nhanh hơn, như bất động sản chẳng hạn?
- Một trong những điều tôi yêu thích là công nghệ hiện đại, thế giới càng ngày càng có thêm nhiều phát minh, sáng kiến khiến tôi say mê. Tuy nhiên, để có thể đưa các công nghệ này về Việt Nam thì còn phải tính đến sự phù hợp đối với thị trường.
Quả thật các mảng ứng dụng này không sinh ra lợi nhuận cao nhưng có một điều khiến tôi hạnh phúc chính là giảm bớt được các gánh nặng cho xã hội, mà đối tượng hưởng lợi cao nhất chính là người dân của chúng ta. Việt Nam là đất nước có văn hóa xe máy mạnh mẽ, mọi hoạt động đều diễn ra trên đường phố. Do vậy, chứng kiến cảnh kẹt xe vì “lô cốt”, ngập cục bộ... càng thôi thúc tôi đem các ứng dụng mới và phù hợp về Việt Nam.
Vậy anh có theo dõi đề án Thành phố Thông minh của TP.HCM không, quan điểm của anh về đề án này như thế nào?
- Chắc chắn là đề án xây dựng đô thị thông minh là một trong những điều tôi theo dõi sát sao, bằng chứng chúng tôi có phương châm hoạt động là “Đồng hành xây dựng Thành phố Thông minh”. Bởi lẽ theo tôi đây là một đề án rất hay, rất quan trọng cho TP.HCM - đô thị đang là đầu tàu kinh tế của cả nước. Khi ứng dụng công nghệ vào trong thi công, quản lý... thì chắc chắn TP.HCM sẽ có thêm nhiều thuận lợi để thật sự là đầu tàu mạnh mẽ, kéo theo sự phát triển kinh tế vùng toàn miền Nam cũng như cả nước.
Trong năm 2019 này chiến lược kinh doanh và mong ước của anh ra sao? Anh có muốn gửi lời chúc nào đến độc giả Một Thế Giới trong năm mới không?
- Trong năm 2019 này tôi mong muốn tiếp tục được góp phần cùng đồng hành với thành phố để xây dựng thành phố thông minh, ứng dụng thành công các công nghệ trên vào thực hiện nhiều hơn nữa các công trình hạ tầng kỹ thuật cho TP.HCM và các thành phố lớn trên cả nước. Ngòai ra, chúng tôi luôn cập nhật các công nghệ tiên tiến và hiệu quả trên thế giới với mong muốn chung tay góp sức vào công cuộc phát triển đất nước.
Xin cảm ơn báo Một Thế Giới và kính chúc quý độc giả một năm mới An khang, Thịnh vượng, Vạn sự Như ý!
Cám ơn anh!
Anh Thư Trần