Cơ quan điều tra từ chối đình chỉ điều tra đối với 2 cán bộ QLTT Sóc Trăng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:49, 29/10/2018
Sóc Trăng: Bị can cầu cứu Bộ Công an, đề nghị thay đổi điều tra viên
Luật sư Nguyễn Khánh Trang (Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng) cho biết ông cùng các đồng nghiệp bào chữa cho ông Châu Hoài Phương - Chi cục phó Quản lý thị trường (QLTT) Sóc Trăng, và Ung Văn Thanh (Kiểm soát viên Đội QLTT số 7) đã nhận được phúc đáp của Cơ quan An ninh điều tra (CQANĐT)Công an tỉnh Sóc Trăng, về yêu cầu đình chỉ điều tra đối với hai bị can. Tuy nhiên, CQANĐT cho rằng chưa có căn cứ vì vụ án đang được điều tra bổ sung và chưa có kết quả trưng cầu giám định theo quy định của pháp luật.
Như Báo điện tử Một Thế Giới đã thông tin, theo hồ sơ tố tụng, ông Phương là Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công Thương Sóc Trăng thành lập từ tháng 3.2016. Đoàn này sau đó lấy mẫu 3 loại phân bón của một doanh nghiệp ở thị xã Ngã Năm để gửi xét nghiệm.
Sau 2 lần kiểm nghiệm mẫu phân bón, kết quả cho thấy sản phẩm chưa đạt chỉ tiêu như ghi trên bao bì, đoàn kiểm tra thống nhất cho kiểm tra lại và kết quả đạt.
Cáo trạngcho rằng Thông tư của Bộ Khoa học - Công nghệ không quy định thử nghiệm hàng hóa lần 3. Tuy nhiên, ông Phương bị cho là "muốn củng cố uy tín cá nhân" nên lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để cho lấy mẫu phân bón lưu giữ tại doanh nghiệp đưa đi thử nghiệm lần 3 là sai. Còn ông Thanh thì giúp việc cho ông Phương, nên cũng bị cáo buộc với vai trò đồng phạm.
Đơn của ông Phương- Ảnh: Hàm Yên
Khi có kết quả kiểm nghiệm đạt, đoàn kiểm tra đã mở niêm phong, giải phóng cho doanh nghiệp 148 bao phân để bán ra thị trường, gây thiệt hại chongười sử dụng phân bón. Sau 7 tháng bị tạm giam, tháng 1.2018, ông Phương và ông Thanh được tại ngoại. Cả hai làm đơn kêu oan, cho rằng họ không phạm tội như nội dung cáo trạng nêu.
Ngoài ra, các luật sư còn thấy rằng quyết định của tập thể đoàn kiểm tra thì mỗi cá nhân các thành viên phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ, nếu họ quyết định sai. Nhưng ở trường hợp này, việc cho đi kiểm nghiệm lần 3 là đúng với quy định của pháp luật, nên không có ai vi phạm. Do đó, khi toàn bộ 3 thành viên của đoàn KTLN quyết định cho đi thử nghiệm lần 3 thì không thể cho rằng một trong ba người tham gia quyết định có một người phải chịu trách nhiệm và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Kiểm tra lần 3 là không sai luật
Căn cứ cho đi kiểm nghiệm lại là do có khiếu nại của nhà sản xuất mà theo quy định của khoản 6 điều 9, khoản 13, điều 10 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa thì nhà sản xuất có quyền khiếu nại về chất lượng sản phẩm do họ làm ra, có quyền khiếu nại kết quả thử nghiệm. Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định “người vi phạm có nghĩa vụ chứng minh mình không vi phạm”.
Còn điều 9 Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12.12.2012 của Bộ Khoa học công nghệ chỉ quy định về quyền khiếu nại của người bán hàng khi xử lý vi phạm, còn trường hợp đoàn kiểm tra cho đi kiểm nghiệm lần 3 là giải quyết theo yêu cầu của người sản xuất hàng hóa.
"Đoàn kiểm tra chấp thuận cho đi thử mẫu lần 3 dựa vào các quy định là khoản 6, điều 9 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa quy đinh người sản xuất có thẩm quyền Khiếu nại kết luận của đoàn kiểm tra, quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Khoản 13, điều 10 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa quy đinh người sản xuất có nghĩa vụ chứng minh kết quả sai và lỗi của tổ chức đánh giá sự phù hợp.
Còn lại là điểm đ khoản 1 điều 3 Luật Xử phạt vi phạm hành chính có quy định: Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính. Như vậy, việc cho đi kiểm nghiệm phân bón thêm một lần nữa là phù hợp pháp luật", luật sư Trang nêu.
Công văn của cơ quan điều tra phúc đáp các luật sư- Ảnh: Hàm Yên
Ngoài ra, ông Phương và các thành viên đoàn KTLN đã thực hiện đúng công vụ, đúng pháp luật và không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân nào khác. Cơ quan điều tra cho rằng ông Phương thực hiện hành vi phạm tội với động cơ cá nhân nhằm cũng cố uy tín cho bản thân, cũng cố uy tín cho đoàn KTLN và cũng cố uy tín do doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên và Tập đoàn Con Cò Vàng nên phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, là chưa thỏa đáng và không có căn cứ.
Bởi vì, giữa ông Phương và doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên, Tập đoàn Con Cò Vàng không hề có mối quan hệ cá nhân và ông Phương cũng không có quen biết những người chủ của các doanh nghiệp này. Do đó, ông Phương không có bất kỳ động cơ nào giúp đỡ, bao che. Ông Phương cũng không hề nhận bất cứ tiền bạc, lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất nào từ các doanh nghiệp để nhằm thực hiện trái công vụ như cáo buộc của cơ quan điều tra. Vì vậy, những cáo buộc của cơ quan điều tra đối với ông là sự suy diễn và quy chụp.
"Hiện, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc trăng thụ lý lại vụ án vì bị TAND TP.Sóc Trăng trả hồ sơ. Thời hạn điều tra đã hết nhưng kết quả trưng cầu giám định (thực tế là không có mẫu phân nào để giám định) để lấy cớ tạm đình chỉ điều tra nhằm trốn tránh trách nhiệm chứng minh tội phạm. Vì thực tế không có tội phạm xảy ra trong trường hợp này", ông Phương nêu trong đơn kêu oan.
Hàm Yên